Bí quyết giúp các bà nội trợ mua dầu, bơ tốt

  •  
  • 842

Vừa qua, Giáo sư Grazyna Cichosz (Ba Lan) cho rằng "ăn bơ thực vật không chỉ không bổ béo gì mà còn hủy hoại cơ thể.”

Không nên lạm dụng bơ thực vật

Tại buổi tọa đàm “Sự thật về bơ, dầu thực vật” do báo Khoa học và Đời sống tổ chức sáng nay, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết: bơ thực vật được làm từ dầu thực vật. Dầu thực vật cung cấp cho cơ thể axit béo không no (omega-3 và omega-6). Trong đó, axit omega-3 sẽ giúp giảm huyết áp thể nhẹ và là tiền thân của những chất có lợi cho cơ thể. Axit omega-3 chiếm 0,5-1% nhu cầu năng lượng của con người và có nhiều trong dầu cá.

Còn axit omega-6 có nhiều trong dầu thực vật, chiếm 3-12% nhu cầu năng lượng cho cơ thể. Khi cơ thể có đầy đủ chất chống oxi hóa thì omega-6 đi vào sẽ làm giảm cholesterol. Nếu cơ thể thiếu hụt chất chống oxi hóa nó sẽ là con dao hai lưỡi, làm tăng nguy cơ tim mạch, ung thư… Do đó, nếu trong dầu thực vật, tỷ lệ hai chất này là bốn phần omega-3 và một phần omega-6 là hợp lý (tỷ lệ 4/1) thì có lợi cho cơ thể.

Còn Phó giáo sư, Tiến sĩ Phan Thị Sửu (Giám đốc Trung tâm kỹ thuật an toàn vệ sinh thực phẩm) thì cho rằng, dầu thực vật có thành phần là axit béo no và không no, trong đó axit béo không no giúp cơ thể hấp thu tốt hơn và có lợi hơn axit béo no.

So với dầu động vật, dầu thực vật chứa các loại axit béo không no cần thiết cho cơ thể nhiều hơn. Một số dầu thực vật như dầu đậu nành, ngô, vừng chứa khá nhiều vitamin E và K có lợi cho sức khỏe. Dầu ngô, vừng dùng để trộn xalát ăn rất tốt và không bị gia nhiệt nên không hao hụt các vitamin...

Các nhà khoa học cũng cho biết, hiện nay các nhà sản xuất thường dùng phương pháp hydro hóa dầu thực vật để tạo thành bơ thực vật. Đây là công nghệ có nguy cơ tạo thành axit béo xấu gây nguy hiểm cho con người.

“Các axit béo xấu này bền vững, làm tăng cholesterol xấu và giảm lượng cholesterol tốt trong máu, gây nguy cơ mắc bệnh xơ vữa động mạch và là nguyên nhân gây bệnh béo phì, ung thư…,” bà Sửu nói.

Bà Sửu “mách nước” cho các nhà sản xuất để tạo ra bơ thực vật an toàn bằng cách dùng một phần dầu thực vật đã hydro hóa và một phần dầu thực vật được este hóa thì lượng axit béo xấu sẽ ít hơn, chất lượng bơ sẽ tốt hơn.

Tuy nhiên, trước khi có quy định bắt buộc tới các nhà sản xuất, bà Sửu khuyến cáo trong bữa ăn hàng ngày nên dùng kết hợp giữa dầu thực vật, mỡ động vật, cá, bơ thực vật, rau quả. Không nên dùng bơ thực vật thường xuyên với số lượng nhiều, không ăn các loại thịt nướng, chiên, rán, thức ăn nhanh chứa nhiều chất béo và nên ăn nhiều cá, nhất là cá biển.

Sẽ quy định ghi chỉ tiêu trên nhãn hàng

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Thị Sửu cũng cho biết, bà vẫn dùng dầu thực vật trong bữa ăn hằng ngày của gia đình, song người nội trợ cần phân biệt dầu thực vật nào tốt và không tốt cho cơ thể.

Bà Sửu cũng khuyến cáo người tiêu dùng nên chọn mua các loại dầu thực vật lỏng chứa nhiều axit béo không no như dầu ôliu, mè (dầu vừng), ngô, hướng dương, đậu nành, cọ.

“Trong trường hợp, các nhà sản xuất trộn lẫn các loại dầu với nhau thì khi mua về, người tiêu đùng có thể thử bằng cách để dầu vào ngăn mát của tủ lạnh. Nếu chai dầu nào bị đông đặc hoặc tạo cặn thì chứng tỏ loại dầu đó có nhiều axit béo no, không tốt cho sức khỏe,” bà Sửu tư vấn.

Còn đối với những thực phẩm có sử dụng dầu, bơ thực vật như như bánh quy, bánh ngọt, khoai tây chiên…, bà Sửu cho rằng khi mua khách hàng cần cần để ý nhãn sản phẩm. Nếu thấy có ghi ‘Trans Fatty acids 0 gam’ hoặc ‘Trans Fat 2 gam’ thì đó là sản phẩm an toàn.

Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay có nhiều sản phẩm dầu, bơ thực vật không ghi rõ trên nhãn mác thành phần chất béo xấu. Bà Sửu kiến nghị cần bắt buộc các nhà sản xuất phải ghi rõ thông tin trên bao bì, nhãn mác sản phẩm.

Còn Phó Giáo sư Trần Đáng thì đề nghị, các nhà quản lý phải có những biện pháp lấy mẫu ngầm để phân tích và đánh giá nguy cơ, cũng như xử phạt doanh nghiệp không làm đúng quy định.

Về vấn đề này, bà Lê Việt Nga, Trưởng phòng Quản lý An toàn thực phẩm (Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ Công thương) cho hay, mỗi năm trong nước tiêu thụ khoảng 700.000 tấn dầu thực vật và 100.000 tấn bơ thực vật.

Bà Nga nói, công nghệ sản xuất bơ thực vật theo phương pháp hydro là công nghệ đã có từ lâu. Cùng với sự tiến bộ của công nghệ, các nhà khoa học đã tìm ra rằng sản xuất bằng công nghệ hydro sẽ tạo ra axit béo xấu không có lợi cho sức khỏe.

“Chúng ta đã vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nên phải có thống nhất thỏa thuận giữa các nước thành viên. Khi có đầy đủ bằng chứng khoa học việc sử dụng axit béo xấu này có vấn đề với sức khỏe con người và qua đánh giá rủi ro của Bộ Y tế, yêu cầu doanh nghiệp ghi nhãn phải có hạn mức nhất định đối với chỉ tiêu này thì chúng ta sẽ dùng quy chuẩn kỹ thuật để buộc các doanh nghiệp phải làm theo,” bà Nga nói.

Được biết, thời gian tới, một đoàn công tác của Việt Nam do Bộ Y tế chủ trì sẽ sang Malaysia họp bàn với nhóm công tác ASEAN về tiêu chuẩn về các chỉ tiêu, trong đó có chỉ tiêu axit béo xấu của dầu thực vật./.

Theo Vietnam+
  • 842