6 trận chiến đặc biệt nhất thời Tam Quốc, gần 2000 năm còn lưu danh sử sách (Phần 1)

  •   2,89
  • 14.277

Từ những trận trước khi cục diện Tam Quốc hình thành như Đồng Quan, Hổ Lao Quan cho đến những trận phân định thiên hạ như Quan Độ, Xích Bích, Di Lăng đi vào sử sách, cả về quy mô, mưu trí cũng như sự dũng cảm phi thường của các dũng tướng huyền thoại một thời. Tất cả đã tạo nên một thời đại anh hùng, huy hoàng hiếm có.

1. Trận Hổ Lao Quan – Tam anh chiến Lã Bố

Trận Hổ Lao Quan là cuộc chiến giữa Đổng Trác – Lã Bố và liên minh 18 lộ chư hầu Quan Đông do Viên Thiệu làm minh chủ vào năm 190. Đó là trận chiến đã khắc họa hình ảnh hào hùng của các vị tướng. Đặc biệt là trận đọ sức trực tiếp nổi tiếng giữa Lã Bố chống lại ba anh em Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi, còn gọi là Tam anh chiến Lã Bố đã đi vào lịch sử, văn hóa Trung Quốc.

Sau khi Quan Vũ chém Hoa Hùng, quân Đổng Trác thua chạy dài. Đổng Trác đích thân dẫn 15 vạn quân tiến ra giữ Hổ Lao quan. Riêng Lã Bố lĩnh 3 vạn quân ra trước quan ải, đóng một trại lớn làm tiền quân còn Đổng Trác thì đóng đồn trên cửa quan.

Đổng Trác và con rể Lý Nho trên thành nhìn xuống trận chiến chuẩn bị xảy ra.
Đổng Trác và con rể Lý Nho trên thành nhìn xuống trận chiến chuẩn bị xảy ra.

Bên kia, Viên Thiệu họp các tướng lại bàn, cử binh tiến sát cửa Hổ Lao vây đánh. Tào Tháo cũng dẫn quân tiếp ứng. Các chư hầu đều có mặt. Lã Bố đem 5000 quân thiết kỵ lại khiêu chiến, đánh tan quân tiền bộ của Vương Khuông, liên tiếp đánh bại các danh tướng của quân liên minh như Phương Duyệt, Mục Thuận, Vũ An Quốc...

Lã Bố, được mệnh danh là "chiến thần", kiêu dũng khác thường.
Lã Bố, được mệnh danh là "chiến thần", kiêu dũng khác thường.

Lã Bố lại kéo quân đến thách đánh. Các tướng chư hầu ai nấy đều khiếp sợ trước sự kiêu dũng của Lã Bố. Công Tôn Toản vác ngọn giáo nhảy ra đánh Lã Bố, mới được vài hiệp thì thua chạy. Lã Bố thúc ngựa xích thố sấn lại đuổi, ngựa này chạy nhanh như bay. Lã Bố gần đuổi kịp Toản thì ở bên rìa đường, Trương Phi quát lớn: "Thằng đầy tớ ba họ kia đừng chạy nữa! Có Trương Phi người đất Yên đây!" Lã Bố thấy thế bỏ Công Tôn Toản, đánh nhau với Trương Phi.

Trương Phi xuất chiến đánh Lã Bố.
Trương Phi xuất chiến đánh Lã Bố.

Trương Phi hăng hái cố đánh Lã Bố. Hai người đánh nhau được hơn 50 hiệp chưa rõ bên nào thua bên nào được. Quan Vũ đứng ngoài thấy thế cầm thanh long yển nguyệt đao phi ngựa đến cùng đánh. 3 con ngựa đứng dàn kiểu chữ đinh, đánh nhau được 30 hiệp nữa hai người cũng vẫn không hạ được Lã Bố. Lưu Bị bấy giờ cũng cầm song kiếm thúc ngựa chạy vào đánh giúp hai người em của mình. Ba người vây tròn lấy Lã Bố đánh chẳng khác gì quân đèn cù.

