10 kết quả nổi bật trong hoạt động của Bộ KH&CN năm 2005

  •  
  • 172

Ngày 19.1.2005, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã công bố 10 kết quả nổi bật trong hoạt động của Bộ năm 2005. Đây là sự bình chọn của các cán bộ thuộc Bộ trên cơ sở các sự kiện do các đơn vị trong Bộ đề xuất.

1. Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải làm việc với Bộ KH&CN và gặp mặt các nhà khoa học

Thủ tướng Phan Văn Khải gặp mặt và làm việc với cán bộ KH & CN (Ảnh: tchdkh.org.vn)

Sự kiện này được giới truyền thông và giới khoa học gọi là Hội nghị Diên hồng của ngành KH&CN. Tại buổi làm việc với Bộ KH&CN ngày 23.9.2005, Thủ tướng Phan Văn Khải đã đánh giá cao những đóng góp quan trọng của KH&CN trong phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời khẳng định quyết tâm của Đảng coi sự nghiệp phát triển KH&CN cùng với giáo dục - đào tạo là quốc sách hàng đầu, là nền tảng, động lực đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Ngày 24.9.2005, Thủ tướng đã có buổi gặp mặt và làm việc với gần 500 cán bộ KH&CN đại diện cho các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp thuộc các ngành, lĩnh vực. Lần đầu tiên, các đại biểu đại diện cho giới khoa học trong cả nước được trực tiếp bày tỏ với nhà Lãnh đạo cao nhất của Chính phủ những tâm tư, bức xúc của mình trong quá trình làm khoa học, nói lên những điều mong muốn, sự đồng lòng, quyết tâm vì một mục đích chung duy nhất: Góp sức xây dựng và chấn hưng nền KH&CN nước nhà, giúp đất nước đi lên, ngày một cường thịnh.

2. Quốc hội thông qua Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT)

Luật này được Quốc hội chính thức thông qua ngày 29.11.2005, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2006. Với nội dung gồm 6 phần, 18 chương, 222 điều, Luật SHTT đã đánh dấu một bước hoàn thiện quan trọng của hệ thống pháp luật SHTT Việt Nam về tính thống nhất, toàn diện và đầy đủ, đồng thời tạo ra hành lang pháp lý cơ bản để nâng cao hiệu quả thực thi quyền, vốn là điểm yếu của hệ thống bảo hộ SHTT hiện nay, từ đó góp phần thúc đẩy hoạt động nghiên cứu sáng tạo, sản xuất, kinh doanh trong nước cũng như tiến trình hội nhập và gia nhập WTO của Việt Nam. Đây là một đạo luật chuyên ngành thống nhất, nguồn cơ bản điều chỉnh các quan hệ về SHTT. Sự ra đời của Luật này không những đáp ứng được nhu cầu của hội nhập, khắc phục những bất cập, làm cho hệ thống pháp luật về SHTT của nước ta gần hơn với các nước mà còn thúc đẩy các hoạt động sáng tạo, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh, phát triển thị trường công nghệ.

3. Tổ chức thành công việc xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN

Bộ đã sớm chủ động xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định tạm thời về điều kiện, tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục xét thưởng và văn bản hướng dẫn về Quy chế xét thưởng, làm cơ sở cho các bộ, ngành và địa phương thực hiện. Quy định này đã bổ sung một số điểm mới, với những tiêu chuẩn rõ ràng, rành mạch, cụ thể hơn, nhấn mạnh giá trị khoa học và hiệu quả đem lại cho xã hội (lần đầu tiên đưa vào xét thưởng công trình ứng dụng công nghệ có sáng tạo đặc biệt; tiêu chuẩn xét thưởng đã cụ thể hơn so với trước và tách riêng được tiêu chuẩn xét Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước cho cả 3 loại công trình: Nghiên cứu khoa học, nghiên cứu phát triển và đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ có sáng tạo đặc biệt; mỗi công trình chỉ được đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh hoặc Giải thưởng Nhà nước...). Công tác xét thưởng được tổ chức nghiêm túc, khách quan, tuân thủ Quy định của Thủ tướng Chính phủ. Ngày 30.9.2005, Bộ KH&CN đã tổ chức trọng thể Lễ trao thưởng cho 12 công trình, cụm công trình đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh và 41 công trình, cụm công trình đạt Giải thưởng Nhà nước về KH&CN.

