Báo động từ các nhà máy điện hạt nhân ở Mỹ: Nước nhiễm xạ rò rỉ ra môi trường

  •  
  • 627

Quốc hội Mỹ báo động tại 3/4 trong số 65 nhà máy điện hạt nhân ở Mỹ đang diễn ra tình trạng nước nhiễm phóng xạ rò rỉ ra môi trường bên ngoài trong một thời gian dài, thậm chí đã ngấm xuống tầng nước ngầm!

>>> 48 nhà máy điện hạt nhân Mỹ rò rỉ tritium

Theo báo cáo điều tra của Văn phòng trách nhiệm giải trình chính phủ (GAO) thuộc Quốc hội Mỹ, nước nhiễm đồng vị phóng xạ tritium đã rò rỉ qua hệ thống đường ống mục nát ra môi trường tại 48 trên tổng số 65 nhà máy điện hạt nhân Mỹ. Trong khi đó, các công ty điện lực điều hành những nhà máy này lại chưa tìm ra cách hiệu quả để phát hiện rò rỉ. Do đó, tình trạng rò rỉ đã xảy ra trong nhiều năm qua sẽ không dừng lại.

Vụ rò rỉ nước nhiễm xạ ở Nhà máy điện hạt nhân Byron tại Illinois năm 2007
Vụ rò rỉ nước nhiễm xạ ở Nhà máy điện hạt nhân Byron tại Illinois năm 2007
(Ảnh: AP)

Phóng xạ cao gấp hàng trăm lần mức cho phép

Điều đáng lo ngại là nước nhiễm xạ từ hệ thống đường ống cũ kỹ và xuống cấp nghiêm trọng của khoảng 37 nhà máy điện hạt nhân của Mỹ đã ngấm vào nguồn nước quanh nhà máy. Đặc biệt nghiêm trọng như ở Nhà máy điện hạt nhân Braidwood tại Illinois, hơn 22,7 triệu lít nước nhiễm phóng xạ tritium đã rò rỉ ra môi trường từ thập niên 1990. Ở lò phản ứng Vermont Yankee tại bang Vermont, nước nhiễm tritium rò rỉ ra bên ngoài có mức độ phóng xạ cao gấp 125 lần mức cho phép. Ở lò phản ứng Browns Ferry tại Alabama, một vụ rò rỉ năm 2010 đã xả ra môi trường lượng nước nhiễm xạ có mức phóng xạ cao gấp 100 lần quy định. Còn vụ rò rỉ ở Nhà máy Quad Cities tại Illinois năm 2008 đã xả ra lượng nước nhiễm xạ cao gấp 375 lần so với mức quy định.

Trong nhiều trường hợp, nước nhiễm xạ đã làm ô nhiễm cả một khu vực rộng lớn. Nước nhiễm xạ từ ba nhà máy điện hạt nhân tại Illinois và Minnesota đã làm ô nhiễm các giếng nước sạch trong khu vực dân cư lân cận, dù mức độ nhiễm xạ chưa đạt đến ngưỡng nguy hiểm. Tritium từ một nhà máy hạt nhân ở New Jersey đã rò rỉ và ngấm xuống tầng nước ngầm sâu trong lòng đất và thoát vào một kênh xả nước ra vịnh Barnegat ngoài Đại Tây Dương.

Thế nhưng, các quan chức Viện Năng lượng hạt nhân Mỹ (NEI) vẫn lớn tiếng đảm bảo tác động đến sức khỏe công chúng và sự an toàn của sự cố rò rỉ là “gần như bằng 0”. Theo Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA), tritium là đồng vị phóng xạ của hydro, có chu kỳ bán rã khoảng 12,3 năm. Tritium không phải là đồng vị phóng xạ gây nguy hiểm cao, nhưng việc tiếp xúc kéo dài với tritium ở mức độ cao có thể dẫn tới các bệnh ung thư, máu trắng và biến đổi gen.

Theo báo cáo của GAO, ngành công nghiệp điện hạt nhân Mỹ gần đây có áp dụng một số biện pháp để sớm phát hiện các sự cố rò rỉ. Tuy nhiên, Ủy ban Quy chế hạt nhân Mỹ (NRC) vẫn không thể xác định được việc phát hiện sớm này có hiệu quả đến đâu “khi mà các nhà máy điện hạt nhân ngày càng xuống cấp”.

Những nhà máy già cỗi

Những lò phản ứng đầu tiên được xây vào thập niên 1960-1970. Đến nay, 66 trên tổng số 104 lò phản ứng đã được gia hạn hoạt động thêm 20 năm. Chính quyền lại đang xem xét gia hạn hoạt động cho 16 lò phản ứng khác. Tổng cộng 82 lò phản ứng đã hoạt động trên 25 năm.

Các điều tra cho thấy nhà chức trách đã cho phép các lò phản ứng hoạt động một cách thiếu an toàn để kéo dài thời gian tồn tại. Khi các thiết bị đã chạm đến hoặc vượt qua giới hạn an toàn, các công ty điện lực và nhà chức trách lại sẵn sàng nới lỏng hoặc bẻ cong các quy định an toàn. Năm 2010, NRC lại lần thứ hai nới lỏng giới hạn về tổn hại phóng xạ đối với các lò phản ứng, bất chấp việc điều chỉnh này có nguy cơ khiến phóng xạ dễ bay ra môi trường bên ngoài.

Hậu quả là các sự cố hạt nhân liên tục xảy ra. Từ năm 2005 đến nay đã có 26 vụ báo động ở các nhà máy điện hạt nhân Mỹ do đường dây bị kẹt, thiết bị nứt vỡ, rò rỉ nước nhiễm xạ... Chẳng hạn ngày 22-1-2011, một lò phản ứng 39 năm tuổi ở Michigan ngừng hoạt động do dây cáp điện bị hỏng, làm cầu chì nổ, một van bị nghẽn, khiến lò phản ứng này đẩy hơi nước chứa tritium ra không khí bên ngoài.

Một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất là việc hóa chất ăn mòn thiết bị từ bên trong tại các lò phản ứng. Năm 1986, một đường ống bị ăn mòn đã nổ tại lò phản ứng Surry 2 ở Virginia, làm bốn công nhân thiệt mạng. Hóa chất ăn mòn còn tạo ra các vết nứt ở các lò phản ứng. Từ năm 2001-2003, các vết nứt đã xuất hiện trong lò phản ứng ở ít nhất 10 nhà máy điện hạt nhân. Dù vậy, câu trả lời của NRC vẫn luôn là: “Chúng tôi có thể sửa chữa. Chúng tôi có thể thay thế. Chúng tôi có thể chắp vá”. Thế nhưng, như một chuyên gia hạt nhân khẳng định: “Mọi thứ, kể cả những nhà máy điện hạt nhân, đều chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian nhất định”!

Theo AFP, Tuổi trẻ, Daily Mail
  • 627