Lã Bố cố sức chống đỡ không nổi, bèn nhắm giữa mặt Lưu Bị phóng vờ một ngọn kích, Bị tránh được, Bố mở góc của trận, cắp đao ngược kích, phi ngựa chạy về. Ba người thúc ngựa sấn vào, quân mã 8 xứ đều reo ầm lên, xô cả ra đánh. Quân Lã Bố chạy về trên cửa Hổ Lao, ba người theo sau đuổi mãi.

3 anh em Lưu – Quan – Trương và Lã Bố trọng trận Hổ Lao Quan.
3 anh em Lưu – Quan – Trương và Lã Bố trọng trận Hổ Lao Quan. (Ảnh: Internet).

Điển cố "Tam anh chiến Lã Bố" trong tiểu thuyết Tam Quốc diễn nghĩa được đánh giá là một trong những câu chuyện truyền kỳ, khiến cho "chiến thần" Lã Bố vang danh thiên hạ.

Thế nhưng không mấy người biết rằng, trong trận chiến Hổ Lao Quan, Lã Bố đã nói: "Đánh nhau kịch liệt không phân thắng bại, trước trận chỉ sầu não trước Quan Vân Trường. Thanh Long Bảo Đao rực rỡ trong sương tuyết, Chiến bào Anh Vũ bay như cánh bướm". Quan Vân Trường được miêu tả có khuôn mặt đỏ như gấc, mắt phượng mày tằm, râu dài hai thước, tay cầm Thanh Long Yển Nguyệt Đao cưỡi trên ngựa Xích Thố, dáng vẻ oai phong lẫm liệt đó đã đi sâu vào trái tim của biết bao người.

Quan Vũ được mệnh danh là "võ thánh" trong lịch sử Trung Hoa.
Quan Vũ được mệnh danh là "võ thánh" trong lịch sử Trung Hoa. (Ảnh: Internet).

Sau trận chiến này, chư hầu 8 xứ cùng mời 3 anh em Lưu – Quan – Trương đến mừng công rồi sai người về trại Viên Thiệu báo tin mừng.

2. Trận Quan Độ – Tào Tháo đại phá Viên Thiệu

Trận Quan Độ là trận đánh diễn ra trong lịch sử Trung Quốc vào năm 200 tại Quan Độ thuộc bờ nam Hoàng Hà giữa Tào Tháo và Viên Thiệu là 2 thế lực quân sự mạnh nhất trong thời kì tiền Tam Quốc. Tào Tháo mượn danh thiên tử để chuyên quyền và đã chiếm lĩnh toàn bộ khu vực Trung Nguyên. Các lực lượng đối lập đều bị đè bẹp, chỉ duy Viên Thiệu là kẻ địch lớn nhất và đáng gờm nhất của Tào Tháo. Viên Thiệu chẳng những đất rộng binh cường mà danh vọng trong xã hội lại rất cao với cái danh "ba đời làm Tam Công".

Tào Tháo và Viên Thiệu, 2 lực lượng mạnh nhất thời bấy giờ.
Tào Tháo và Viên Thiệu, 2 lực lượng mạnh nhất thời bấy giờ.

Trận Quan Độ năm 220, là trận quyết định vận mệnh của Tào Tháo và Viên Thiệu, cũng mở ra một thời kỳ mới. Vào thế bất đắc dĩ, Tào Tháo đành phải dùng kế "lấy ít địch nhiều", dùng 7 vạn quân tinh nhuệ để có thể chống cự với 70 vạn đại quân của Viên Thiệu.

Ban đầu, với quân đội đông đảo, Viên Thiệu đã ra tay đánh phủ đầu trước. Tháng Hai năm Kiến An thứ năm đời Hán Hiến đế (200 sau Công nguyên), Thiệu đưa quân tới Lê Dương, sai đại tướng Nhan Lương đem quân đánh thành Bạch Mã, tiếp đó, sai tướng Văn Xú tiến đánh Diên Tân, nhưng quyết chiến điểm vẫn là tại Bạch Mã. Tháng Ba, Lưu Diên quân ít không chống cự nổi, đưa thư cấp cứu Tào Tháo. Tháo lập tức tiếp viện cho Bạch Mã, nhưng Tuân Du khuyên Tháo nên tiếp viện cho Diên Tân. Tháo lập tức hiểu ý Tuân Du, thi hành chiến thuật "giương đông kích tây", làm ra vẻ chuẩn bị vượt Hoàng Hà đánh vào hậu phương Viên Thiệu.

