Ba nhà khoa học đoạt giải "Ông hoàng Mahidol"

  •  
  • 157

Thái Lan vừa công bố danh sách các nhà khoa học và chuyên gia được xét tặng giải thưởng Prince Mahidol Award (Giải thưởng Ông hoàng Mahidol) 2007. Đó là giáo sư y khoa người Đức Axel Ulrich, giáo sư Úc Basil Stuart Hetzel và tiến sĩ Sanduk Ruit - người Nepal.

Giải thưởng được hội đồng giám khảo bao gồm nhiều khoa học gia và chuyên gia y tế cộng đồng nổi tiếng trên thế giới xét chọn từ 69 ứng viên của 35 nước dự giải.

Được lập ra từ năm 1992 nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của thái thượng hoàng Thái Lan - tức ông hoàng Mahidol ở Songkla - giải Prince Mahidol Award do tổ chức Quĩ Ông hoàng Mahidol quản lý nhằm tôn vinh những cá nhân và tổ chức trên thế giới có những đóng góp đáng kể trong hai lĩnh vực y và y tế cộng đồng.   

Lễ trao giải cho năm 2007 sẽ được tổ chức tại hoàng cung Thái Lan vào ngày 30-1-2008 dưới sự chủ trì của công chúa Maha Chakri Sirindhorn và đích thân quốc vương và hoàng hậu Thái Lan sẽ là người trao giải cho các nhà khoa học. Mỗi phần thưởng gồm một huy chương, một giấy chứng nhận và 1,5 triệu bath (khoảng 48.000 USD).

Đi đầu trong cuộc nghiên cứu về cơ chế phân tử của ung thư, giáo sư Axel Ulrich đồng thời cũng là người tiên phong trong cách "trị liệu ung thư theo phương pháp chế ngự mục tiêu" mà thế giới đang ứng dụng.

Phương pháp trị liệu của ông tập trung tìm giết tế bào ung thư, ít làm hại đến những tế bào bình thường và giảm được tác dụng phụ của việc trị liệu ung thư. Trong quá trình nghiên cứu, giáo sư Ulrich cũng đã phát hiện một loại gen đột biến gây ung thư ở vú mang tên HER2/c-erbB2 và nhận thấy những bệnh nhân mang loại ung thư này thường phát bệnh nhanh hơn bình thường. 

Phòng thí nghiệm của ông đã bào chế được một số kháng thể đơn dòng chống lại HER2, một trong  những kháng thể đó sau này đã được phát triển thành loại dược phẩm Herceptin chữa ung thư vú di căn. Phương pháp của Axel Urich sau đó đã trở thành kiểu mẫu cho việc trị liệu những chứng bệnh ung thư khác trên thế giới. Hiện nay, ông là giám đốc bộ phận sinh vật học phân tử ở Viện Hóa sinh Max Planck tại Đức.

Trong khi đó, giáo sư Basil Stuart Hetzel được biết đến với công trình nghiên cứu các tác dụng phụ của việc thiếu hụt chất iode đối với sức khỏe con người, đặc biệt là sự phát triển của não. Từ năm 1976 - 1985, Hetzel và các cộng sự đã chứng minh sự thiếu hụt trầm trọng chất iode ở bà mẹ mang thai có thể

Giáo sư Basin Stuart Hetzel trên hình bìa một quyển sách của ông (Ảnh: TTO)

khiến đứa bé có tuyến giáp kém phát triển từ khi còn trong bụng mẹ hoặc vừa  ra đời, từ đó có thể dẫn tới chứng đần độn và chậm phát triển tâm thần. Chỉ số IQ của những trẻ này kém hơn trẻ không bị thiếu hụt iode khoảng 13,5 điểm. 

Hetzel là chủ tịch danh dự của Hội đồng quốc tế về kiểm soát các chứng rối loạn do thiếu hụt iode ở Úc. Tổ chức của ông đã vận động sử dụng muối iode ở 100 nước, trong đó có Thái Lan.

Tại Nepal, tiến sĩ Sanduk Ruit là giám đốc Trung tâm Mắt Tilganga ở Kathmandu. Chính ông là người giới thiệu và sau đó đẩy mạnh việc ứng dụng kỹ thuật mổ đường hầm không khâu (suture-less operation technique), cho phép mổ mắt cho nhiều bệnh nhân ở vùng sâu vùng xa hơn.

Ông còn trợ giúp xây dựng tại Nepal một  xí nghiệp sản xuất kiếng sát tròng chất lượng cao nhưng có giá thấp hơn tròng ngoại nhập đến 50 lần.

Không chỉ phục vụ tại Nepal, tiến sĩ Ruit còn đưa "dưỡng đường mắt lưu động" của ông đến nhiều nước nghèo khác để giúp phục hồi thị lực cho hàng triệu bệnh nhân đục thủy tinh thể bằng một phương pháp kinh tế, hiệu quả và an toàn.

Giáo sư Axel Ulrich

Tiến sĩ Sanduk Ruit

TH.TÙNG

The Nation, THX, TNA, Tuổi trẻ
  • 157