Bằng chứng mới bóc trần chuyện hoang đường về người Nêandectan ngờ nghệch

  •  
  • 2.680

Nghiên cứu do các nhà khoa học Anh Quốc và Hoa Kỳ thực hiện đã phản bác giả thuyết cho rằng người Nêacdectan (Homo neanderthalensis) bị tuyệt chủng bởi họ kém thông minh hơn tổ tiên của chúng ta (người Homo sapiens). Nhóm nghiên cứu đã chứng minh những công cụ bằng đá đầu tiên mà tổ tiên của chúng ta sáng chế không hề hiệu quả hơn công cụ của người Nêacdectan.

Được công bố trên tờ Human Evolution, khám phá của họ đã bóc trần niềm tin trên sách vở do các nhà khảo cổ học dựng nên trong suốt hơn 60 năm qua.

Nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Exeter, Đại học Southern Methodist, Đại học bang Texas và Công ty máy tính Think đã dành 3 năm để chế tạo các dụng cụ bằng đá. Họ đã tái tạo một số công cụ có tên “vảy” (công cụ được sử dụng rộng rãi hơn bởi cả người Nêacdectan và người Homo sapiens) và “lưỡi” (công cụ ít được sử dụng sau này được người Homo sapiens tiếp nhận). Các nhà khảo cổ học thường dựa vào sự phát triển của các lưỡi bằng đá cùng với hiệu quả của nó để làm bằng chứng cho trí thông minh vượt trội của người Homo sapiens. Để chứng thực điều này, nhóm nghiên cứu đã phân tích dữ liệu để số sánh số lượng các công cụ được sản xuất, bao nhiêu lưỡi sắc được tạo ra, hiệu quả trong việc xử lý nguyên liệu sống cùng với thời gian công cụ được sử dụng.

Công cụ lưỡi được người Homo sapiens tạo ra lần đầu tiên trong giai đoạn lấn chiếm Châu Âu xuất phát từ Châu Phi khoảng 40.000 năm trước. Sự kiện này vốn được coi là tiến bộ kỹ thuật ấn tượng giúp người Homo sapiens vượt trội, cuối cùng đã loại bỏ các họ hàng thời Đồ Đá của họ. Thế nhưng khi nhóm nghiên cứu phân tích dữ liệu lại không tìm thấy sự khác biệt về mặt thống kê nào giữa tính hiệu quả của hai công cụ. Thực tế, họ phát hiện ra rằng trên một số phương diện công cụ vảy được người Nêacdectan ưa chuộng có hiệu quả hơn công cụ lưỡi của người Homo sapiens. 

Nghiên cứu mới chứng minh rằng những công cụ bằng đá đầu tiên mà tổ tiên của chúng ta sáng chế không hề hiệu quả hơn công cụ của người Nêacdectan (trên hình). (Ảnh: iStockphoto/Klaus Nilkens)

Người Neandectan được cho là thuộc về một nhánh khác so với người Homo sapiens, họ tiến hóa ở Châu Âu vào Kỷ Băng Hà trong khi người Homo sapiens tiến hóa ở Châu Phi trước khi lan rộng đến các phần còn lại của thế giới vào khoảng 50.000 đến 40.000 năm trước. Người Neacdectan được cho là tuyệt chủng vào khoảng 28.000 năm trước, điều này cho thấy ít nhất có 10.000 năm có sự tồn tại song hành và tương tác giữa hai loài người ở Châu Âu.

Rất nhiều niềm tin từ lâu cho rằng người Nêandectan tuyệt chủng đã bị bóc trần trong những năm gần đây. Nghiên cứu đã chứng minh rằng người Nêandectan cũng giỏi săn bắn như người Homo sapiens và không hề có bất lợi nào trong khả năng giao tiếp. Hiện nay, phát hiện mới nhất đã thêm vào các bằng chứng cho thấy người Nêandectan không kém thông minh hơn tổ tiên của chúng ta. Metin Eren – sinh viên Khảo cổ học thí nghiệm thuộc đại học Exeter kiêm tác giả chính của nghiên cứu – nhận xét: “Nghiên cứu của chúng tôi phản bác lại nhận định lớn có từ lâu rằng người Homo sapiens tiến bộ hơn người Nêandectan. Đã đến lúc các nhà khảo cổ cần phải nghiên cứu tìm hiểu các lý do khác nhằm giải thích tại sao người Nêandectan lại tuyệt chủng trong khi tổ tiên của chúng ta thì sống sót. Nói về mặt kỹ thuật, không hề có công cụ nào ưu việt hơn công cụ nào. Khi chúng ta nghĩ về người Nêandectan, chúng ta cần phải dừng ngay suy nghĩ về ‘sự kém thông minh, ‘không tiên tiến’ hay bất cứ điều gì khác để suy ra cái khác biệt với người Homo sapiens”.

Hiện đã xác định được công cụ lưỡi không mang lại ưu thế kỹ thuật nào, vậy tại sao người Homo sapiens lại sử dụng công cụ này trong khoảng thời gian xâm chiếm Châu Âu? Các nhà nghiên cứu cho rằng lý do có sự chuyển đổi có thể mang tính văn hóa hoặc hình tượng. Eren giải thích: “Xâm chiếm một lục địa không phải là chuyện dễ dàng. Việc xâm chiếm lục địa trong Kỷ Băng Hà thậm chí còn khó khăn hơn. Do đó đối với người Homo sapiens cổ đại khi xâm chiếm Châu Âu vào Kỷ Băng Hà, công cụ dùng chung trông hào nhoáng lúc đó giữ vai trò như một dạng keo dính xã hội giúp gắn kết các mạng lưới xã hội lớn hơn với nhau. Trong suốt thời gian khó khăn, cạn kiệt nguồn tài nguyên, các mạng lưới xã hội lớn hơn đã đóng vai trò như một ‘hợp đồng bảo hiểm sự sống’, đảm bảo công việc trao đổi giữa các thành viên trong cùng một nhóm”.

Đại học Exeter là đại học duy nhất trên thế giới có khóa học Khảo cổ học thí nghiệm. Dòng khảo cổ học này tập trung vào tìm hiểu bằng con người sống trong quá khứ như thế nào bằng cách tái tạo hoạt động cũng như kỹ thuật của họ. Eren cho biết: “Dành 3 năm trong phòng thí nghiệm tìm hiểu cách thức chế tạo các công cụ đã giúp chúng tôi tái tạo chính xác các công cụ để có được phát hiện của mình”. Nghiên cứu được Quỹ khoa học quốc gia Hoa Kỳ và Quỹ tốt nghiệp Exeter tài trợ.

Tham khảo:
Metin I. Eren, Aaron Greenspan, C. Garth Sampson. Are Upper Paleolithic blade cores more productive than Middle Paleolithic discoidal cores? A replication experiment. Tờ Human Evolution, công bố trực tuyến ngày 26 tháng 8, 2008

Trà Mi (Theo ScienceDaily)
  • 2.680