Bí mật về chuyên cơ của các nguyên thủ (1)

  •  
  • 4.101

Mỗi chiếc máy bay khi làm nhiệm vụ chở những người đứng đầu nhà nước, chính phủ hay hoàng gia đều được coi là chuyên cơ. Những chiếc máy bay có trang bị rất đặc biệt và luôn nhận được quyền ưu tiên số một ở mọi nơi trên thế giới.

Chiếc Air Force One đang bay ngang qua đỉnh Rushmore, nơi có những bức tượng khổng lồ các tổng thống Mỹ tạc vào núi.

Chiếc Air Force One đang bay ngang qua đỉnh Rushmore, nơi có những bức tượng khổng lồ các tổng thống Mỹ tạc vào núi. (Ảnh: US Air Force)

Chuyên cơ của tổng thống Mỹ

Hiện người đứng đầu Nhà Trắng sử dụng hai chiếc Boeing 747-200B đã được cải biến và mang số hiệu quân sự là VC-25A. Theo quy định, tín hiệu liên lạc của bất cứ chiếc máy bay nào đang chở tổng thống Mỹ đều có chữ One (Số một).

Do đó máy bay phản lực đi đường dài của lãnh đạo Mỹ được gọi là Air Force One, còn trực thăng cho nguyên thủ này công du ngắn thì được gọi là Marine One. Cũng chính vì nghĩa này mà chiếc ôtô đặc chủng của ông có tên là Cadillac One.

Mỗi lần Air Force One cất cánh đều được coi là đang thực thi một nhiệm vụ quân sự. Chiếc máy bay được chính phủ đặt hàng hãng Boeing chế tạo riêng, có khả năng phòng thủ cao nhờ các thiết bị chống tên lửa gắn kèm.

Hệ thống thông tin liên lạc trên Air Force One cũng cực kỳ hiện đại và có tính bảo mật tuyệt đối, giúp tổng thống Mỹ có thể điều hành công việc bình thường khi đang ở độ cao 13 km. Trên máy bay có 87 đường điện thoại khác nhau, trong đó có 28 đường tuyệt mật được mã hóa.

Tổng thống Mỹ đầu tiên sử dụng Air Force One là John Kennedy với một phiên bản của chiếc Boeing 707. Hai chiếc đang phục vụ nhà lãnh đạo Mỹ hiện nay là phiên bản của loại Boeing 747 có kích thước lớn hơn. Trên mỗi chiếc đều sơn cờ Mỹ ở phần đuôi và chữ United States of America (Hợp chủng quốc Hoa Kỳ) ở phần thân.

Tổng thống Mỹ George Bush cùng Thượng nghị sĩ Johny Isakson trên chiếc Air Force One.

Tổng thống Mỹ George Bush cùng Thượng nghị sĩ Johny Isakson trên chiếc Air Force One. (Ảnh: Wikipedia)

Một số thông số chính của Air Force One: Phi hành đoàn 26 người (3 phi công còn lại là tiếp viên), dài 70,4 m, cao 19,4 m (tương đương hơn tòa nhà 5 tầng), sải cánh 59,6 mét, tốc độ tối đa 1.015 km/h, bay liên tục không phải tiếp dầu 12.550 km và trần bay là 13.700 m.

Trên chiếc Air Force One, nhân vật VIP được bố trí ngồi phía trước, tiếp đến là các trợ lý và phía sau cùng là các phóng viên tháp tùng. Máy bay có hai phòng bếp lớn sẵn sàng phục vụ khách vào mọi thời điểm. Khi không phục vụ, Air Force One nghỉ đỗ tại căn cứ không quân Andrews, bang Maryland, cách Nhà Trắng không xa.

Chuyên cơ của Trung Quốc

Công tác vận chuyển bằng đường không đối với chủ tịch hoặc các quan chức cao cấp của chính phủ Trung Quốc thì do hãng hàng không quốc gia Air China đảm trách.