4. Chính phủ ban hành Nghị định 115/2005/NĐ-CP về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức KH&CN công lập

Đây là Nghị định mở đường cho việc chuyển đổi các tổ chức KH&CN thành tổ chức tự trang trải kinh phí và doanh nghiệp KH&CN. Tư tưởng đổi mới của Nghị định được các nhà khoa học đánh giá cao và so sánh với một cuộc "khoán 10" trong khoa học. Nghị định đã trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm tối đa cho các tổ chức KH&CN (về xây dựng và thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tài sản, tổ chức, biên chế), đảm bảo gắn kết lợi ích của nhà khoa học với lợi ích của xã hội. Hiện nay, Bộ KH&CN đang khẩn trương phối hợp xây dựng để sớm ban hành các văn bản hướng dẫn và trình Chính phủ ban hành Nghị định về Doanh nghiệp KH&CN.

5. Tổ chức thành công Chợ công nghệ và thiết bị quốc gia lần thứ 2 tại thành phố Hồ Chí Minh

Tháng 10.2005, Chợ công nghệ và thiết bị Việt Nam 2005 đã được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh. Với quy mô và tính chuyên nghiệp vượt trội so với năm 2003, Chợ đã thành công vượt xa dự kiến: Thu hút sự tham gia của 475 đơn vị với trên 2.200 công nghệ, thiết bị, dịch vụ đã được giới thiệu và chào bán; đã có 159 hợp đồng chính thức được ký kết với tổng trị giá lên đến 1.600 tỷ đồng, trong đó 50% là hợp đồng kinh tế với tổng giá trị trên 700 tỷ đồng. Thành công của Chợ công nghệ và thiết bị quy mô quốc gia lần thứ hai đã tiếp tục khẳng định đây là một hình thức năng động, sáng tạo, góp phần hình thành và phát triển thị trường công nghệ, thúc đẩy mối liên kết chặt chẽ giữa lực lượng KH&CN trong nước với khối doanh nghiệp, nhằm nâng cao tiềm lực công nghệ và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế đất nước trước những thách thức của cạnh tranh toàn cầu và hội nhập.

6. Đề án Phát triển thị trường công nghệ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt

Ngày 30.8.2005, Đề án Phát triển thị trường công nghệ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 214/2005/QĐ-TTg. Đề án này sẽ tác động mạnh mẽ đến 4 yếu tố cấu thành của thị trường công nghệ: Thúc đẩy bên cung (khu vực nghiên cứu - triển khai), khuyến khích bên cầu (khu vực doanh nghiệp), phát triển bên trung gian (môi giới, tư vấn, đánh giá công nghệ), hoàn thiện môi trường pháp lý để thị trường này vận hành có hiệu quả. Việc thực hiện thành công Đề án sẽ góp phần tăng nhanh số lượng và chất lượng các giao dịch mua bán công nghệ, giúp đạt mức tăng trưởng giá trị giao dịch công nghệ bình quân 10% mỗi năm trong giai đoạn 2006-2010.

7. Hoàn thành và trình Chính phủ Đề án về Phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KH&CN giai đoạn 2006-2010 với nhiều chủ trương, cơ chế đổi mới

Tư duy đổi mới đã được thể hiện cụ thể trong Đề án, như: Các nhiệm vụ KH&CN phải xuất phát từ thực tiễn nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; sản phẩm KH&CN phải được thương mại hóa và bảo đảm hiệu quả kinh tế - xã hội; khuyến khích và ưu tiên các nhiệm vụ KH&CN có định hướng tìm kiếm bí quyết công nghệ và sớm chuyển giao cho khu vực sản xuất - kinh doanh, qua đó hình thành và phát triển mối liên kết giữa đào tạo - nghiên cứu - sản xuất. Đặc biệt, các mục tiêu, nhiệm vụ KH&CN giai đoạn tới phải phù hợp với mục tiêu và nhiệm vụ chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2006-2010 và phù hợp với mục tiêu đã đề ra trong Chiến lược phát triển KH&CN đến năm 2010.

