Bãi đá khổng lồ hay khu vườn đồ chơi của Chúa?

  •  
  • 7.032

Ở vùng cận Kaspir của Kazakhstan, trên hoang mạc rộng lớn thuộc khu vực heo hút của tỉnh Turysh, người ta mới phát hiện hàng nghìn hòn đá tròn như những hòn bi khổng lồ nằm rải rác trên một diện tích khá lớn, có niên đại khoảng 8-9 triệu năm. Không ai biết vì sao chúng xuất hiện đó.

Sân chơi của người khổng lồ?

Nắng gió và chênh lệch nhiệt độ đã tạo vết nứt trên những "hòn bi" khổng lồ này

Bất cứ ai lần đầu tiên đặt chân đến bãi đá khổng lồ này đều có cảm giác như lạc vào một khung cảnh không có thực. Hàng nghìn hòn đá tròn như những hòn bi, lớn nhất có đường kính hơn 2m, nhỏ nhất cỡ viên đạn súng thần công, cứ như thể được bàn tay khổng lồ nào đó rải xuống khu vực rộng khoảng vài km2. Bãi đá lạ lùng được người dân địa phương biết đến từ ngàn đời nay, gọi đó là "mặt sân của những người khổng lồ" và coi đó là nơi linh thiêng nên chẳng ai dám đến canh tác hoặc sinh sống. Thời Xô Viết, Kazakhstan là vùng trọng tâm của phong trào hợp tác hóa nông nghiệp, nhưng vùng đất có bãi đá kỳ lạ do nằm ở nơi quá hẻo lánh nên đã không lọt vào diện tích quy hoạch, vì vậy, ngoài dân chúng sở tại, chẳng ai biết tới khu vực đặc biệt này. Mãi đến gần đây, nhờ một tờ báo địa phương gợi chuyện, thế giới bên ngoài mới biết đến "mặt sân của những người khổng lồ".

Không phải do con người chế tác

Trước hết cần nói rằng đá hình cầu là một hiện tượng hiếm, nhưng cũng có mặt ở một số nơi trên thế giới như Costa Rica, Mexico, Brazil và Rumani. Ai rải chúng xuống những nơi đó? Cho đến nay đã có rất nhiều giả thuyết về hiện tượng này, nhưng chưa có giả thuyết nào đủ sức thuyết phục. Thời Xô Viết, các nhà khoa học hàng huyện đã từng "trộ" dân chúng sở tại rằng xung quanh các hòn đá tròn nọ tồn tại một "trường dị thường", có thể làm sai lạc các loại máy móc và khiến cho cơ thể mọi sinh vật hoạt động không bình thường, vì thế người dân càng ít dám đến gần khu vực này. Còn ở thời điểm tiền Xô Viết và hậu Xô Viết thì đủ kiểu lý giải giật gân, đại loại những viên đá tròn chính là những con mắt vũ trụ, có chức năng xác định, thu phát sóng, gửi thông tin đến "đấng tối cao tối thượng"...

Dù lý giải thế nào đi nữa, người ta cũng chỉ biết chắc rằng: những viên bi khổng lồ này không thể là "tác phẩm của con người". Hàng triệu năm trước, khi số lượng người (hay người vượn) trên hành tinh còn quá ít ỏi và phương tiện lao động còn quá thô sơ, không ai có thể chế tác và vận chuyển một khối lượng đá khổng lồ như thế từ đâu đó đem đến đây để rải một cách hầu như không mục đích.

Những đứa con của núi lửa?

Những khối đá hình cầu chỉ có thể được hình thành từ nham thạch, tro núi lửa hoặc từ tầng cát bị đốt nóng chảy bởi phún thạch hay bị "nhão hóa" bởi một dung dịch hợp chất vô cơ nào đó. Thử hình dung, khi ta vo một vốc tuyết thành một nắm nhỏ cỡ quả bóng quần vợt rồi lăn nó trên mặt tuyết, nó sẽ hút vào mình những bông tuyết để dần dần hình thành một khối tuyết lớn có dạng hình cầu lớn bao nhiêu tùy ý. Cát "nhão" (do dung dịch có tính kết dính chứ không phải do nước) cũng có đặc tính này. Rất có thể những quả cầu cát, qua hàng triệu năm, dưới các tác động hóa lý và phóng xạ, đã biến thành những hòn đá tròn như ta thấy ngày nay.

Giả thuyết về nguồn gốc nham thạch có vẻ còn hợp lý hơn. Lại hình dung: dưới tác động của vụ nổ trong lòng núi lửa, phún thạch lỏng bắn tung toé ra ngoài, mà ta biết, sức căng mặt ngoài của chất lỏng khiến các giọt phún thạch bay lơ lửng trong không gian phải có dạng hình cầu. Giả sử ở thời điểm núi lửa phun trào đang là thời kỳ băng giá, các giọt này nhanh chóng đông kết thành những hòn đá tròn, tồn tại đến tận ngày nay.

Đại dương đưa chúng đến?

