Ảnh vệ tinh phát hiện 1.000 điểm nguy hiểm trên tuyến quốc lộ miền Trung

  •  
  • 2.254

Thông qua 3 triệu ảnh vệ tinh độ phân giải cao dựng thành bản đồ 3D có thể phát hiện nguy cơ sạt lở, lũ lụt và dịch bệnh.

Khi thực hiện dự án nghiên cứu phòng chống thiên tai sạt lở đất dọc theo các tuyến giao thông chính ở khu vực miền núi Việt Nam các nhà khoa học đã sử dụng dữ liệu AW3D phát hiện hơn 1.000 điểm nguy có nguy cơ sạt lở đất trên các tuyến đường quốc lộ ở miền Trung, TS Ken Tsutsui, Tập đoàn NTT Data Corporation (Nhật Bản) cho biết ngày 5/10.

Dự án đã sử dụng công nghệ AW3D là bản đồ 3D toàn cầu với độ phân giải cao từ 0,5m đến 2m, được Tập đoàn NTT Data Corporation phối hợp cùng Trung tâm Công nghệ Viễn thám của Nhật Bản phát triển.

Thông qua dữ liệu AW3D được chụp ảnh trên không từ Tập đoàn toàn cầu về hình ảnh Trái đất (DigitalGlobe), nghiên cứu đã chỉ ra những điểm nguy hiểm và gửi cảnh báo đến các cơ quan chức năng.

Bản đồ Việt Nam qua ảnh vệ tinh.
Bản đồ Việt Nam qua ảnh vệ tinh. (Ảnh: ST).

Theo TS Ken Tsutsui, bản đồ 3D được xây dựng dựa trên xử lý cặp ảnh lập thể tạo từ hai hoặc ba hướng quan sát bằng cảm biến quang học có độ phân giải 2,5m được gắn trên vệ tinh ALOS. Đây là vệ tinh quan sát Trái Đất hoạt động liên tục trong 5 năm (từ tháng 2/2006 đến tháng 4/2011) để tích lũy hình ảnh của tất cả các nơi trên thế giới.

Vệ tinh thu thập kho dữ liệu khoảng 3 triệu hình ảnh có tầm nhìn rõ nét về mặt đất kết hợp với khoảng một triệu bộ ảnh tầm nhìn lập thể dạng cắt lớp là dữ liệu đầu vào. Dữ liệu này được phân tích và đối chiếu thực tế qua từng đơn vị vĩ độ/kinh độ và độ cao toàn cầu (khoảng 24.000 lát cắt). Một mô hình thuật toán được thiết kế sẽ phân tích và xử lý số liệu đầu vào cho kết quả đầu ra theo đặt hàng của người dùng.

Sản phẩm đầu ra có thể phân tích, dự báo lũ lụt và sạt lở đất, khảo sát tài nguyên khoáng sản và nguồn nước, phân tích dịch bệnh...

Công nghệ này từng được ứng dụng trong dự án của Tổ chức Y tế thế giới WHO và Cơ quan thám hiểm không gian Nhật Bản nhằm đối phó với việc nhiễm virus bại liệt ở Nigeria vào năm 2014. Để ước tính sự phát tán của virus bại liệt theo dòng nước rút, bản đồ 3D được sử dụng cho dữ liệu địa hình chi tiết, cho phép nắm bắt dòng chảy của sông và nước ngầm để ngăn chặn sự phát tán của virus bại liệt.

Hồi tháng 10/2014, công nghệ bản đồ này cũng được sử dụng cho vụ lở đất xảy ra trên quy mô lớn ở Sri Lanka bằng cách so sánh dữ liệu địa hình được chụp bởi máy bay trực thăng sau thiên tai để phân tích cơ chế xảy ra thiên tai và đưa ra phương án khôi phục.

TS Ken Tsutsui cho biết công nghệ AW3D sẽ được phát triển mỗi ngày và cải thiện độ chính xác hơn nữa.

"Trong tương lai gần, AW3D sẽ thêm độ chính xác cao và thêm các sản phẩm giá trị gia tăng mới giúp khai thác thông tin ngày càng nhiều từ ảnh vệ tinh", TS Ken Tsutsui nói.

Cập nhật: 06/10/2018 Theo VNE
  • 2.254