30 giống lan mới phát hiện ở Papua New Guinée

  •  
  • 534

Sau hơn 8 năm thám hiểm đảo quốc Papua New Guinée (PNG) gần Indonesia, các nhà khoa học thuộc Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên hoang dã thế giới (WWF) đã khám phá 30 giống lan mới chưa từng được khoa học biết đến, với nhiều hình thù lạ mắt và rực rỡ.

Phát hiện này một lần nữa minh chứng cho tính đa dạng thực vật trên đảo PNG vốn được xem là “mỏ lan” của thế giới. Trong số khoảng 25.000 giống lan hiện nay trên toàn cầu, hơn 3.000 giống có nguồn gốc từ PNG và chưa có quốc gia nào trên thế giới giàu giống lan rừng như PNG.

Hồ Kutubu ở vùng Kikori - nơi WWF phát hiện các giống lan mới - đã được giới khoa học quốc tế công nhận có tầm quan trọng về tính đa dạng sinh học. Ngoài lan và những loài thực vật khác, các khu rừng ở PNG còn là mái nhà chung của nhiều loài động vật quí hiếm như chuột túi cây, chim thiên đường, đà điểu đầu mèo.

Hai trong số 30 giống lan mới phát hiện (từ trái qua): lan trắng hình ngôi sao 6 cánh; lan hình chim công với nhiều sắc màu: đỏ, vàng, trắng và tím sen.

Hai trong số 30 giống lan mới phát hiện (từ trái qua): lan trắng hình ngôi sao 6 cánh; lan hình chim công với nhiều sắc màu: đỏ, vàng, trắng và tím sen. Một góc Hồ Kutubu.

Khoảng 70 giống lan rừng ở nước láng giềng Indonesia đã bị tuyệt chủng do nạn khai thác gỗ trái phép nên việc khám phá cùng lúc thêm nhiều giống lan mới có ý nghĩa đặc biệt quan trọng”, nhà sinh thái rừng của WWF Olo Gebia nhận xét. Ông cho rằng có một thực tế đáng buồn là nhiều loài thực vật - bao gồm cả những loài có thể chứa dược chất có ích cho y học - có thể đã bị tuyệt giống trước khi chúng được con người phát hiện. WWF kêu gọi nên có một chiến lược bảo tồn khẩn cấp và lâu dài đối với vùng Kikori của PNG. Bởi nơi đây cùng với tỉnh Papua và đảo Borneo của Indonesia từ lâu được coi là mảnh đất màu mỡ khai sinh ra nhiều loại động thực vật mới cho nhân loại.

V.Q

Theo Chinaview, BBC, Báo Cần Thơ
  • 534