Bảo vệ rừng nhiệt đới: ba trở ngại chính

  •  
  • 1.641

Theo tổ chức Lương nông thuộc Liên hiệp quốc (FAO), năm 2005 trái đất chỉ còn 4 tỉ hecta rừng, che phủ 31% diện tích. Khoảng một nửa diện tích rừng là ở vùng nhiệt đới, chủ yếu là “rừng mưa” (rainforest) mà Brazil chiếm hơn một nửa.

Rừng nhiệt đới vẫn bị tàn phá

Từ 60 năm nay, 60% rừng nhiệt đới bị đốt phá. Trong những năm 1990, mỗi năm có đến 16 triệu hecta rừng bị đốt phá. Hiện nay, nạn phá rừng đã chậm lại phần nào, nhất là ở Brazil. Tháng 12 vừa qua, bộ Môi trường Brazil thông báo là nạn phá rừng ở Amazon giảm 14% giữa hai năm 2009 và 2010. Brazil cam kết giảm nạn phá rừng 80% từ đây cho đến năm 2020.

Các chính phủ, các tổ chức phi chính phủ, các nhà khoa học cũng như các nhà đầu tư đã đề ra một chương trình quốc tế tên là REDD (Reduced Emissions from Deforestation and Forest Degradation) nhằm giảm lượng khí thải do nạn phá rừng và hiện tượng rừng xuống cấp gây ra. Có ngân sách 4,5 tỉ USD, chương trình này nhằm thúc đẩy các nước giàu phải tài trợ cho các nước nghèo để họ ngừng phá rừng.

Nhưng thực ra, rừng nhiệt đới vẫn tiếp tục bị đe doạ. Trước hết là bởi sự thay đổi khí hậu: khô cằn, hạn hán, sự sinh sôi của các côn trùng có hại, nạn cháy rừng… làm cho diện tích rừng ngày càng hẹp lại. Nếu trái đất nóng thêm 3,5°C, thì một nửa diện tích rừng nhiệt đới sẽ bị xoá, khiến cho phần lớn lượng khí CO2 mà nó chứa (khoảng 50 tỉ tấn) sẽ thoát ra trong không gian.

Đe doạ thứ hai là con người. Vào năm 2050, trái đất sẽ có khoảng 9 tỉ người. Để nuôi thêm hơn 2 tỉ người mà phần đông sống ở các nước nhiệt đới, chắc chắn khó tránh khỏi nạn phá rừng để lấy đất canh tác và chăn nuôi.

Vài biện pháp chống phá rừng

Tháng 6.2010, Daniel Avelino, tổng kiểm sát trưởng của bang Pará (Brazil), nơi nuôi đa số bò của vùng Amazon, đã phạt 20 trại chăn nuôi lớn và các lò sát sinh số tiền 2 tỉ real (khoảng 1,2 tỉ USD) và thông báo với các công ty phân phối lớn của phương Tây (Walmart, Carrefour…) là họ sẽ bị phạt nặng nếu tiếp tục mua thịt bò không hợp pháp. Ngay ngày hôm sau, các công ty phân phối đã ngưng mua thịt của bang Pará, khiến cho các lò mổ phải đóng cửa và hứa sẽ chỉ mua bò, cừu của các trang trại cung cấp đầy đủ thông tin về đất đai dùng để chăn nuôi và cam kết không phá rừng. Khoảng 20.000 người chăn nuôi ở bang Pará đã cam kết như vậy.


Thảm hoạ tràn dầu ở Ecuador ảnh hưởng tới rừng mưa nhiệt đới Amazon. Ảnh: TL

Do áp lực của người tiêu dùng ở những nước phát triển quan tâm đến việc bảo vệ môi trường, ngày càng có nhiều nước ở vùng nhiệt đới chấp nhận các chuẩn mực của phương Tây trên suốt dây chuyền cung cấp.

Nhưng thực ra vẫn còn lắm trở lực. Trước hết là về tài chính. Cho dù có ý thức bảo vệ môi trường, phần đông người tiêu dùng vẫn không muốn chi thêm tiền để mua hàng được sản xuất theo lối bền vững. Việc cấp chứng chỉ (ghi rõ gốc gác của chúng) khá tốn kém. Chẳng hạn Uruguay có một hệ thống con chip cho bê, nhưng trung bình tốn đến 20 USD cho mỗi con. Trở lực thứ hai là độ tin cậy của các hệ thống thông tin. Trở lực thứ ba, quan trọng nhất: phần lớn các nguyên liệu nhiệt đới được tiêu thụ ở các thị trường không mấy quan tâm đến việc bảo vệ môi trường. Phần lớn gỗ nhiệt đới khai thác từ rừng Amazon được người bản địa dùng, đến 80% tiêu thụ ở Brazil. Còn những nước nhập nhiều gỗ như Trung Quốc và Ấn Độ thì lại không mấy quan tâm đến nguồn gốc của gỗ. Còn về thịt bò của Brazil, thì chủ yếu được Nga, Iran, Ai Cập… nhập, và dân các nước này lại không phải là những người quan tâm nhiều tới việc bảo vệ môi trường.

Năm 2008, đạo luật Lacey của Mỹ về bảo vệ thiên nhiên được sửa đổi nhằm trừng phạt việc nhập các loại gỗ đốn không hợp pháp. Nhưng rất khó chứng minh nguồn gốc gỗ có hợp pháp hay không, nhất là khi gỗ đến từ một nước mà mọi chuyện đều không minh bạch như Cameroon và sau đó lại được xử lý ở một nước như Trung Quốc. Tháng 7.2010, Liên hiệp châu Âu cũng đã thông qua một đạo luật cấm nhập gỗ đốn bất hợp pháp.

Cũng phải nhắc lại hiện tượng một số nước đang tìm cách mua đất rừng ở vùng nhiệt đới, vừa rẻ lại vừa có nhiều nước mưa. Chẳng hạn Trung Quốc đã nhận trùng tu và xây dựng 6.000km đường sá ở Cộng hoà dân chủ Congo (có đến 134 triệu hecta rừng mưa), vì họ muốn thâm canh ở nước này cây cọ để sản xuất dầu mà Trung Quốc là nước nhập nhiều nhất thế giới.

Theo SGTT
  • 1.641