'Bón phân' cho biển Việt Nam?

  •  
  • 762

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang nghiên cứu khả năng rải bột sắt - thường được biết đến như biện pháp kích thích sự phát triển của thực vật dưới biển - lên bề mặt biển Việt Nam.

Thông tin này được tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục biển và hải đảo, thuộc bộ nói trên, cho biết hôm qua.

Trên thế giới, việc rải bột sắt lên biển được gọi là “bón phân” cho đại dương (ccean fertilizing), nhằm phục hồi vành đai xanh, kích thích sự phát triển của thảm thực vật dưới biển, bao gồm hệ thực vật phù du, rong biển, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn.

Rải bột sắt lên bề mặt biển để kích thích sự phát triển của thực vật phù du và thu giữ lượng CO2 trong khí quyển. (Ảnh: ĐH Portsmouth/Sciencedaily)
Theo ông Hồi, nếu kết quả nghiên cứu khả năng này là tốt, sẽ đề nghị áp dụng cho Việt Nam trong thời gian sớm nhất. Giai đoạn thử nghiệm nên áp dụng thử với cỏ biển, rong biển. Vì bên cạnh ý nghĩa môi trường, còn có ý nghĩa kinh tế, như rong biển là đối tượng xuất khẩu của thủy sản; cỏ biển có thể làm phân bón, thảm, đệm.

Theo các nhà khoa học trên thế giới, thực vật phù du hàng năm đã giúp giảm hơn 50 tỷ tấn cacbon thông qua việc hấp thụ khí cacbonic (CO2), một loại khí góp phần gây nên hiện tượng nóng lên của trái đất.

Hệ sinh thái đại dương có thể thu giữ lượng cacbonnic đến 30%. Các nhà khoa học đã nghiên cứu thử nghiệm ở Nam Cực về việc “bón phân” cho đại dương, bằng việc rải một số dạng đồng vị sắt, nhôm lên bề mặt. Kết quả cho thấy, vi chất sắt thực sự có tác dụng thúc đẩy sự sinh sôi của thực vật phù du.

Tuy nhiên ông Hồi lưu ý rằng việc bón phân cho đại dương cũng có thể có những hệ quả phụ, như làm phát triển quá mức hệ phù du, bùng phát tảo độc.

Vì thế biện pháp “bón phân” cho đại dương đang gây nhiều tranh cãi cho giới khoa học. Nhiều nhà khoa học cho rằng sự tích tụ của sắt dưới đại dương đã kích thích sự phát triển của tảo và những sinh vật phù du khác phù du khác. Những sinh vật này hấp thu khí CO2 để phát triển, và như vậy có lợi cho bầu khí quyển của chúng ta.

Nhưng một số nhà khoa học khác lại chỉ ra rằng, chính sự bổ sung sắt vào đại dương có thể kích thích tảo tạo ra một chất độc với thần kinh. Các loài nguyễn thể và một số động vật khác khi ăn tảo vào sẽ bị nhiễm độc.

Theo VnExpress
  • 762