Bình minh tuyệt đẹp ở Nam Cực

  •  
  • 2.692

Mặt trời lặn bên trong cơn bão khổng lồ, bình minh tuyệt đẹp tại Nam Cực,… là 3 trong số loạt ảnh với những câu chuyện khoa học qua ảnh đáng nhớ tuần qua.

Mặt trời mọc

Cơn bão nhiệt đới có tên Isaac đang tấn công vào vùng biển Caribean và được dự đoán có thể mạnh lên rất nhiều khi tiến về phía bang Florida khu vực đông nam nước Mỹ. Trước đó, nó đã càn quét đảo quốc Haiti vào hôm thứ 7 (25/8). Bức ảnh mặt trời lặn trong cơn bão do nhóm nghiên cứu thuộc Cơ quan Quản lý Đại dương và Khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA) chụp lại khi đi qua cơn bão Isaac trên chiếc máy bay được trang bị đặc biệt để thu thập dữ liệu.

Các nhà nghiên cứu đã công bố một kĩ thuật mới nhằm chống lại sự nóng lên toàn cầu bằng cách bơm nước muối vào bầu trời. Theo đó, những con tàu chuyên dụng sẽ làm nhiệm vụ bắn các hạt muối nhỏ vào không khí trên đại dương, tạo ra nhiều đám mây lớn và kéo dài phản chiếu ánh sáng mặt trời trở lại không gian, từ đó làm mát Trái đất.

Tại khu rừng hẻo lánh trên hòn đảo Sulawesi ở Indonesia, các nhà khoa học đã phát hiện ra một loài chuột mới có tên Paucidentomys vermidax hoàn toàn không có răng hàm. Đây cũng là loài gặm nhấm duy nhất trong thế giới tự nhiện mang đặc điểm kỳ lạ này. Vì không thể nhai hay nghiền thức ăn nên chúng chỉ ăn giun đất. Chiếc mũi dài chính là sự phát triển nhằm thích nghi với cách kiếm ăn đó.

Bán đảo Nam Cực, khu vực chìa ra ngoài khoảng 1610km tính từ cạnh sườn phía tây của lục địa lạnh, là một trong những nơi có mức độ nóng lên nhanh nhất trên Trái đất. Trong vòng 50 năm qua, nhiệt độ đã tăng khoảng 2 độ C. Đây là mức tăng rất bất thường, chưa từng xảy ra trong lịch sử.

Các nhà khoa học đã khám phá ra thành phần phân tử ở khu vực trung tâm thiên hà của chúng ta, với các đám mây phân tử lớn, dày đặc và hỗn loạn nhất trong Dải Ngân hà. Nhóm chuyên gia nghi ngờ đây là một lỗ đen siêu lớn, gấp khoảng 4 triệu lần khối lượng mặt trời. Nơi đây tập trung rất nhiều loại khí, tạo điều kiện thuận lợi cho sự hình thành ngôi sao. Để tìm hiểu thêm, họ đã sử dụng kính thiên văn radio xây dựng bản đồ chi tiết về nhiệt độ và mật độ các đám mây trung tâm dải Ngân hà.

Mèo vốn vẫn thường bị coi là loài đen đủi. Bên cạnh quan niệm cho rằng mèo đen là sứ giả của ma quỷ, người ta còn truyền tai nhau lời đồn đại về cái chết của nhiều đứa trẻ sơ sinh do bị những con mèo hút hết hơi thở. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo chúng ta nên biết rằng khoa học hiện đại đã chứng minh những em bé dù đang khỏe mạnh nhưng cũng có thể chết đột ngột mà không tìm ra bất kỳ nguyên nhân nào, đó được gọi là hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh.

Vào buổi sáng tinh mơ ngày 12/8, bác sĩ Alexander Kumar đã leo lên trên mái của trạm nghiên cứu Concordia và nhìn thấy một bầu trời màu mật ong tuyệt đẹp ở phía đông Nam Cực. Đây là những tia sáng mặt trời đầu tiên xuất hiện tại khu vực này trong vòng hơn ba tháng qua.

Sau khi tàu thám hiểm Curiosity hạ cánh thành công, nó đã liên tục gửi về Trái đất những hình ảnh đầu tiên của Sao Hỏa. Trong bức ảnh là hố Gale Crater rộng154km nằm ở tọa độ 5,4 độ vĩ nam và 137,9 độ kinh đông, được chụp bằng chiếc máy ảnh Stereo phân giải cao (HRSC) của Mars Express, với độ phân giải lên tới 100 mét mỗi điểm ảnh. Các chi tiết đầy màu sắc tạo thành dựa trên một mô hình kỹ thuật số với những dữ liệu hình ảnh ba chiều.

Vào ngày 24/8 của 20 năm về trước, cơn bão Andrew đã tràn vào bờ biển Florida gây ra những thiệt hại vô cùng nặng nề về người và của cho nước Mỹ, thậm chí còn phá hủy cả các công cụ thời tiết đo lường sức mạnh của nó. Andrew mang theo những cơn gió với tốc độ ít nhất là 285 km/h. Hình ảnh trên cho thấy quá trình phát triển khủng khiếp của nó bắt đầu từ ngày 23/8/1992 (bên phải) đến ngày 24/8 (ở giữa) và ngày 25/8 (bên trái).

Theo Đất Việt, Livescience
  • 2.692