Một chiếc Boeing 747-400 thường được sử dụng để phục vụ các chuyến công du xa của nhà lãnh đạo Bắc Kinh. Khi thực hiện những chuyến đi có độ xa trung bình thì một chiếc Boeing 767 được huy động, còn các chuyến công du gần đã có một chiếc Boeing 737-800 sẵn sàng.

Một chiếc Boeing 767-300ER của Air China.

Một chiếc Boeing 767-300ER của Air China.
(Ảnh: Airliners)

Chính phủ Trung Quốc từng đặt mua một chiếc Boeing 767-300ER cho Chủ tịch Giang Trạch Dân sử dụng năm 2000. Nhưng một năm sau xảy ra vụ rắc rối mang tính quốc tế liên quan đến chiếc máy bay này. Trung Quốc tuyên bố họ phát hiện có 27 con bọ điện tử nghe lén cài bên trong máy bay.

Bắc Kinh khi đó tin rằng chiếc máy bay hai động cơ này đã bị CIA gài bọ điện tử trong thời gian nó trải qua quá trình hoán chuyển để trở thành chuyên cơ tại San Antonio, bang Texas. Các máy nghe lén được giấu dưới các ghế ngồi, phòng vệ sinh và sàn máy bay.

Nhưng CIA và cả tổng thống Mỹ đều tuyên bố khẳng định họ không hề hay biết gì về thiết bị nghe lén nói trên. Có 22 sĩ quan quân đội và quan chức Trung Quốc giám sát việc chuyển đổi máy bay đã bị bắt vì cáo buộc tội tắc trách và ăn hối lộ.

Chiếc máy bay nói trên do hãng Boeing chế tạo và giao cho hãng hàng không Mỹ Delta Airlines tháng 6/2000 theo đơn đặt hàng. Ngay sau đó nó được bán lại cho Trung Quốc để hoán chuyển thành chuyên cơ chở lãnh đạo.

Nhiều nhà ngoại giao lo ngại sự kiện liên quan đến máy nghe trộm sẽ ảnh hưởng xấu tới mối quan hệ Trung - Mỹ và danh tiếng của hãng Boeing ở thị trường đông dân nhất thế giới. Tuy nhiên, sau vụ rắc rối mối quan hệ song phương vẫn tốt đẹp và Trung Quốc quyết định mua chiếc Boeing 767-300ER.

Nhưng chiếc máy bay này không bao giờ được sử dụng làm chuyên cơ cho lãnh đạo nữa. Nó được thiết kế trở lại như máy bay tiêu chuẩn ban đầu và giao cho hãng hãng hàng không Air China khai thác như một máy bay chở khách thông thường.

Máy bay của tổng thống Nga

Chiếc chuyên cơ Ilyushin Il-96-300 đang chở Tổng thống Nga Vladimir Putin hạ cánh xuống sân bay Munich, Đức

Chiếc chuyên cơ Ilyushin Il-96-300 đang chở Tổng thống Nga Vladimir Putin hạ cánh xuống sân bay Munich, Đức, hôm 11/10/2006. (Ảnh: Airliners)

Hoạt động đi lại bằng máy bay của tổng thống do Công ty vận tải quốc gia Nga (Russian State Transport Company) phụ trách. Cơ quan này điều hành hai chiếc Ilyushin Il-96-300 chuyên dành để vận chuyển người đứng đầu điện Kremlin.

Ilyushin Il-96 là loại máy bay thân rộng tầm xa 4 động cơ do Nga chế tạo và có một số phiên bản khác nhau. Chuyên cơ dành cho Tổng thống Nga Vladimir Putin hiện nay là phiên bản Ilyushin Il-96-300.

Một số thông số chính của chiếc Ilyushin Il-96-300: Dài 55,3 mét, sải cánh 60,11 mét, cao 17,5 mét, tầm bay 11.000 km (đủ sức bay thẳng từ Matxcơva tới các thành phố bên bờ biển phía tây nước Mỹ).

Chuyên cơ chở tổng thống Nga từng gặp một sự cố nghiêm trọng trong chuyến thăm Phần Lan tháng 8/2005. Chiếc Ilyushin Il-96-300 bị trục trặc tại bộ phận phanh, buộc Tổng thống Putin phải sử dụng máy bay dự phòng để về nước.