8. Ứng dụng thành công kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp và thắng thầu quốc tế

Các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt (Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam) đã phát triển được kỹ thuật đánh dấu đồng vị phóng xạ theo dõi sự di chuyển của nước bơm ép phù hợp với điều kiện mỏ của Việt Nam. Kỹ thuật này đã được thực hiện ở mỏ Bạch Hổ, Rạng Đông và mới đây, vượt qua 5 nhà thầu quốc tế (của Anh, Mỹ, Na Uy), các nhà khoa học Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt đã được chọn để thực hiện kỹ thuật này tại mỏ Sư Tử Đen. Điều này không chỉ giúp cho ngành dầu khí có được công nghệ phù hợp với đặc thù vùng mỏ Việt Nam, thu được những lợi ích kinh tế mà quan trọng hơn, nó đã khẳng định một bước tiến của khoa học năng lượng nguyên tử nước ta. Theo tính toán của các nhà khoa học, việc ứng dụng kỹ thuật đánh dấu đồng vị phóng xạ mang lại khoản lợi ở mỗi giếng dầu từ 10 đến 15 triệu USD. Khoản lợi ấy còn lớn hơn khi chính các nhà khoa học Việt Nam thực hiện được kỹ thuật này. Điều đó thêm một lần khẳng định, với cách đi đúng hướng, những kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực ứng dụng hạt nhân sẽ được áp dụng có hiệu quả cao vào sản xuất và đời sống.

9. Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 4.3.2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Chương trình hành động này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 188/2005/QĐ-TTg ngày 22.7.2005, nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp; thể chế hóa các chủ trương trong Chỉ thị 50-CT/TW thành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, góp phần đưa nhanh Chỉ thị vào cuộc sống. Theo đó, đến năm 2010, Việt Nam cần tạo ra, tiếp nhận và làm chủ các CNSH chủ yếu; triển khai ứng dụng mạnh mẽ các công nghệ này vào các lĩnh vực nông nghiệp, thuỷ sản, y tế, công nghiệp chế biến, bảo vệ môi trường và an ninh quốc phòng; tạo ra các sản phẩm mới bằng CNSH như giống cây trồng, vật nuôi, chủng vi sinh vật, sản phẩm chế biến công nghiệp…; hình thành và phát triển các doanh nghiệp công nghiệp sinh học vừa và nhỏ. Mục tiêu đến năm 2020 là cung cấp đủ nguồn nhân lực KH&CN có trình độ cao, làm chủ được CNSH; xây dựng và phát triển công nghệ tiên tiến và hiện đại về CNSH đạt tiêu chuẩn quốc tế; hình thành và phát triển ngành công nghiệp sinh học có đủ năng lực sản xuất các sản phẩm chủ lực, thiết yếu của nền kinh tế quốc dân.

10. Tham gia chỉ đạo chống dịch cúm gia cầm có hiệu quả (kiểm tra, chỉ đạo các địa phương; chế tạo thành công máy trợ thở cho tuyến huyện)

Trong năm 2005, Bộ KH&CN đã cùng các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công nghiệp, Quốc phòng và Viện KH&CN Việt Nam tích cực triển khai các giải pháp công nghệ nhằm góp phần ngăn chặn dịch cúm gia cầm và bảo vệ sức khỏe cho người khi có đại dịch xảy ra. Đặc biệt, Bộ đã quyết định cho triển khai một số nhiệm vụ cấp bách, trong đó đã chế tạo thành công 6/10 máy trợ thở (để sơ cứu bệnh nhân bị cúm H5N1) cung cấp cho tuyến huyện với giá thành khoảng 7,5 triệu đồng/máy, rẻ hơn so với hàng nhập khẩu cùng loại từ 8 đến 10 lần.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ KH&CN và Lãnh đạo Bộ đã luân phiên dẫn đầu đoàn công tác xuống các địa phương trực tiếp chỉ đạo việc phòng chống dịch cúm gia cầm tại các tỉnh: Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Điện Biên.

Theo Tạp chí họat động khoa học
  • 172