10 kỳ quan kiến trúc 2006

  •  
  • 3.807

Lựa chọn của Business Week, các kiến trúc đa dạng về qui mô, tập trung vào khả năng ứng dụng công nghệ mang tính cách mạng, hướng đến sự bền vững và thân thiện với môi trường.

Tháp Hearst (Mỹ)

Tòa nhà 46 tầng này là trụ sở của Tập đoàn truyền thông Mỹ Hearst và là tòa kiến trúc “xanh” (thân thiện với môi trường) đầu tiên tại thành phố New York. Tận dụng ánh sáng nhân tạo và khí tự nhiên, tòa nhà giảm tới 22% lượng điện sử dụng cũng như lượng khí CO2 thải ra môi trường.

Tháp Hearst
(Ảnh: a-architect)

Tòa nhà Davis Alpine House (Anh)

Nằm trong lòng khu phức hợp Kew Gardens, trung tâm nghiên cứu thực vật hàng đầu tại Anh, tòa nhà Davis Alpine House là dạng kiến trúc cực kỳ hiện đại nhờ sử dụng công nghệ “thông minh”: hệ thống thông khí tự động đóng khi trời mưa, đường dẫn ngầm hạ nhiệt không khí thải ra ngoài trời...

Davis Alpine House

Phòng trưng bày Apple tại New York (Mỹ)

Phòng trưng bày sản phẩm của Hãng Apple tại đại lộ số 5, thành phố New York là một thiết kế vô cùng độc đáo: một hình khối bằng kính cao 10m, với một cầu thang hình trụ cũng bằng kính đưa khách hàng xuống tầng bán hàng phía dưới.

Biệt thự Glenn (Mỹ)

Tòa biệt thự rộng 230m2 của người sáng lập Tập đoàn phần mềm PeopleLink Steven Glenn có thể tự cấp nước và điện. Được mệnh danh là “căn nhà xanh nhất thế giới”, biệt thự Glenn là căn hộ đầu tiên tại Mỹ được chứng nhận “bạch kim” theo hệ thống xếp hạng LEED (lãnh đạo trong thiết kế môi trường và năng lượng) của Hội đồng Xây dựng xanh Mỹ.

Cầu Đông Hải (Trung Quốc)

Trải dài hơn 32km, cầu treo Đông Hải với sáu làn xe, nối liền Thượng Hải với đảo Dương Sơn (sẽ trở thành cảng container lớn nhất thế giới), hiện đang giữ kỷ lục là cây cầu vượt biển dài nhất thế giới. Chi phí cho chiếc cầu này cũng đạt mức kỷ lục: 1,2 tỉ USD.

Cầu Đông Hải
Cầu Đông Hải (Ảnh: Business Week, TTO)

Tòa nhà Senedd (Xứ Wales)

Tòa nhà Senedd, nhà quốc hội mới của Xứ Wales, có rất nhiều điểm đặc biệt: được xây từ nguyên liệu tái chế và sử dụng hệ thống thông gió tự nhiên, do đó có độ bền rất cao. Nằm bên bờ vịnh Cardiff, hệ thống tường bằng kính biểu hiện sự minh bạch của hệ thống lập pháp.

Tòa nhà liên bang San Francisco (Mỹ)

Là tòa nhà văn phòng đầu tiên tại khu vực bờ tây nước Mỹ không sử dụng máy điều hòa nhiệt độ. Hệ thống vườn trần, cầu thang mở được thiết kế với mục đích thúc đẩy tương tác giữa các nhân viên, tạo môi trường văn phòng lành mạnh.

Biệt thự Big Dig House (Mỹ)

Mới nhìn thoáng qua, Big Dig House không khác gì các biệt thự hào nhoáng theo chủ nghĩa tân thời. Tuy nhiên, điểm đặc biệt là căn nhà được xây dựng từ phế liệu của các dự án hạ tầng tại thành phố Boston, bang Massachusetts.

Biệt thự Big Dig House
(Ảnh: Singlespeeddesign)

Sân vận động Wembley (Anh)

Với 90.000 chỗ ngồi, sân vận động Wembley mới, thay thế sân cũ xây từ năm 1924, là một trong những “nhà hát bóng đá” lớn nhất trên thế giới. Khung vòm sân vận động cao tới gần 133m và có khẩu độ tới 315m, là hệ thống mái khung vòm dài nhất thế giới, và cho phép những người mê kiến trúc quan sát từ mọi hướng tại London, thủ đô nước Anh.

Sân vận động Wembley
(Ảnh: Business Week)

Trung tâm nghiên cứu Janelia Farm (Mỹ)

Khu phức hợp Janelia Farm tại Ashburn, bang Virginia là trung tâm nghiên cứu khoa học rộng tới 70.600m2, được xem là “thiên đường” của các nhà nghiên cứu. Janelia Farm có phòng thí nghiệm chiều ngang dài tới 300m, nếu đặt thẳng tương đương với một tòa tháp 85 tầng.  

HIẾU TRUNG

Theo Tuổi trẻ
  • 3.807