Biến đổi khí hậu, thế giới tranh giành tài nguyên

  •  
  • 620

Nguy cơ xảy ra xung đột và tranh giành các nguồn tài nguyên sẽ trở nên khốc liệt hơn do hậu quả của tình trạng biến đổi khí hậu Trái đất. Lời cảnh báo này được đưa ra trong một báo cáo của Liên minh châu Âu (EU), dự kiến được thảo luận tại cuộc họp thượng đỉnh của khối này tại Brussels từ hôm nay (13-3).

Trong báo cáo được nhật báo Anh Guardian giới thiệu, những người thực hiện đã vẽ ra một tương lai u ám do hậu quả của biến đổi khí hậu Trái đất. Họ tiên đoán khả năng xung đột toàn cầu khi các nước tranh giành các nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt còn lại. Ngoài ra, tình trạng thiếu nguồn nước cũng có thể gây ra nội chiến và dẫn đến những thiệt hại lớn về kinh tế, thậm chí đối với cả những nước có nền kinh tế phát triển nhanh.

Trong bản báo cáo đã nêu, các tác giả bày tỏ sự quan ngại đặc biệt về hậu quả của biến đổi khí hậu ở Bắc cực, cảnh báo tình trạng bất ổn an ninh thế giới, đặc biệt tại châu Âu, khi các nước đổ xô đi tìm các mỏ dầu trong vùng biển Bắc cực. Báo cáo của EU nhắc lại các động thái tích cực của Nga từ năm ngoái sau khi gửi các tàu thám hiểm tới Bắc cực và sau đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã vinh danh một trong những nhà thám hiểm này như anh hùng.

Tổng thống Uzbekistan Islam Karimov và Thủ tướng Nhật Junichiro Koizumi trong chuyến viếng thăm Uzbekistan vào cuối tháng 8-2006 - (Ảnh: uza.uz)

Theo báo cáo, "có những hậu quả tiềm tàng cho ổn định quốc tế và an ninh châu Âu". Khi mà băng tan nhanh ở đỉnh cực sẽ mở ra những tuyến đường giao thương quốc tế, và việc tiếp cận thuận lợi hơn với các nguồn tài nguyên ở vùng cực đang thay đổi tình hình địa chính trị khu vực. Báo cáo cho biết một hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng tới ở Bucharest sẽ lần đầu tiên bàn về khả năng sử dụng NATO như một công cụ bảo đảm cho an ninh năng lượng châu Âu.

Trong tình hình này, một số quốc gia đã có chiến lược xoay xở để tìm kiếm thêm các nguồn tài nguyên, năng lượng.

Những năm gần đây, Nhật thực hiện lộ trình tiếp cận Trung Á hết sức tích cực. Tiếp theo chuyến thăm Trung Á năm 2006 của Thủ tướng Junichiro Koizumi, các quan chức cấp cao khác trong chính quyền Tokyo cũng đã đi thăm một số nước Trung Á như Uzbekistan và đạt được thỏa thuận tìm kiếm các mỏ kim loại quí ở quốc gia này.

Quá trình hợp tác, đối thoại giữa Nhật với các nước GUAM (gồm Gruzia, Ukraine, Azerbaijan và Moldova) đã được thiết lập, khởi động bằng các hoạt động giao lưu chính trị và dân sự, trong đó có việc đẩy mạnh hoạt động du lịch. Hoạt động chính trị sẽ được thực hiện trên cơ sở thực hiện "ngoại giao tài nguyên" thông qua việc Nhật tìm kiếm nhiều thỏa thuận hợp tác kinh tế với các nước Trung Á. Đây có thể xem là một cuộc chạy đua giữa Nhật Bản với Mỹ, Trung Quốc và Nga trong việc thắt chặt quan hệ với khu vực giàu tài nguyên Trung Á.

Trong cuộc họp đầu tiên với tân Tổng thống Lee Myung Bak, Bộ Ngoại giao và thương mại Hàn Quốc - đất nước phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn dầu khí nhập khẩu - đã đưa ra kế hoạch triển khai chính sách ngoại giao thực dụng nhằm khôi phục nền kinh tế đất nước. Theo đó, bộ này sẽ thiết lập một "vành đai hợp tác năng lượng" với các nước có trữ lượng dầu mỏ lớn như Nga, các quốc gia thuộc các khu vực Trung Á, Mỹ Latin và Đông Nam Á.

Chính phủ Hàn Quốc đặt kế hoạch trong sáu tháng đầu năm nay sẽ tổ chức cuộc họp giữa Tổng thống Lee với các đối tác nước ngoài để thảo luận vấn đề hợp tác năng lượng. Vào tháng năm tới, Chính phủ Hàn Quốc sẽ thành lập một cơ quan hợp tác kinh tế với các nước châu Phi và khu vực Trung Á. 

NG.THANH

Theo Tuổi trẻ
  • 620