Quan Vũ ra trận 1 đao chém chết Nhan Lương giữa chốn đông người.
Quan Vũ ra trận 1 đao chém chết Nhan Lương giữa chốn đông người.

Tháng 4 năm 200, Tào Tháo dẫn 2 tướng Trương Liêu và Quan Vũ đi cứu Bạch Mã và cũng chia quân ra Diên Tân để phân tán sự chú ý của Thiệu. Quả nhiên Thiệu trúng kế, tăng cường thêm quân cho Diên Tân mà không chú ý Bạch Mã. Tào Tháo nhân đó đột ngột thúc quân đánh mạnh ở Bạch Mã, sai Quan Vũ ra trận giết chết mãnh tướng của Thiệu là Nhan Lương, giải vây thành Bạch Mã.

Sau khi giải phóng Bạch Mã, Tào Tháo sợ Viên Thiệu trút giận lên đầu dân chúng, nên dẫn họ men theo sông Hoàng Hà đi về phía tây lánh nạn. Xưa nay ta chỉ biết chuyện Lưu Bị khi rút lui đem theo 10 vạn dân Kinh – Tương bỏ đi, mà không biết rằng Tào Tháo cũng từng là một người như thế.

Tháng 5 năm 200, Tào Tháo cùng Quan Vũ và Trương Liêu đi men theo Hoàng Hà về phía tây đến cứu Diên Tân. Hành quân đến nam Diên Tân thì chạm trán với quân Thiệu vừa sang sông, Viên Thiệu cùng Lưu Bị và Văn Xú mang quân tới, một cuộc huyết chiến là không thể tránh khỏi. Khi đó quân Tào ở trên gò cao, quân Thiệu đánh tới. Tiêu binh báo cáo: "Khoảng năm trăm kỵ binh của Thiệu đã tới". Lát sau lại báo: "Kỵ binh đã nhiều lên, bộ binh thì đếm không xuể". Tào Tháo bảo: "Không cần báo cáo nữa". Liền lệnh cho quân sĩ tháo yên ngựa, nghỉ ngơi tại chỗ. Các tướng ngớ ra, nói quân địch đông quá, xin cho vận chuyển đồ quân trang quân dụng về doanh trại trước rồi hãy đánh.

Tháng 5 năm 200, Tào Tháo cùng Quan Vũ và Trương Liêu đi men theo Hoàng Hà về phía tây đến cứu Diên Tân.

Chỉ Tuân Du là hiểu ý Tào Tháo, vừa cười vừa bảo: "Đó là mồi dử, chuyển đi làm gì?" Tháo cũng cười, rất là tự tin. Lát sau, Văn Xú cùng Lưu Bị (khi đó đang theo Viên Thiệu) dẫn năm nghìn quân ào tới. Các tướng hỏi: "Bây giờ lên ngựa được chưa?" – Tào Tháo bảo không vội. Quả nhiên, kỵ binh Văn Xú và Lưu Bị thấy đồ quân dụng ngổn ngang, liền xuống ngựa tranh nhau cướp. Lúc này Tháo mới lệnh cho đốt pháo hiệu, chiêng trống rầm trời, 600 thiết kỵ của Tháo từ trên gò cao đánh xuống, quân Thiệu tan vỡ.

Sau vài tháng ngưng nghỉ điều quân, hai bên tái chiến trong trận thư hùng ở Quan Độ ngay từ tháng 8 năm đó, kéo dài hơn 100 ngày. Bị thua và mất hai tướng, Viên Thiệu điều đại quân đến Dương Vũ, phía tây bắc Trung Mâu, men theo đồi cát dọc bờ sông, dựng vài chục doanh trại kéo dài từ đông qua tây, định triển khai hai cánh bao vây quân Tào rồi tiêu diệt.

Tào Tháo không lui binh, cũng chia quân làm nhiều nhóm chống cự, nhưng vì ít quân hơn nhiều nên không đủ phân ra các vị trí có địch. Viên Thiệu mang quân ra khỏi luỹ, giao chiến với quân Tào. Quân Tào thua trận phải lùi lại mấy lần. Tào Tháo ra lệnh tướng sĩ cố giữ vững trận địa, quân địch khiêu chiến nhiều lần nhưng không ra đánh.