Sau sự cố trên, ngày 22/8/2005 Nga quyết định tạm ngừng khai thác tất cả những chiếc Ilyushin Il-96-300 cho đến ngày 3/10 để kiểm tra an toàn. Sự kiện này gây thiệt hại lớn về tài chính cho Aeroflot, hãng sở hữu 6 trên tổng số 13 chiếc máy bay loại này.

Các chuyên cơ của Nhật Bản

Một trong hai chiếc chuyên cơ Boeing 747-47C của Nhật Bản.

Một trong hai chiếc chuyên cơ Boeing 747-47C của Nhật Bản. (Ảnh: Airliners)

Nhật Bản sử dụng hai chiếc Boeing 747-47C chuyên dành cho thủ tướng, Nhật hoàng cùng hoàng hậu và các quan chức cao cấp của chính phủ đi lại. Lực lượng không quân thuộc Cục phòng vệ Nhật Bản phụ trách việc điều hành hai chiếc phi cơ đặc biệt này.

Những chiếc chuyên cơ đều được sơn dòng chữ "Nhật Bản" bằng tiếng Nhật và bằng tiếng Anh trên thân máy bay. Một vạch màu đỏ chạy ngang các cửa sổ máy bay từ phần mũi cho đến tận đuôi. Trên hai cánh máy bay và phần đuôi còn có hình biểu tượng mặt trời (Hinomaru).

Hai chiếc máy bay chuyên chở lãnh đạo Nhật đều nghỉ đỗ tại sân bay New Chitose gần Sapporo, nhưng chúng thường xuyên hoạt động tại sân bay Haneda ở Tokyo.

Máy bay chở thủ tướng Australia

Năm 2002, không quân Australia mua hai chiếc máy bay mới vốn được đặt hàng làm máy bay riêng cho các doanh nhân do hãng Boeing chế tạo. Loại máy bay gọi tắt là BBJ này được chuyển đổi từ phiên bản Boeing 737, trên đó các hàng ghế thông thường được thay bằng những chiếc bàn họp, phòng làm việc, phòng ngủ và hệ thống liên lạc bảo mật.

Nội thất một chiếc BBJ tương tự chuyên cơ của thủ tướng Australia.

Nội thất một chiếc BBJ tương tự chuyên cơ của thủ tướng Australia. Ảnh: Pjsgroup.

Australia dành hai chiếc máy bay trên để các quan chức cấp cao như thủ tướng, ngoại trưởng và toàn quyền đi công cán. Những chuyên cơ được hãng Boeing cải tiến giúp chúng có khả năng bay xa hơn so với các máy bay cùng loại. Thủ tướng John Howard thường sử dụng chiếc chuyên cơ này để đi lại trong và ngoài nước.

Chuyên cơ của Australia cũng luôn sẵn sàng được trưng dụng để phục vụ cho các thành viên trong gia đình hoàng gia Anh mỗi khi họ tới xứ sở của loài chuột túi. Mới đây nhất, Thái tử Anh Charles đã đi trên chiếc máy bay này năm 2005 và Nữ hoàng Elizabeth cũng từng sử dụng nó trong năm 2006.

Phi đội số 34 của không quân Australia phụ trách điều hành các chuyên cơ và đóng căn cứ tại Fairbairn, Canberra. Trước khi Australia mua hai chiếc BBJ trên, thủ tướng nước này thường bay trên những chiếc Boeing 707 được lực lượng không quân cải biến thành chuyên cơ. So với BBJ, loại Boeing 707 có kích thước nhỉnh hơn một chút.

Ngoài những chiếc Boeing, trong đội chuyên cơ chuyên dành cho các VIP của Australia còn có một đội máy bay Bombardier Challenger. Tất cả các chuyên cơ tại nước này khi làm nhiệm vụ chở toàn quyền Australia, thành viên gia đình hoàng gia Anh hay thủ tướng Australia đều được gọi bằng biệt danh Commonwealth One.

Đình Chính

Theo Vnexpress
  • 4.101