Bí ẩn về kiệt tác trong hang động

  •  
  • 6.012

Năm 1875, trong hang động Altamira ở Tây Ban Nha, De Sotura đã phát hiện thấy nhiều công cụ đá lửa, xương động vật của thời đại đồ đá cũ và bức bích họa màu đen trên vách hang động.

Bốn năm sau, lần thứ 2 De Soture đến Altamira với hi vọng sẽ khai quật được nhiều cổ vật mới, lần này ông mang theo cả con gái mới lên 5. Khi ông còn khai quật trong hang động Altamira, con gái ông tự chơi một mình bỗng hoảng hốt hét lên: "Trâu! Trâu". Cái mà cô bé phát hiện chính là bức bích họa sau này nổi tiếng khắp thế giới ở hang động Altamira. Trên đỉnh hang động và vách hang động người ta vẽ đầy những loài động vật như: lợn rừng, trâu rừng, hươu rừng và ngựa rừng với các tư thế khác nhau. Bức bích họa đã được xem là bước khởi đầu của nền nghệ thuật hiện đại.

Hang động Altamira rất to lớn có chiều dài 400m. Được biết, hang động này do một dòng nước chảy sau nhiều năm bào mòn đá mà tạo nên. Bức bích họa nổi tiếng đó nằm bên trái của động có chiều dài 11m, rộng khoảng 5m, miêu tả tổng cộng hơn 170 hình tượng động vật với nhiều phong cách khác lạ. Đường nét của bức bích họa rất sống động, bố cục hợp lý, màu sắc tươi đẹp. Người họa sỹ tài hoa thời bấy giờ đã triệt để lợi dụng đặc trưng mặt mấp mô lồi lõm của nham thạch để biểu hiện sự thay đổi cơ thịt và bộ xương của động vật. Thủ pháp cao siêu của bức bích họa khiến mọi người phải trầm trồ thán phục.

Người họa sỹ tài hoa đã triệt để lợi dụng đặc trưng mặt mấp mô lồi lõm của nham thạch để biểu hiện sự thay đổi cơ thịt và bộ xương của động vật (Ảnh: polibea)

Năm 1880, De Sotura đã công bố bức bích họa Altamira trong cuốn "Giới thiệu sơ lược về di vật tiền sử ở tỉnh Santander". Ông cho rằng, niên đại của bức bích họa thuộc thời đại đồ đá cũ. Việc phát hiện và đưa ra lời kiến giải về bức bích họa của Sotura lập thức làm dấy lên cuộc tranh luận gay gắt trong giới học thuật. Cách nhìn nhận của Sotura đã được giáo sư người Pháp - Gogriel de Mortilet và nhà sinh vật học cổ Madrit Werlannova sống cùng thời ủng hộ. Nhưng đa số các nhà khoa học trong giới học thuật lại phản đối cách kiến giải của Sotura. Họ cho rằng, người nguyên thủy chưa thể có trình độ biểu đạt nghệ thuật cao siêu như vậy.

Một con hươu (Ảnh: rsta.pucmm)
Thậm chí có người còn chỉ trích Sotura là kẻ lừa đảo và họ nghi ngờ các bức họa ấy là ngụy tạo. Vì vậy, bức bích họa ở hang động Altamira sau khi được công bố tuy đã dấy lên một làn sóng tranh luận nhưng rồi nhanh chóng lắng xuống. Đến năm 1888, khi Sotura rời xa nhân thế trong lòng vẫn còn ôm sự hối tiếc vì phát hiện trọng đại của ông vẫn chưa được nhân loại thừa nhận.


Những kết quả nghiên cứu của ngành khảo cổ học hiện đại cho thấy, nhiều di chỉ hang động mà người nguyên thủy đã từng cư trú đều có di tích các bức bích họa nguyên thủy. Nội dung của bích họa vẫn chủ yếu là động vật như: ngựa rừng, trâu rừng, hươu rừng, sư tử, gấu, tà ngưu... Vì vậy, có người cho rằng, nghệ thuật hang động là nghệ thuật tượng hình vẽ về động vật. Người tiền sử vẽ miêu tả những loài động vật này có thể vì họ quan niệm chúng có một vai trò nào đó đối với họ. Một số loài động vật cung cấp cho họ nguồn thức ăn để tồn tại như ngựa rừng, trâu rừng hoặc có những lòai dã thú uy hiếp nghiêm tọng đến môi trường sinh tồn của họ như sư tử, gấu, hổ,... và cũng có loài động vật cung cấp vật phẩm để làm những đồ dùng không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của họ như ngà voi, sừng hươu,...

Bức bích họa "Trâu rừng bị thương" (Ảnh: kaliman)
Nếu xét từ kỹ xảo nghệ thuật thì trình độ nghệ thuật của người nguyên thủy còn rất thấp. Đa số các tác phẩm hội họa có đường nét thô kệch mất dấu, màu sắc không phù hợp. Thậm chí, nghệ thuật bích họa hang động chỉ cách đây hàng nghìn năm cũng có trình độ hội họa rất vụng về không thể đem so sánh với bức bích họa ở hang động Altamira. Do vậy, các học giả phương Tây luôn cho rằng, bức bích họa ở hang động Altamira là tác phẩm nghệ thuật giả của nhân loại trong những thế kỷ gần đây.

Có thể nói, bức bích họa "Trâu rừng bị thương" được vẽ trên đỉnh hang động là tác phẩm đạt nhất trong số những bức bích họa ở Altamira. Con trâu rừng này rất hung dữ, sau khi bị thương, toàn thân cuộn tròn thành một khối, 4 chân co giật, sừng nó cong vút, đuôi vung lên, tai dựng đứng. Thần thái của con trâu rừng rất có hồn và có tính nghệ thuật cao. Trạng thái trước khi chết vẫn còn hung dữ của con trâu đã được thể hiện một cách tinh tế khiến người ngày nay phải trầm trồ thán phục trình độ nghệ thuật cao siêu của các nghệ thuật gia nguyên thủy.

Trong hang động Altamira, ngoài các tác phẩm miêu tả chân thực còn có nhiều hình vẽ trìu tượng. Ở đây có những hình phác họa bằng các nét vẽ thô kệch màu đen, có hình là đồ họa bằng màu sắc dịu nhưng rất đậm, một số chỗ khiến người xem hoa cả mắt. Người ta dự đoán, các hình vẽ này muốn bày tỏ khát vọng chinh phục dã thú của nhân loại. Có thể chúng có liên quan đến tín ngưỡng tôn giáo trong săn bắn của người nguyên thủy.

Khách tham quan thưởng thức nghệ thuật bức bích họa (Ảnh: centros3)


Tuy nhiên, điều khiến người ta khó hiểu là, các cư dân nguyên thủy cư trú ở hang động Altamira làm sao có thể sáng tạo được một thành tựu nghệ thuật huy hoàng như vậy? Cho đến nay, người ta vẫn chưa tìm được câu trả lời thỏa đáng. Được biết, hang động Altamira hàng ngày chỉ hạn định đón tiếp 35 khách tham quan, thậm chí còn phải đặt kế hoạch trước. Chúng ta tin rằng, cùng với sự phát triển của khoa học và nhiều phát hiện mới của ngành khảo cổ, nhất định sẽ khám phá được bí ẩn về bức bích họa ở hang động Altamira. 

Một số hình ảnh trong hang động Altamira


(Ảnh: uned)


(Ảnh: grupos.unican)


(Ảnh: tamabi)


(Ảnh: grupos.unican)

H.T (theo Nền văn minh cổ thế giới)
  • 6.012