Viên Thiệu với lực lượng áp đảo, ngày đêm khiêu chiến Tào Tháo.
Viên Thiệu với lực lượng áp đảo, ngày đêm khiêu chiến Tào Tháo.

Viên Thiệu bèn bày trận trên dãy núi đất, dựng nhiều chòi gỗ, đứng trên đó bắn xuống doanh trại quân Tào. Quân Tào mỗi người phải dùng thuẫn gỗ che đỡ tên bắn. Sau đó Tào Tháo dùng xe bắn đá, có sức mạnh bắn những viên đá mười mấy cân bay ra xa ngoài ba trăm mét, phá nát các chòi gỗ của địch.

Viên Thiệu lại cho quân đào nhiều địa đạo vào doanh trại quân Tào. Ông phát hiện bèn sai quân đào đường hầm theo chiều ngang nằm phục sẵn, hễ quân Viên đến thì bắn chết. Hai bên giữ nhau lâu ngày, Tào Tháo sắp hết lương, muốn rút lui, bèn hỏi ý kiến Tuân Úc đang trấn thủ Hứa Xương. Tuân Úc viết thư trả lời, khuyên Tào Tháo kiên trì giữ, nhất định không được rút lui, nếu không hậu quả sẽ rất xấu.

Ông viết: "Tuy nay lương thực trong quân đội khiếm khuyết, nhưng chưa bằng tình hình khiếm khuyết lương thực hai quân Sở và Hán đánh nhau tại Huỳnh Dương và Thành Cao. Lúc bấy giờ Lưu Bang và Hạng Võ không ai chịu rút lui cả. Vì kẻ nào rút lui trước thì kẻ đó sẽ bị thiệt hại to. Nay ngài với một binh lực yếu kém hơn, mà đã chia ranh giữ đất, nắm lấy yết hầu của đối phương để chúng không thể tiến lên được. Tình hình đó đã kéo dài nửa năm rồi, vậy một khi tình hình diễn biến đến mức cùng cực, thì tất nhiên sẽ có biến động. Đến chừng đó, chúng ta sẽ dùng kỵ binh tập kích, chắc chắn sẽ giành được thắng lợi thôi". Tào Tháo nghe theo, lệnh cho các tướng sĩ cố sức giữ thế trận.

Đánh lâu ngày không hạ được, Viên Thiệu chưa nghĩ ra kế nào khác.

Đánh lâu ngày không hạ được, Viên Thiệu chưa nghĩ ra kế nào khác. Nội bộ của Viên Thiệu lại bộc lộ sự mâu thuẫn. Thiệu sai Thuần Vu Quỳnh mang 1 vạn quân đi về nhận lương để chở ra mặt trận. Mưu sĩ Hứa Du hiến kế cho Viên Thiệu để cho ông ta nhân lúc Hứa Đô phòng thủ lỏng lẻo, phái một cánh binh đi vòng qua Quan Độ tập kích Hứa Đô. Viên Thiệu không nghe. Đúng lúc đó Hứa Du có người nhà bị tội vào ngục, xin Viên Thiệu tha không được nên bất mãn, bỏ sang hàng Tào Tháo. Hứa Du bất mãn cũng có phần do là do nhắc nhở Viên Thiệu không nên sử dụng Thuần Vu Quỳnh là người nóng tính, nghiện rượu. Viên Thiệu đa nghi, không tin Hứa Du.

Được tin báo của Hứa Du về việc Thuần Vu Quỳnh, Tào Tháo đích thân mang 5.000 quân mã đuổi đến kho lương của Viên Thiệu ở Ô Sào. Đang đêm, quân Tào bất ngờ tập kích, Nhạc Tiến chém chết Quỳnh. Tào Tháo đốt sạch kho lương của Viên Thiệu. Trong hơn 1 vạn quân của Quỳnh thì hơn 1.000 bị giết, số còn lại đầu hàng. Tào Tháo sai cắt hết mũi xác chết, lưỡi của bò ngựa giao cho quân đầu hàng mang về doanh trại Viên Thiệu để uy hiếp tinh thần, làm nhụt ý chí quân địch.

