Bạc Liêu hủy gia cầm chưa tiêm phòng để ngăn dịch H5N1

  •  
  • 72

Bạc Liêu phát hiện thêm 4 ổ dịch H5N1 mới, tiêu hủy hơn 1.600 con vịt vào hôm qua, đưa tổng số xã, phường có gia cầm bị bệnh hàng loạt trên địa bàn lên con số 16. Tỉnh này vừa quyết định sẽ tiêu hủy hết gia cầm dưới 14 ngày tuổi, chưa được tiêm phòng để ngăn dịch lây lan.

Trong đó, xã Vĩnh Bình, huyện Hòa Bình tiêu hủy một đàn vịt 300 con; xã Long Thạnh, huyện Vĩnh Lợi: 750 con và hai xã thuộc huyện Giá Rai, gồm Phong Thạnh Đông: 450 con, Phong Tân: 136 con.

Theo Trưởng Cục thú y Bạc Liêu Lâm Trí Thông, số gia cầm bị bệnh trên đều thuộc loại tái đàn, mới tiêm phòng nhưng chưa đủ thời gian miễn dịch. Để có thể không chế dịch trong vòng 2 tuần nữa, đảm bảo cho người dân ăn Tết Nguyên đán an toàn, tỉnh quyết định tăng cường biện pháp mạnh để chống dịch. "Gà, vịt chưa tiêm phòng, đặc biệt là vịt tái đàn chưa đủ tuổi tiêm sẽ bị hủy ngay. Các đơn vị chức năng các xã, phường sẽ chủ động đến các hộ dân thống kê số lượng và hủy tại chỗ số gia cầm này", ông Thông cho biết thêm.

Hôm qua, Hậu Giang cũng phát hiện thêm 1 điểm có 22 con gà thả vườn chết nhưng chưa chắc chắn do H5N1, đã gửi mẫu đi xét nghiệm. Còn Cà Mau chưa phát sinh ổ dịch mới. Tỉnh Sóc Trăng cũng có một số huyện có vài gà, vịt chết. Nhưng theo ông Nguyễn Hữu Minh, Phó cục thú y Sóc Trăng, những gia cầm này không có biểu hiện nhiễm H5N1 thông thường.

Các tỉnh chưa có Theo Sở Y tế tỉnh Cà Mau, tỉnh này có 5 người dân ở vùng có gia cầm bị dịch và ăn gà chết, được đưa vào bệnh viện theo dõi, tuy nhiên, sau khi xét nghiệm, không ai có virus H5N1.

Ngày 2/1, Văn phòng Chính phủ đã ra thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm ở các tỉnh nam sông Hậu. Theo thông báo này, các ổ dịch ở Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang tuy được xử lý nhưng vẫn có nhiều nguy cơ lây lan ra các địa phương khác. Các địa phương phải kịp thời dập tắt, ngăn chặn không để dịch tiếp tục tái phát, lan rộng; đồng thời khẩn trương có các biện pháp phù hợp, đảm bảo nuôi vịt, gà bình thường nhưng không để xảy ra dịch.

Thủ tướng cũng chỉ đạo, các địa phương phải coi công tác phòng, chống dịch là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị. Vì dịch xảy ra không chỉ thiệt hại về chăn nuôi, kinh tế mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng người dân.

Thanh Lương

Theo Vnexpress
  • 72