40-90% động vật ăn cỏ nhiễm sán lá gan

  •  
  • 4.173

40-90% động vật ăn cỏ sống ở vùng cao đều bị nhiễm sán lá gan lớn... Thạc sĩ Nguyễn Thị Giang Thanh, Phòng Ký sinh trùng - Viện Thú y Quốc gia cho biết.

Sán lá gan là ký sinh trùng sống ký sinh ở các động vật ăn cỏ như trâu, bò, cừu, dê... Có hai loại sán lá gan: Sán lá gan lớn và sán lá gan nhỏ.  

Sán lá gan lớn ở VN do ấu trùng Fasciola gigantica phát triển thành. Những con sán lá gan này thường ký sinh ở gan và đường mật của những động vật ăn cỏ.

Bất cứ một loại ký sinh trùng nào đều trải qua một vòng đời, vòng đời của sán lá gan khá phức tạp. Sán lá gan phải qua vật chủ trung gian là ốc, do trứng sán được thải qua phân trâu bò, khi gặp môi trường nước nó nở ra ấu trùng, ấu trùng sẽ xâm nhập vào vật chủ trung gian là ốc ở vùng nước ngọt, ở trong ốc ấu trùng tiếp tục phát triển thành một trạng thái nữa.

Ấu trùng Fasciola gigantica

Ấu trùng Fasciola gigantica (Ảnh: med.cmu.ac.th)

Sau đó ấu trùng này thoát ra ngoài phát triển thành trạng thái ấu trùng thứ hai có tên Fasciola gigantica, chúng sẽ bám vào các cây rau thủy sinh sống ở dưới nước như rau ngổ, rau cải xoong, rau muống và rau cần... Những loại rau này, nếu  rửa không sạch thì người ăn phải sẽ bị nhiễm ấu trùng sán lá gan lớn.

Cần chú ý rằng, loại ốc trung gian nói ở đây là  là loại ốc nhỏ có tên khoa học Lymnae nhỏ xíu trên đồng ruộng, chứ không phải là những loại ốc chúng ta thường ăn. Hơn nữa, loài ốc này chỉ là vật chủ trung gian để sán lá gan hoàn thiện vòng đời của nó. Nếu chúng ta ăn phải ốc này cũng không hề bị nhiễm.

Khi những con ấu trùng này hoàn thiện trong con ốc xong, nó sẽ tự giải thoát ra khỏi con ốc và bám vào cây thủy sinh vật chủ cuối cùng của sán lá gan lớn là trâu, bò, dê và người. Sau đó, trâu, bò, dê và người ăn phải rau, cỏ nhiễm ấu trùng sán lá gan lớn này vào cơ thể, ấu trùng sẽ hoàn thiện nốt vòng đời và phát triển thành con sán trưởng thành.

Ấu trùng sán lá gan lớn chết ở nhiệt độ 60-700C nhưng nếu chúng ta ăn rau sống, hoặc ăn lẩu tái, trần tái chưa đủ nhiệt độ 40-500C thì ấu trùng sán lá gan vẫn sống được.

Sơ đồ chu kỳ phát triển và vòng đời của sán lá gan lớn

Sơ đồ chu kỳ phát triển và vòng đời của sán lá gan lớn

1. Trứng từ đường mật được đào thải ra ngoài theo phân 2. Trứng rơi xuống môi trường nước 3. Ấu trùng nở ra từ trứng 4. Ốc trung gian truyền bệnh và ấu trùng sán phát triển trong ốc 5. Ấu trùng rời khỏi ốc bơi trong nước 6. Ấu trùng trong thực vật thuỷ sinh 7,8. Động vật ăn cỏ hoặc người ăn ấu trùng sán từ thực vật thuỷ sinh hoặc nước lã, ấu trùng vào dạ dày, xuyên qua thành ống tiêu hoá và ổ bụng rồi xuyên lên gan ký sinh trong đường mật.

Sán lá gan lớn hấp thu chất dinh dưỡng của người qua máu. Đối với người, việc chẩn đoán bệnh sán lá gan lớn bằng phương pháp tìm trứng trong phân là khó vì chúng thường cư trú ở các thùy gan. Tuy nhiên, 2-10% bệnh nhân có thể tìm thấy dấu vết sán lá gan qua phân.

Còn đối với trâu bò sán lá gan cư trú trong ống mật. Do vậy, phương pháp tìm trứng trong phân rất dễ dàng.

Nghiên cứu quá trình phát triển sán lá gan trong phòng thí nghiệm
Nghiên cứu quá trình phát triển sán lá gan trong phòng thí nghiệm (Ảnh: TTO)
Động vật nhai lại (trâu, bò, cừu...) bị nhiễm sán lá gan là mãn tính. Khi bị nhiễm, chúng ít khi có triệu chứng sốt mà biểu hiện chủ yếu là sút cân, gầy yếu. Thông thường, động vật mắc bệnh này ở giai đoạn di hành của ấu trùng sán lá gan lớn thường kéo theo các vi khuẩn hiếm khí dẫn đến nguy cơ tử vong cao.

Do các loài động vật trên thường ăn cỏ ngoài đồng, uống nước ao hồ nên tỷ lệ mắc sán lá gan rất cao. Theo con số điều tra của Viện Thú y Quốc gia qua nhiều năm bằng phương pháp tìm trứng trong phân, trên các vùng núi cao, tỷ lệ động vật ăn cỏ bị nhiễm sán lá gan chiếm từ 40-90%. Số liệu này cho thấy tỷ lệ nhiễm bệnh sán lá gan lớn ở động vật ăn cỏ rất cao.

Đối với người, để phòng tránh bệnh sán lá gan lớn, cần rửa sạch các loại rau thủy sinh (rau trồng trong nước), ăn chín, uống sôi.

Đối với trâu, bò, dê... hàng năm cần phải cho tẩy giun sán. Cần xử lý phân của của những loài động vật này trước khi sử dụng làm phân bón lót bằng cách mang ủ trước khi bón trực tiếp cho đồng ruộng và rau màu nhằm hạn chế ấu trùng Fasciola gigantica phát triển và bám vào rau màu.

NGỌC HUYỀN

Theo VietNamNet, Tuổi trẻ
  • 4.173