Bí ẩn trên đường đua tốc độ

  •  
  • 2.017

Theo giả thuyết mới của chuyên gia Anh, chính cấu tạo siêu việt của cơ thể vận động viên là động lực cho thành công trên đường đua tốc độ.

Theo đó, tác động của tự nhiên là yếu tố cốt lõi khiến các kỷ lục thế giới được sinh ra trong mỗi kỳ thi đấu đỉnh cao của thế giới. Muốn trở thành nhà vô địch trên đường chạy, điều kiện tiên quyết là phải cao hơn và gầy hơn những người khác, theo phát hiện của giới chuyên gia.

Usain Bolt có thân hình hoàn hảo để chiến thắng
Usain Bolt có thân hình hoàn hảo để chiến thắng (Ảnh: Diamondleague-monaco)

Trước nay, giới khoa học luôn thắc mắc tại sao các kỷ lục trên đường chạy tốc độ luôn bị phá trong hết kỳ thế vận này đến kỳ thế vận khác. Để tìm ra lời giải cho vấn đề này, họ đã nghiên cứu những vận động viên ưu tú nhất và phát hiện: trên đường chạy 100m, các nhà vô địch cao và thon hơn những vận động viên khác. Điều này giúp giải thích tại sao Usain Bolt, cao 1m95, nặng 76 kg luôn giữ được chức vô địch đường đua 100m. Cựu vương của đường chạy 100m trước đó là Carl Lewis, người Mỹ, cao 1m88 và nặng gần 83 kg, cũng lập được kỷ lục thế giới trong thập niên 1990 với 10 huy chương vàng Olympic, nhưng thân hình của anh không hoàn hảo bằng Usain Bolt, theo đánh giá của giới chuyên gia. Có thể cũng vì vậy mà nhà vô địch người Jamaica mới xóa được 0,30 giây trong thành tích của chính Lewis. Bolt chỉ mất 9,58 giây để hoàn thành 100m.

Giáo sư Alan Neville, nhà thống kê sinh học của Đại học Wolverhampton (Anh) cho biết các vận động viên cao và gầy dành được lợi thế vì có thể nhanh chóng thải nhiệt khỏi cơ thể nhờ vào kích thước lớn của lớp da bề mặt, cho phép cơ bắp hoạt động căng thẳng trong thời gian lâu hơn.

Báo Telegraph dẫn lời ông Neville nhận xét rằng: “Hiện có chứng cứ rất rõ ràng cho thấy những người cao và gầy hơn ngày càng thành công trên đường chạy”. Thực tế hiện nay hoàn toàn đối lập với những năm trước, khi các vận động viên có khuynh hướng sở hữu thân hình to lớn và cơ bắp cuồn cuộn.

Theo Telegraph, Thanh niên
  • 2.017