Tuy nhiên, khác với những hòn đá hình cầu ở những nơi khác trên thế giới, trong một số khối đá Kazakhstan lại có dấu tích của các loại sinh vật biển như sò, ốc. Dựa trên cơ sở đó, một vài nhà khoa học nêu giả thuyết các khối đá này có nguồn gốc từ đáy biển. Những vụ nổ trong lòng núi lửa dưới đáy biển cũng có thể làm bắn ra những "giọt" nham thạch tự tạo thành hình cầu trong môi trường nước. Mà giả sử ban đầu chúng gồ ghề chứ không tròn thì theo thời gian, những dòng chảy ngầm đã mài mòn các cạnh sắc của chúng rồi đẩy chúng lăn trên đáy biển khiến các khối đá dần có dạng hình cầu. Qua hàng triệu năm, đáy biển có thể phồng lên, nhô cao để rồi về sau biến thành đồng cỏ hay hoang mạc, khiến các khối đá nằm trơ trên mặt đất.

Thuyết này được củng cố bởi các chứng cứ khoa học cho biết ở vùng đất Kazakhstan từng tồn tại đại dương Tethis vào thời tối cổ. Cách đây gần 10 triệu năm, do các hoạt động kiến tạo địa lý của trái đất, đại dương Tethis biến mất, để lộ đáy với những tảng đá từng lăn trong nước. Có thể ở thời kỳ mới "xuất đầu lộ diện", các tảng đá vẫn còn một số góc cạnh gồ ghề. Nhưng sau nhiều triệu năm, gió đã hoàn tất công đoạn cuối cùng, giúp chúng có được hình dạng tròn vo lý tưởng như ngày nay. Cần biết rằng, dưới tác động của gió, cùng với sự thay đổi khí hậu qua nhiều giai đoạn với hai chu kỳ băng hà - khô nóng, thậm chí sự chênh lệch nhiệt độ rất lớn giữa ban ngày và đêm (như ở hoang mạc Kazakhstan) cũng khiến trên bề mặt nhiều khối đá tròn ở Kazakhstan xuất hiện hiện tượng nứt nẻ. Mà nứt nẻ là khởi đầu của sự bong tróc. Qua hàng triệu năm có thể những khối đá ở đây đã bị bong tróc nhiều lớp rồi.

Tuy nhiên, một câu hỏi được đặt ra là, phần lớn các loại đá lộ thiên trên trái đất đều hình thành từ phún thạch, nhưng hiện tượng bong tróc lại không phải xảy ra với tất cả chúng. Điều này có thể giải thích một cách tương đối như sau: đá từng bị "ngâm" trong dung dịch nước biển hàng triệu năm sau đó trồi lên tiếp xúc trực tiếp với không khí có cách ứng xử trước tác động lý hóa của môi trường (như thời tiết, khí hậu) khác với đất đá chưa bao giờ bị "ngâm". Quả thực, giờ đây ở rất nhiều hòn đá tròn Kazakhstan vẫn diễn ra hiện tượng bóc vỏ, chẳng khác gì người ta lột vỏ củ hành. Bên cạnh đó, cũng có nhiều khối đá nhỏ không còn có thể "bóc" thêm một lớp nào nữa. Các nhà khoa học cho rằng đó chính là cái "nhân" đầu tiên hình thành nên khối đá to theo kiểu hòn tuyết trong nắm tay làm nên khối tuyết khổng lồ.

Những hòn đá chỉ nhô một lên một phần

Nhưng sự kỳ bí không chỉ có thế.

Nhiều hòn đá lớn trong bãi đá còn bị bổ làm đôi đều chằn chặn như thể bị chia cắt bằng lưỡi cưa mà đường cưa luôn nằm theo đúng hướng bắc - nam. Điều này khiến người ta liên tưởng đến việc Trái đất bị bổ làm đôi bởi một mặt phẳng trùng khớp với đường sức của địa từ trường. Cũng cần nói thêm, số lượng viên "bi" ở bãi đá không chỉ có vài nghìn như hiện thấy, vì ở một vài nơi người ta còn thấy những chỏm bi nhô lên không cao lắm, vậy có thể còn có những viên như vậy đang vùi mình trong lòng đất.

Ngoài ra, nếu ở Kazakhstan các viên bi đá được phân bố rải rác, không đồng đều, thì ở Costa Rica, chúng lại sắp xếp một cách rất có ý thức, tạo thành những dạng hình học như tròn, vuông, chữ nhật, tam giác, lục giác đều, hình thang cân... Cùng một hiện tượng, nhưng cách lý giải lại khác xa nhau. Trong những trường hợp như thế này, rất có thể những gì hiện nay được gọi là chân lý, thì mai đây lại bị coi là truyền thuyết.

Theo VnExpress/Thế Giới Mới (Itogi)
--------------------------------------------------------------

Bài do bạn Le Thuy Khuong gửi tới Khoa Học
Email:
[email protected]

T.H
  • 7.032