Bệnh động kinh: Ảnh hưởng chất lượng cuộc sống

  •  
  • 4.284

Động kinh là một tình trạng bệnh lý của não do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra với bệnh cảnh rất phức tạp và đa dạng. Bệnh này có thể gặp ở mọi tuổi, mọi giới.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ người mắc bệnh động kinh trên thế giới khoảng 0,5% dân số, thay đổi tùy theo từng quốc gia, từng vùng, từng dân tộc, như ở Pháp và ở Mỹ là khoảng 0,85%; Canada là 0,6%.

Tại Việt Nam khoảng 2% dân số trong đó có đến 60% số bệnh nhân là trẻ em. Tuy nhiên, bệnh hoàn toàn có thể điều trị nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách thì khả năng hoàn toàn khỏi bệnh là rất cao.

Đối với trẻ em, nếu không được điều trị kịp thời, hoặc điều trị không đúng cách dẫn tới tình trạng không khống chế được cơn co giật. Lâu dần, trẻ sẽ bị thiểu năng trí tuệ, rối loạn hành vi. Những cơn co giật kéo dài cũng sẽ làm cho hệ miễn dịch của trẻ yếu đi, dễ nhiễm các bệnh khác và dễ tử vong hơn những trẻ bình thường. Trẻ bị động kinh không được điều trị đúng thuốc, đúng phác đồ nên sinh ra kháng thuốc. Khi đó, khả năng hồi phục sẽ khó khăn hơn rất nhiều.

Ngoài những cơn co giật, bệnh nhân động kinh vẫn có thể sinh hoạt, học tập, làm việc bình thường. Và nếu được phát hiện và chữa trị kịp thời thì khả năng hoàn toàn khỏi bệnh để hòa nhập với cuộc sống bình thường là rất cao.

Đối với bệnh nhân động kinh, điều quan trọng nhất là tình yêu thương, sự quan tâm của gia đình, người thân, sự thông cảm của bạn bè và cả những người xung quanh để họ không cảm thấy mặc cảm, thấy mình khác biệt với mọi người.

Dấu hiệu và cách điều trị bệnh động kinh

Ai cũng có thể từng lên cơn co giật, nhưng đó chỉ là hoạt động quá mức và thoảng qua của một vùng vỏ não. Bệnh động kinh phải có những cơn co giật phát đi phát lại liên tục trong nhiều năm tháng. Động kinh không rõ nguyên nhân gọi là động kinh tiên phát vô căn, còn loại có thể xác định được nguyên nhân thì gọi là động kinh thứ phát.

Động kinh toàn thể: có hai loại là cơn động kinh lớn và nhỏ

Cơn lớn: người bệnh mất ý thức hoàn toàn và co giật trong vòng 5-10 phút. Cơn khởi phát rất đột ngột, bệnh nhân bỗng dưng kêu lên một tiếng rồi ngã vật ra. Bệnh diễn biến theo ba giai đoạn:

- Giai đoạn tăng trương lực: toàn thân co cứng, răng cắn vào lưỡi, giật rung, co giật đột ngột toàn thân.

- Giai đoạn thoái lui: người bệnh thở ầm ĩ, đôi khi đái dầm.

- Khi tỉnh dậy, bệnh nhân hoàn toàn không nhớ chuyện vừa xảy ra.

Cơn nhỏ: còn gọi là cơn vắng ý thức, thường gặp ở trẻ từ 4 đến 6 tuổi và mất đi ở tuổi dậy thì. Trẻ đột nhiên bị mất ý thức trong vài giây, bất động, mắt nhìn trừng trừng. Tuy nhiên, trẻ không bị ngã và không hay biết đang trải qua cơn động kinh.

Động kinh cục bộ: gồm động kinh đơn giản và động kinh phức tạp.

- Động kinh đơn giản: người bệnh không rối loạn ý thức, song bị rối loạn vận động (co giật chỉ hạn chế ở một vùng) và rối loạn cảm giác (hoang tưởng).

- Động kinh phức tạp: người bệnh có rối loạn ý thức, có biểu hiện tâm thần vận động đơn giản như nhai tóp tép, giậm chân; hoặc phức tạp như bỏ nhà ra đi mà không hay biết.

Cách chẩn đoán bệnh:

- Ghi điện não đồ

- Chụp cắt lớn vi tính não.

- Chụp não bằng cộng hưởng từ.

Cách điều trị:

- Cần đặt người bệnh nằm nghiêng về một bên, đặt bông vào giữa hai hàm răng để tránh cắn vào lưỡi khi lên cơn. Nếu cần có thể tiêm bắp thịt một ống Seduxen hoặc Phenonbarbital.

- Củng cố điều trị bằng các thuốc chống động kinh như Tegretol, Depakine… để tránh cơn tại phát.

- Người bệnh cần ngủ đủ và đúng giờ, kiêng rượu và các đồ uống pha rượu.

- Bệnh nhân mắc bệnh động kinh nhạy cảm với ánh sáng, xuất hiện cơn khi có ánh sáng nhấp nháy, cần trận trọng khi xem vô tuyến và làm việc với máy tính, trò chơi điện tử.

- Không chơi những môn thể thao nguy hiểm đến tính mạng như lặn sâu, leo núi, không lái xe tải nặng, không lái xe chở hành khách…

Giáo sư Phạm Gia Cường

Theo Khoa Học & Đời Sống
  • 4.284