Bí quyết sử dụng máy ảnh dưới nước

  •  
  • 304

Để lưu giữ những hình ảnh đẹp dưới biển cả hay bể bơi, người chụp cần chọn máy chuyên dụng, vỏ bọc chịu áp lực và học vài mẹo hiệu chỉnh ánh sáng.

Dùng vỏ bọc tăng sức chịu đựng áp lực cho máy

Dù máy ảnh chịu nước có vỏ nhựa bảo vệ, việc chụp dưới những độ sâu khác nhau không phải dễ dàng. Ở độ sâu 10 mét, áp lực xung quanh máy tăng gấp đôi so với mặt nước, khiến các nút bấm có chức năng giải phóng áp lực này làm việc khó khăn. Do đó, người sử dụng cần trang bị thêm vỏ bọc để xuống sâu hơn.

"Phần lớn các hãng sản xuất máy ảnh chịu nước đều cung cấp vỏ bọc chuyên dụng cho nhiều mẫu máy ảnh số với giá khá rẻ, khoảng 200 USD", Stephen Frink, một nhiếp ảnh gia hàng đầu thế giới về chụp ảnh dưới nước, cho biết. "Nó sẽ hỗ trợ thiết bị lặn xuống độ sâu 40 mét". 

Vỏ Marine Pack cho Cyber-shot của Sony. Ảnh: Imaging-resource.

Nikon từ năm 1963 đã giới thiệu dòng máy Nikono mà sau này thành tiêu chuẩn cho lĩnh vực chụp dưới nước và họ ngừng sản xuất sản phẩm này vào năm 1984 với bản Nikono V. Nhưng sau đó, họ vẫn dùng cái tên Nikono cho các loại vỏ bọc cho dòng Coolpix của hãng. Còn Sony cũng cung cấp vỏ Marine Pack cho dòng máy Cyber-shot.

Chọn máy ảnh thích hợp

Đầu năm, hãng Olympus và Pentax giới thiệu mẫu máy ảnh chuyên chụp dưới nước mới. Olympus Stylus 770 SW có cảm biến 7,1 megapixel, chụp được dưới độ sâu 10 mét cùng bộ phận cảnh báo khi xuống quá khoảng cách cho phép, giá 380 USD. Optio A30 của Pentax 7 megapixel xuống được độ sâu 3 mét, giá 300 USD.

ViviCam 6200W của hãng Vivitar cũng ra mắt thị trường vào tháng 3 với cảm biến 6 megapixel, chụp được dưới độ sâu 10 mét, giá 230 USD. Tuy nhiên, thiết bị này thiếu đèn flash tích hợp.

Các mẹo hiệu chỉnh

Hai điểm cần hiệu chỉnh khi chụp dưới nước là ánh sáng và tốc độ.

Về mặt ánh sáng dưới nước, đèn flash có thể hỗ trợ khôi phục phần lớn màu sắc tự nhiên nhưng các thiết lập về năng lượng và khoảng cách sẽ hạn chế phần nào. Do các phân tử nước tập hợp dày đặc gấp 600 lần so với không khí, người chụp phải cần đến ánh sáng rất mạnh để lấy được hình ảnh rõ nét của đối tượng, dù chỉ cách máy 1 mét. Vì vậy, nên dùng thêm nguồn sáng ngoài là các loại đèn dưới nước.

Theo Frink, độ trễ của cửa trập là thời gian giữa lúc người chụp thả cửa trập và khi máy ảnh thực sự ghi lại hình. Các máy ảnh du lịch ngắm-chụp (point-and-shoot) đời mới đều giảm độ trễ này xuống mức thấp nhất nhưng vẫn không thể nhanh bằng dòng máy kỹ thuật số ống kính rời D-SLR. Do đó, nếu cá bơi nhanh quá, người chụp cần phản ứng mau lẹ để bắt được khoảnh khắc thú vị nhất.

Frink cho rằng bí quyết của ông là: Nếu ảnh không tốt nghĩa là người chụp chưa tiếp cận đủ gần.

Theo PC World, VnExpress
  • 304