Bão tấn công vào Đông Nam Á đang ngày càng mạnh hơn

  •   52
  • 2.794

Trong vòng 40 năm qua, những cơn bão tấn công vào Đông và Đông Nam Á ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn - và có lẽ điều đó sẽ tiếp diễn, nhờ vào sự "hậu thuẫn" của biến đổi khí hậu. Nguyên nhân có thể xuất phát từ việc nước biển gần bờ ngày một trở nên ấm hơn, theo một nghiên cứu mới. Kết quả nghiên cứu vừa được công bố cho thấy biến đổi khí hậu có thể chính là thủ phạm chính, trong việc tạo ra những cơn bão siêu mạnh đánh vào miền đông Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản; đồng thời không ngừng mạnh lên trong tương lai. Nước biển dự kiến sẽ trở nên ấm áp hơn trong những năm tới, tạo điều kiện vô cùng thuận lợi trong việc "tiếp sức" cho các cơn bão.

"Nếu bạn làm ấm nước ở ven biển, điều đó nghĩa là bão có thể nhận thêm một chút sức mạnh, ngay trước khi nó đổ bộ vào đất liền. Đó rõ ràng không phải là tin tốt", theo Kerry Emanuel, giáo sư về khí tượng học tại Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ), người đã không tham gia vào nghiên cứu này. Tuy nhiên, ông cũng là người cung cấp một số dữ liệu cho các nhà thực hiện nghiên cứu.

Bão thường được hình thành ngoài đại dương ở các vùng nhiệt đới, với sức gió ít nhất lên đến 119km/h. Khi đi vào đất liền, bão có thể trở thành kẻ giết người hàng loạt, phá hoại mọi thứ trên đường chúng đi qua. Cơn bão gần đây nhất có lẽ là Lionrock đổ bộ vào Nhật Bản tuần trước, gây thiệt hại nhiều đến cơ sở vật chất và giết chết ít nhất 9 người.

Nước biển ấm làm bão ngày càng mạnh hơn do nó được cung cấp nhiều nhiệt hơn, hay nói cách khác, bão sẽ có thêm nhiều năng lượng hơn. Để dễ hình dung, bạn cứ hãy tưởng tưởng lúc vừa bước ra khỏi phòng tắm, bạn cảm thấy lạnh vì nước từ da bốc hơi, đồng thời mang theo một lượng nhiệt. Nhiệt năng rời khỏi cơ thể của bạn nhưng không biến mất mà được bổ sung vào không khí. Điều tương tự cũng xảy ra với những cơn bão. "Nhiên liệu làm gia tăng sức mạnh của bão là lượng nhiệt lớn từ đại dương, đi vào không khí và gặp gió thổi mạnh trên bề mặt", Emanuel nói.

Tàn tích của một khu vực sau khi bão Haiyan quét qua.
Tàn tích của một khu vực sau khi bão Haiyan quét qua. (Ảnh: Wikipedia).

Các nhà nghiên cứu đã phân tích lại hai bộ dữ liệu khác nhau nhằm tính toán cường độ của các cơn bão nhiệt đới từ năm 1977 đến nay, bao gồm tài liệu từ Trung tâm Cảnh báo Bão Liên hợp (JTWC), lực lượng liên hợp của Hải quân và Không quân Mỹ; và Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA). Họ phát hiện ra rằng các cơn bão đã từng tấn công vào Đông Á và Đông Nam Á có sức mạnh tăng đến 12-14%. Bên cạnh đó, nhóm các nhà khoa học cũng nhận thấy số lượng bão cấp 4 và 5 (theo thang bão Saffir-Simpson) - thường có tốc độ gió từ 209km/h đến 252km/h hoặc cao hơn - đã tăng lên từ không quá 5 cơn vào cuối năm 1970 cho đến 7 cơn bão/năm như hiện nay.

Các nhà nghiên cứu cũng tìm hiểu xem nhiệt độ nước biển ở phía tây bắc Thái Bình Dương đã thay đổi như thế nào từ giữa năm 1977 đến 2013. Kết quả cho thấy vùng nước ở các đại dương nằm ngoài khơi Đông và Đông Nam Á, nơi bão đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết, đã trở nên ấm áp hơn rất nhiều. Ngược lại, ở các vùng đại dương xa hơn, nhiệt độ nước không tăng nhiều và do đó, cường độ của các cơn bão không có thay đổi nào đáng kể. Điều đó cho thấy những cơn bão ngày càng mạnh hơn là do các vùng biển ấm, nơi cung cấp năng lượng cho các cơn bão nhiệt đới.

Thay vì tập trung vào xu hướng toàn cầu, trọng tâm của nghiên cứu là tìm hiểu về các cơn bão sẽ đổ bộ vào những khu vực đông dân cư, thường gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng. Mặc dù vậy, đề tài nghiên cứu này vẫn chưa thể đưa ra lý do chính xác vì sao bão ngày càng mạnh lên, là vì biến đổi khí hậu do con người gây ra, hay đó chỉ là một xu hướng tự nhiên xảy ra trên hành tinh của chúng ta? Với lượng dữ liệu ít ỏi trong vòng 40 năm trở lại đây, có lẽ chúng ta vẫn chưa thể kết luận được điều gì.

Goni và Atsani - 2 cơn bão giống hệt nhau từng tấn công vào Đông Á năm 2015.
Goni và Atsani - 2 cơn bão giống hệt nhau từng tấn công vào Đông Á năm 2015. (Ảnh: pbs​).

Trước năm 1977, JMA đã không cung cấp phép đo gió bão, theo Wei Mei, trợ giảng tại Đại học Bắc Carolina (Mỹ), và là người dẫn đầu của nghiên cứu. Ông Mei còn cho biết vào những năm 1970, không có nhiều vệ tinh để thực hiện điều này. Một số nhà nghiên cứu cũng cho rằng dữ liệu về bão được cung cấp bởi JTWC và JMA không giống nhau. JMA tính toán gió bão trung bình trong 10 phút, trong khi JTWC chỉ tính nó trong 1 phút. Các nhà nghiên cứu đã phải điều chỉnh dữ liệu của JMA nhằm bù đắp cho sự khác biệt này, và tất nhiên là sẽ dẫn đến sai sót. "Có một số chỗ không chắc chắn trong kết quả", Christina Patricola, nhà khoa học khí quyển tại Đại học Texas A&M Univeristy, cho biết.

Tuy nhiên, Emanuel - giáo sư khí tượng học tại MIT, cho rằng tác giả nghiên cứu đã làm rất tốt trong việc kiểm tra chéo dữ liệu giữa JTWC và JMA với các nguồn khác, chẳng hạn như sử dụng vệ tinh đo lường và các mô hình của riêng họ. Dù chưa có đáp án chính xác cho câu hỏi vì sao bão ngày càng mạnh lên, nghiên cứu cho thấy nước biển ngoài khơi của khu vực Đông và Đông Nam Á vẫn cứ tiếp tục ấm dần. Đó là điều kiện để tiếp thêm sức mạnh cho các cơn bão, khiến cho sức tàn phá của chúng ngày càng dữ dội hơn trong tương lai. "Bão có thể gây ra thiệt hại rất nghiêm trọng trong xã hội loài người", Mei nhận định. "Một yếu tố quan trọng trong việc xác định thiệt hại là cường độ và kích thước của cơn bão".

Cập nhật: 10/09/2016 Theo Tinh Tế
  • 52
  • 2.794