Bệnh văn phòng

  •   42
  • 1.251

Nhân viên làm việc trong các văn phòng, cao ốc dễ mắc hội chứng “môi trường kín” do không khí ít thông thoáng. Họ dễ mắc các bệnh về hô hấp, khớp...

Ngột ngạt, khó thở, đau đầu, đau nhức xương, mỏi cơ, đau khô họng, ho, hắt hơi, khô da, ngứa, buồn ngủ... là những triệu chứng thường gặp ở những người thường sinh sống hay làm việc lâu trong các tòa nhà cao tầng, khép kín, đủ tiện nghi. Tuy nhiên những triệu chứng này nhanh chóng biến mất khi họ đi ra khỏi tòa nhà. Chính vì vậy, mọi người ít chủ động đi khám. Họ thường khắc phục bằng cách dùng thuốc cảm cúm, tra thuốc chống nhức mỏi mắt hay xoa dầu gió hoặc bôi kem giữ ẩm da...

Kết quả khảo sát ở 305 nhân viên bưu điện và ngân hàng do Bộ Y tế thực hiện mới đây cho thấy, hơn 27% bị đau mỏi cánh tay, cổ tay và bàn tay, 74% thường đau và khô họng, 75-85% nhức mỏi mắt, 73% đau đầu, chóng mặt, 30% tức ngực, khó thở, 39% bị khô da, mẩn ngứa...

Nguyên nhân chính của tình trạng này là do không khí trong phòng của những tòa nhà cao tầng không lưu thông, nên môi trường làm việc, sinh hoạt bị thiếu ôxy, không khí bị ô nhiễm bởi các thiết bị, vật dụng, máy móc... Y học gọi những triệu chứng của bệnh trên là "Hội chứng môi trường kín".

Hội chứng này được y học nhắc đến từ lâu, khi các tòa nhà cao tầng xuất hiện với đầy đủ tiện nghi. Không khí trong các phòng được tái sử dụng nhiều lần qua hệ thống điều hòa. Đây chính là điều kiện thuận lợi để các loại vi khuẩn yếm khí, độc hại có điều kiện phát triển. Kết quả điều tra của Tổ chức Y tế Thế giới năm 1976 tại Mỹ, trong một buổi tiệc ở khách sạn Bellevue Stratford có 29 người bị tử vong do viêm phổi vì họ hít phải vi khuẩn legionella pneumophilia trong hệ thống thông khí của khách sạn.

Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo, hơn 30% tòa nhà cao ốc trên thế giới được xếp vào loại "bệnh hoạn" vì chất lượng không khí quá kém. Mới đây giáo sư Lê Trung - Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường cũng khẳng định, những căn phòng, văn phòng tiện nghi chính là nơi tiềm ẩn cho các loại vi khuẩn gây hại cho sức khỏe phát triển.

Các dấu hiệu mệt mỏi, đau nhức xương, đau đầu, hắt hơi, mỏi mắt, khô ngứa da... bắt đầu xuất hiện từ đây. Mặc dù những triệu chứng này sẽ mất khi người bệnh ra khỏi "môi trường kín", nhưng về lâu dài nếu không giải quyết tận gốc, tức là làm sạch môi trường sống, lưu thông khí trong phòng, thì những biểu hiện trên sẽ trở thành bệnh lý bắt buộc phải điều trị lâu dài.

Tổ chức Y tế thế giới tổng kết, có ba yếu tố gây bệnh do "môi trường kín". Các chất độc hại từ khói thuốc, keo sơn tường, thảm nhà, máy photocopy, máy fax, vi tính, gỗ chế biến thuốc sát trùng, hóa chất xịt thơm... tạo ra khí độc CO2, radom, ozone, formaldehyd benzen, các hữu cơ bay hơi VOC cao dễ gây bệnh đường hô hấp. Hóa chất độc từ khói xe lọt và hệ thống thông khí trong các tòa nhà cao ốc. Các yếu tố sinh học như phấn hoa, vi khuẩn, virus và nấm mốc phát triển mạnh, đặc biệt ở trong ống thông khí, trần nhà, thảm nhà... gây sốt, đau tức ngực, đau nhức xương, khô họng, ho, viêm xoang.

Để phòng tránh các hội chứng trên, trước mắt các nhà kiến trúc cần chú ý thiết kế hệ thống thông khí nội thất có sự trao đổi luân chuyển không khí với môi trường bên ngoài. Miệng ống thông nên bố trí xa các bãi đỗ xe. Giữ cho bộ lọc không khí luôn khô và sạch. Phòng ở hay văn phòng luôn được đánh rửa sạch (trần nhà, tường nhà) hàng năm. Nơi sử dụng nên tránh tiếp xúc với tường mới sơn vì một số loại sơn có pha chì.

Các trang thiết bị như máy vi tính, photocopy, fax... trong phòng cần được bố trí theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất, đặc biệt là phải kê nơi thoáng gió và phải thường xuyên lau sạch bụi. Với những người thường sinh sống hay làm việc trong "môi trong kín", mỗi ngày cần dành ra một giờ để hít thở không khí trong lành bên ngoài, luyện tập thể thao hay tập các bài thể dục đơn giản nơi thoáng mát để những triệu chứng mệt mỏi, đau đầu, đau xương, nhức mỏi mắt... không còn là vấn đề nghiêm trọng.

Theo Tuổi Trẻ
  • 42
  • 1.251