Bình Thuận: Cần nhân rộng mô hình trồng rừng chống cát bay

  •  
  • 1.813

Từ 1986, tỉnh Bình Thuận đã triển khai dự án trồng 120 héc-ta phi lao trên đất cát di động ở khu vực xã Chí Công, huyện Tuy Phong. Trải qua nhiều mùa khô nóng và gió cát, nhưng những cánh rừng phi lao xung kích ấy vẫn kiên trì đứng vững và bước đầu đã hạn chế được nạn cát bay. Tuy nhiên, từ đó đến nay, công tác trồng rừng phòng hộ ven biển của tỉnh này gần như giẫm chân tại chỗ.

Đồi cát Bình Thuận (Ảnh: ibiblio.org)

Được sự giúp đỡ nhiệt tình của các nhà khoa học ngành lâm nghiệp, tỉnh Bình Thuận đã chủ động đề ra các giải pháp kỹ thuật chinh phục cát di động; ưu tiên đầu tư các công trình, dự án trên lĩnh vực lâm nghiệp, làm tăng diện tích rừng phòng hộ cho sản xuất nông nghịêp, phòng chống cát bay, chống thoái hoá đất, ngăn mặn... góp phần ổn định đời sống nhân dân. Tỉnh cũng đã đặt ra mục tiêu chinh phục có hiệu quả nạn cát bay trong vùng dự án có diện tích tự nhiên 35.000 héc-ta thông qua giải pháp trồng 5.000 héc-ta rừng chống cát di động bằng các loại cây như phi lao, keo, xoan chịu hạn, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, ổn định cuộc sống bền vững của nhân dân và tạo ra một khối lượng sản phẩm từ rừng trồng.

Với một hệ thống các biện pháp kỹ thuật đã tỏ ra hữu hiệu trong việc trồng rừng chống cát di động vùng nóng hạn được đúc kết từ thực tiễn, tỉnh Bình Thuận hoàn toàn có khả năng trồng rừng, tăng độ che phủ, cải tạo môi trường, chắn cát bay, bảo vệ đất, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi... tạo việc làm ổn định cho nhân dân vùng biển. Nhưng không hiểu sao công tác trồng rừng phòng hộ ven biển tại tỉnh này không được triển khai nhân rộng. Được biết, dự án trồng rừng chống cát bay tại 2 huyện Tuy Phong và Bắc Bình được ngành nông nghiệp tỉnh triển khai trong 3 năm 2005-2007 cũng chỉ có qui mô 300 héc-ta. Có ý kiến cho rằng cái khó của việc trồng rừng chống cát bay tại tỉnh Bình Thuận là do kinh phí?

Với diện tích đất cát ven biển khoảng trên 100.000 héc-ta trải dài trên 200 kilômét bờ biển của tỉnh Bình Thuận, trong đó, đất cát hoang hoá ven biển, đồi cát di động ở hai huyện Tuy Phong và Bắc Bình trải dài trên gần 50 kilômét với gần 35.000 héc-ta. Vào mùa khô hằng năm (từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau) thường xảy ra những cơn bão cát dữ dội với tốc độ gió trên 16 mét/giây, nhiều khi lên đến 25 mét/giây đe doạ chôn vùi làng mạc, ruộng đồng, đường giao thông trên phạm vi rộng hàng chục ngàn héc-ta tạo nên nạn hoang mạc hoá vùng nội địa bên trong và có nguy cơ bay phủ lấp đường Quốc lộ 1 A (khu vực xã Chí Công, huyện Tuy Phong) và hiện tượng sa mạc hoá là tai ương sinh thái khó tránh khỏi nếu không có những biện pháp thật tích cực nhằm chặn đứng hiểm hoạ này.

Chính vì vậy, công tác trồng rừng phòng hộ bảo vệ môi trường vùng nóng hạn ở 2 huyện Tuy Phong và Bắc Bình là rất cần thiết, trước hết phải chinh phục có hiệu quả 5.000 héc-ta cát di động trong toàn vùng. Đây là yêu cầu bức thiết đặt ra cho chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Thuận trong thời gian tới.
 
Nguyễn Đức Ánh - MonreNet

Theo Thiên nhiên Việt Nam
  • 1.813