10 đột phá khoa học 2005

  •  
  • 677

Tàu con thoi Discovery phóng lên không gian

Năm 2005 là năm của nhiều sự kiện khoa học đặc sắc. Báo The Guardian (Anh) vừa công bố danh sách 10 đột phá khoa học tiêu biểu nhất trong năm qua.

Cấy nhiễm sắc thể người vào chuột

Di truyền học tiếp tục trở thành điểm nóng của khoa học trong năm 2005 với việc tạo ra con chuột đầu tiên trên thế giới mang nhiễm sắc thể người. Nhà khoa học Elizabeth Fisher thuộc Viện Thần kinh học và Victor Tybulewicz thuộc Viện Nghiên cứu y học quốc gia ở London đã cấy vào chuột một bản sao nhiễm sắc thể 21 của người. Giống chuột mới cho phép họ nghiên cứu loại gen nào thuộc nhiễm sắc thể 21 kiểm soát các triệu chứng khác nhau của hội chứng Down.

Tấn công vào các thiên thể

Vào tháng bảy, người Mỹ đã điều khiển tàu thăm dò Deep Impact phóng một trạm tự động vào sao chổi Temple 1, tạo ra một lỗ hổng trên đó cho phép các nhà khoa học lần đầu tiên quan sát được bên trong một thiên thể đang di chuyển. Tháng trước, phi thuyền Hayabusa của Nhật Bản đã chở phi thuyền đầu tiên đáp xuống một tiểu hành tinh có tên Itokawa.

Mô phỏng vũ trụ trên máy vi tính

Với bộ nhớ 25 triệu megabyte, chương trình mô phỏng thiên niên kỷ (một sự hợp tác của các nhà vật lý học thiên thể các nước Anh, Đức, Mỹ và Canada) là chương trình có qui mô lớn nhất mô phỏng sự hình thành và tiến hóa của vũ trụ. Lập trình trong những điều kiện biết trước, chỉ trong vài tháng chương trình này đã lần lượt tái hiện lịch sử 14 tỉ năm hình thành của vũ trụ và đưa ra một phương cách nghiên cứu tại sao vũ trụ được xếp đặt theo trật tự hiện nay.

Tàu con thoi trở lại không gian

Trong năm qua, Nasa đã phóng thành công tàu con thoi Discovery vào không gian sau khi chương trình đưa tàu con thoi vào không gian bị gián đoạn kể từ thảm họa tàu Columbia năm 2003.

Tái tạo dòng virus cúm năm 1918

Vào tháng mười, các nhà khoa học Mỹ đã tái tạo được dòng virus cúm ở Tây Ban Nha gây ra đại dịch cúm toàn cầu năm 1918 làm chết 50 triệu người. Nghiên cứu cho thấy dòng virus năm 1918 vốn là virus thuần chủng gia cầm đã trở nên thích ứng với người. Kết luận này khiến không ít người lo lắng về khả năng một đại dịch tương tự sẽ xảy ra nếu virus cúm gia cầm H5N1 hiện nay biến thể.

Tàu thăm dò Huygens đáp xuống mặt trăng của sao Thổ


Phát hiện mặt trăng của sao Thổ có tên Titan là một thành công lớn của các nhà khoa học trong năm nay. Sự hạ cánh thành công của tàu thăm dò Huygens sau hành trình dài gần 2 tỉ dặm trong bảy năm giúp các nhà khoa học phát hiện rằng cấu tạo bề mặt của Titan khá giống Trái đất.

Nhân bản phôi người ở Anh

Sau khi các nghiên cứu của giáo sư Hwang Woo Suk bị kết luận là giả mạo, các nhà khoa học người Anh ở Newcastle đã trở thành những người đầu tiên nhân bản thành công phôi người. Sử dụng 36 trứng còn dư của những phụ nữ điều trị vô sinh, các nhà khoa học Newcastle đã tạo ra được mười phôi nhân bản. Việc này giúp đem lại hi vọng trích tế bào mầm riêng lẻ tương thích với các bệnh nhân.

Thuyết tiến hóa thông minh bị cấm giảng dạy tại Mỹ

Thuyết tiến hóa thông minh (Intelligent Design), một thuyết mới cho rằng vạn vật được tạo dựng bởi một đấng siêu nhiên hay một sinh vật cấp cao khác, đã bị tòa án Mỹ tại bang Pennsylvania ra lệnh cấm đưa vào chương trình giảng dạy tại Trường Dover của bang này vì vi phạm hiến pháp.

Năm nóng nhất từ trước đến nay

Các nhà khoa học ở Southampton đã đưa ra bằng chứng đầu tiên cho thấy dòng hải lưu Gulf Stream vốn đem lại khí hậu êm dịu cho nước Anh đang di chuyển chậm lại dần; băng trên Bắc cực hiện chỉ còn 80% so với lần được NASA chụp ảnh đầu tiên vào năm 1978. Năm 2005 cũng được ghi nhận là năm nóng nhất từ trước đến nay.

Chuột biết hát, màu đỏ may mắn

Tim Holy và Zhongsheng Guo thuộc Trường đại học Washington ở Missouri (Mỹ) đã phát hiện rằng khi ngửi thấy mùi nước tiểu của bạn tình, loài chuột ngay lập tức cất lên giọng hát với những âm điệu giống như bài hát.

Trong khi đó, các nhà khoa học Anh lại phát hiện các cầu thủ mặc áo màu đỏ khi thi đấu bóng đá có khả năng thắng cao hơn.

THANH TRÚC

Theo Tuổi Trẻ
  • 677