Tào Tháo đốt cháy kho lương lớn nhất của Viên Thiệu tại Ô Sào, chính thức xoay chuyển 180 độ cục diện trận chiến.
Tào Tháo đốt cháy kho lương lớn nhất của Viên Thiệu tại Ô Sào, chính thức xoay chuyển 180 độ cục diện trận chiến.

Viên Thiệu thấy lửa cháy từ xa, biết tin Ô Sào bị đánh, một mặt điều quân cứu Quỳnh, mặt khác sai Trương Cáp, Cao Lãm đi cướp doanh trại Tào. Nhưng Tào Tháo đã bố trí quân phòng bị trước, đúng như dự liệu của Cáp và Lãm. Cáp và Lãm không hạ được trại Tào, lại nghe tin Tào Tháo phá tan Ô Sào trở về, bèn quyết định đầu hàng Tào.

Viên Thiệu liên tiếp nghe tin thua trận, kho lương bị mất, tướng sĩ náo loạn, kéo nhau bỏ chạy. Tào Tháo thừa cơ dẫn quân tập kích khiến quân Thiệu đại bại tan nát. Thiệu hốt hoảng, cùng con là Viên Đàm dẫn 800 quân kỵ chạy một mạch, qua sông Hoàng Hà mới dám dừng lại nghỉ.

Tào Tháo đứng trước mộ của Viên Thiệu kể lại cuộc chiến giữa đôi bên, không ngừng ca ngợi Thiệu.
Tào Tháo đứng trước mộ của Viên Thiệu kể lại cuộc chiến giữa đôi bên, không ngừng ca ngợi Thiệu.

Trận Quan Độ đánh dấu sự suy yếu và từ đó đi tới chấm dứt hoàn toàn quyền lực của tập đoàn Viên Thiệu, mở đường cho Tào Tháo làm chủ cả miền Bắc Trung Quốc, chiếm thế thượng phong trong cục diện "quần hùng tranh thực" khi đó.

Viên Thiệu sau tiếp tục thất bại ở Thương Đình, 2 năm sau thì mất. 3 người con của Viên Thiệu là Viên Thượng, Viên Hy, Viên Đàm tranh giành quyền lực đánh nhau, lần lượt bị Tào Tháo tiêu diệt. Trận Quan Độ còn cho thấy tài năng quân sự tuyệt vời của Tào Tháo và sự yếu kém về khả năng lãnh đạo và quân sự của Viên Thiệu. Đồng thời, nó để lại bài học lớn về lấy ít chống đông, lấy yếu thắng mạnh.

Sách Tam Quốc Chí, Ngụy Vũ Đế bản kỷ chép:

"Đời vua Hoàn Đế, sao Hoàng tinh mọc sáng giữa ranh giới hai nước Tống, Sở. Ân Quỳ, một nhà thiên văn ở đất Liêu Đông đoán rằng: năm mươi năm về sau tất sẽ có Chân Nhân khởi nghiệp tại vùng Lương Bái, sức mạnh như sấm sét. Quả nhiên đúng 50 năm, thì Tào phá Viên Thiệu, thế lớn chẳng ai bằng".

Các bô lão trong vùng nghe tiếng Tào Tháo đại phá Viên Thiệu, mang rượu lên đỉnh núi chúc mừng Tháo

Các bô lão trong vùng nghe tiếng Tào Tháo đại phá Viên Thiệu, mang rượu lên đỉnh núi chúc mừng Tháo và kể về lời tiên tri cách đây 50 năm về trước, giờ đã ứng nghiệm, Tháo hết sức vui.

Vậy là thuận theo sự diễn biến của bánh xe lịch sử, của thời thế, Tào Tháo sẽ trở thành một ngôi sao nổi lên giữa bầu trời đêm như một định mệnh đã được dự báo từ trước. Việc Viên Thiệu không lấy được thiên hạ mà lại là Tào Tháo âu cũng có lý do của nó!

Cập nhật: 09/04/2018 Theo daikynguyenvn
  • 2,89
  • 14.277