Bằng chứng mới cho giả thuyết thiên thạch phát nổ

  •  
  • 1.227

Chứng cứ địa chất phát hiện tại Ohio và Indiana trong những tuần vừa qua đang củng cố cho giả thuyết về nguyên nhân gây ra sự kiện cách đây 12,900 năm tại Bắc Mỹ, khi giai đoạn chấm dứt kỷ Băng Hà cuối cùng đột nhiên trở thành thời kỳ tuyệt chủng của loài người và động vật trên trái đất. Nguyên nhân được quy cho một vụ nổ thiên thạch trên địa phận Canada.

Giả thuyết thiên thạch phát nổ được đề xuất bởi nhà địa-vật lý Allen West 2 năm trước cho rằng: một vật thể ngoài không gian đã phát nổ ngay trên bề mặt trái đất - khu vực hiện nay là Canada - gây ra sức ép khổng lồ và toả nhiệt lượng khủng khiếp khiến phần lớn bắc bán cầu rực cháy, mở đầu cho giai đoạn tuyệt chủng.

Ken Tankersley, trợ lý giáo sư ngành nhân loại học tại đại học Cincinnati, cùng với Allen West và nhà khoa học Nelson R. Schaffer thuộc hội khoa học nghiên cứu địa chất Indiana, đã xác minh bằng chứng từ các khu vực nghiên cứu tại Ohio và Indiana (bao gồm 2 hạt Hamilton và Clermont tại Ohio, hạt Brown tại Indiana), cung cấp cơ sở bền vững nhất cho giả thuyết thiên thạch phát nổ.

Những mẫu kim cương, vàng và bạc - tìm thấy trong khu vực - được xác định nguồn gốc nhờ phương pháp nhiễu xạ X-quang trong phòng thí nghiệm của giáo sư khoa địa chất Warren Huff, đại học Cincinnati, đã trả về kết quả là những mỏ kim cương tại Canada.

Hiện tại, kịch bản hợp lý duy nhất giải thích cho sự hiện diện của chúng tại miền nam xa xôi này chỉ có thể là một biến cố địa chất, cụ thể là vụ nổ như mô tả trong giả thuyết của West. “Chúng tôi tin tưởng rằng đây là bằng chứng chắc chắn nhất cho vụ va chạm thiên thạch vào thời kỳ đó”, Tankersley phát biểu.

Trớ trêu là Tankersley từng đối đầu với West trước đây, khi tin tưởng rằng ông có thể bác bỏ giả thuyết của West.

Một vụ va chạm thiên thạch đã gây ra sự thay đổi khí hậu trên trái đất 12,900 năm trước? (Ảnh: wikimedia.org)


Qua nhiều năm làm việc trong khu vực, Tankersley quá quen thuộc với những mỏ kim cương, vàng và bạc. Có thời điểm chúng được tìm thấy với trữ lượng khá dồi dào trong vùng, đến nỗi những người Hopewell Indian sống ở đây 2,000 năm trước đã tiến hành dùng nó để trao đổi hàng hoá.

Quan điểm phổ biến cho rằng những mỏ khoáng sản - tìm thấy dưới lớp đất sâu phù hợp với khung thời gian xảy ra vụ va chạm thiên thạch - được mang tới phía nam từ vùng Hồ Lớn bởi những dòng sông băng.

Tankersley cho biết: “Cơ sở để tôi bác bỏ giả thuyết của West chính là vàng, bạc và kim cương. Tuy nhiên lúc đó tôi không biết kết luận cuối cùng mà ông ấy đã rút ra được nhưng chưa công bố: manh mối phù hợp cho vụ va chạm với thiên thạch không phải đâu xa mà chính là ở những mỏ kim cương. Thay vì làm cơ sở để bác bỏ, những mỏ đá quý này lại trở thành chứng cứ thuyết phục nhất ủng hộ giả thuyết của West.”


Ken Tankersley. (Ảnh: Đại học Cincinnati)

Công việc tìm kiếm bổ trợ đã được tiến hành tại các khu nghiên cứu, với hi vọng tìm thấy iriđi, các tiểu thiên thạch và kim cương nano (nano-diamond) - những thứ mang dấu vết của vùng mỏ kim cương bị nổ tung bởi vụ va chạm.

Phần lớn nghiên cứu được tiến hành tại hang Sheriden ở hạt Wyandot, phía bắc trung tâm Ohio, nơi lưu trữ khối lượng lớn dữ liệu về kỷ Băng Hà.

Tankersley lần đầu tiếp xúc với West và Schaffer khi họ được mời tới dự hội thảo liên ngành do khoa Địa chất học, đại học Cincinnati tổ chức vào mùa xuân vừa qua.

West đưa ra giả thuyết rằng một thiên thạch lớn hoặc một tiểu hành tinh có đường kính hơn 1 dặm đã phát nổ ngay trên trái đất tại thời điểm kỷ Băng Hà cuối cùng chuẩn bị chấm dứt.

Thời điểm được nêu trong giả thuyết - khoảng 12,900 năm trước - khá nhất quán với sự biến mất của quần thể voi mamút tại Bắc Mĩ và cộng đồng loài người đầu tiên định cư trên lục địa được biết dưới tên gọi nền văn minh Clovis.

Vào khi đó, lịch sử khí hậu cho thấy kỷ Băng Hà tưởng chừng sắp chấm dứt lại mở ra giai đoạn băng giá tiếp theo kéo dài 1,300 năm do một thay đổi khí hậu đột ngột mang tên sự kiện Younger Dryas. Một vụ nổ địa chất tương tự như trong giả thuyết của West có đầy đủ tiềm năng gây nên sự xáo trộn khí quyển cần thiết để tạo ra tình trạng băng giá như thế.

Theo Tankersley, “Bằng chứng ta đang tìm kiếm thực sự cho thấy sự thay đổi khí hậu vào giai đoạn chấm dứt kỷ Băng Hà cuối cùng là kết quả của biến cố địa chất.”

Sau khi biên soạn được nhiều dữ kiện hơn, Tankersley, West và Schaffer sẽ xuất bản nghiên cứu mới nhất của mình để giải thích lịch sử khí hậu trái đất.

Sự thay đổi khí hậu là chủ đề ưa thích của Tankersley. “Điều tối quan trọng trong công việc này đó là chứng tỏ rằng ta không thể nắm bắt tất cả. Hành tinh của chúng ta đã hứng chịu nhiều vụ va chạm thiên thạch trong suốt chiều dài lịch sử. Mỗi lần như vậy, khí hậu lại thay đổi.”

Linh V. (Theo ScienceDaily)
  • 1.227