Cá chết ở Hồ Gươm: "Cứ để thiên nhiên tự điều chỉnh"

  •  
  • 1.975

Trong khi nhiều người cho rằng Hồ Gươm đã ô nhiễm nặng, GS. Hà Đình Đức - người gắn bó mật thiết với hồ này giải thích, cá chết là hiện tượng tự nhiên; chưa nên kết luận vội về môi trường sinh thái Hồ Gươm và chưa cần can thiệp. 

- Là người gắn bó đã lâu với Hồ Gươm, GS nhận định thế nào về hiện tượng cá chết hàng loạt mấy ngày qua?

Tôi chỉ nghĩ đó là do tự nhiên. Cá chết được phát hiện nhiều nhất trong ngày 24/7. Tuy nhiên, hai ngày sau đó, theo thị sát của chúng tôi, tình trạng này đã giảm mạnh. Đến ngày 26, lượng cá chết tại hồ hầu như đã không còn Chúng tôi vẫn đang trong quá trình nghiên cứu để tìm ra nguyên nhân và khắc phục hậu quả này.

- Nhiều người nói cá chết là do nước Hồ Gươm ô nhiễm quá nặng. Và đó có thể cũng là nguyên nhân chính dẫn đến việc trước đây, rùa Hồ Gươm nổi lên nhiều...

Muốn khẳng định hồ có ô nhiễm hay không, cần phải kiểm tra và thẩm định lại nồng độ các chất ô nhiễm trong nước. Ít nhất, chúng tôi phải kiểm tra lại 20 trong 31 thông số tiêu chuẩn để đánh giá chất lượng nước mặt. Hiện nay, chưa có đủ chứng cứ để có thể khẳng định nước hồ bị ô nhiễm nặng được. Còn việc rùa nổi lên thì đó là do tự nhiên, không thể dựa vào đó mà bảo nước hồ ô nhiễm. Ở dưới đáy bùn quá lâu, rùa cũng phải nổi lên kiếm thức ăn và lấy oxy chứ. Đấy là quy luật tự nhiên. Nếu ai muốn đánh giá khoa học thì cần phải có chứng cứ cụ thể, không thể kết luận bừa bãi được.

- Có phải nguyên nhân đã được khẳng định là do thiếu oxy trầm trọng? Và tại sao nước hồ lại thiếu oxy, thưa GS?

Xác cá trên mặt Hồ Gươm (Ảnh chụp chiều 28/7/2008). Ảnh: Lệ Cẩm

Đúng, đó là một nguyên nhân. Trong ngày 24/7, nồng độ DO (nồng độ oxy hòa tan trong nước) trong nước ở Hồ Gươm được xác định ở 4 điểm dao động từ 0,25 - 0,95, tức là dưới 1. Trong khi đó, theo tiêu chuẩn chất lượng nước mặt, nồng độ DO cho phép đối với nước không phải nước sinh hoạt là từ 2 trở lên. Như vậy, mức DO tại Hồ Gươm ngày 24/7 thấp vượt quá mức nguy hiểm khiến cá ngạt và chết quá nhiều. Tuy nhiên, đến ngày 25 và 26, khi tiến hành đo lại ở 7 điểm khác nhau, chúng tôi thấy nồng độ DO lại trở về mức cho phép, chỉ có duy nhất một điểm độ DO dưới 1.

Ban đầu, chúng tôi nhận định, việc thiếu oxy có thể do hai nguyên nhân. Trước tiên là do tồn dư các chất hữu cơ bị oxy hóa nặng trong những ngày nắng to trước. Nguyên nhân thứ hai, sự hoạt động của tảo dưới đáy hồ quá mạnh, dẫn đến việc tảo hút hết oxy trong nước. Hiện mực nước ở hồ quá nông. Theo kết quả đo mới đây nhất của chúng tôi, mực nước sâu nhất trong Hồ Gươm xấp xỉ ở mức 1m60. Như vậy, việc cạn nguồn oxy trong nước là điều dễ hiểu. Còn thực thi thế nào và còn những nguyên nhân nào nữa thì phải chờ xét nghiệm và nghiên cứu mới có thể cung cấp rõ được.

- Vậy việc thiếu oxy có ảnh hưởng thế nào tới đời sống của rùa Hồ Gươm, đặc biệt là cụ Rùa?

Tôi có thể khẳng định không có ảnh hưởng gì hết. Rùa là loài có khả năng chịu đựng khá cao. Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học Campuchia về một loại rùa có họ gần với rùa Hồ Gươm, 95% thời gian sống của rùa nằm dưới đáy cát. Chính vì thế, môi trường nước ít có tác động đến đời sống và sinh hoạt của loài rùa.

- Nghe nói, GS cùng đồng nghiệp đang triển khai dự án "Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sục bùn của CHLB Đức nhằm ổn định và phục hồi môi trường một số hồ ở Hà Nội". Tại sao chúng ta không sục và lọc bùn luôn cho Hồ Gươm? 

Mọi người định lọc bùn bằng cách gì? Định thay nước như nào? Đúng là chúng tôi đang nghiên cứu dự án này. Các đối tác Thái Lan và Nhật Bản cũng đã nhảy vào cùng nghiên cứu dự án này cùng chúng tôi. Tuy nhiên, nó chưa được đưa vào ứng dụng. Dự kiến, đến tháng 11/2009, Đức sẽ mang thiết bị sang giúp chúng ta hút thử bùn ở Hồ Gươm. Chúng tôi sẽ tiến hành thử từng ô một, nếu thấy diễn biến tích cực thì tiếp tục thử sang ô khác; nhưng nếu tình hình diễn biến quá xấu, sẽ phải hủy kế hoạch.

Hơn nữa, để hút và lọc bùn, sẽ tốn khá nhiều kinh phí. Hiện chúng ta không có đủ tiền để làm điều này, vì thế chúng tôi chưa dám đề nghị. Còn việc thay nước Hồ Gươm thì hầu như không thể rồi. Nước sẽ đổ đi đâu? Chỗ nào có thể chứa được mấy nghìn khối nước hồ? Việc phá hết tảo dưới hồ đi thì chắc chắn sẽ không đảm bảo và giữ nguyên vẹn được hệ sinh thái của hồ.

- Vậy là, không có phương pháp khả thi nào giúp Hồ Gươm khắc phục tình trạng này?

Chưa chắc. Chúng ta biết rằng, Hồ Gươm có hai cống vào chính. Một cống đặt phía Nhà hát Múa rối nước. Cửa này đã bị bịt từ lâu. Còn một cống bên Hàng Khay, mực nước hồ luôn trong tình trạng cao hơn mực cống. Tôi đã đưa ra phương án sẽ xây chỗ cống này một cửa như kiểu cửa thủy lợi, có thể nhấc ra nhấc vào được. Vào mùa mưa, cửa sẽ được nhấc lên, nước hồ thoát ra ngoài một phần, phần còn lại hòa với nước mưa, oxy sẽ được điều hòa theo cách này. Mỗi năm chúng ta tiến hành làm như vậy một lần, tôi đảm bảo lượng oxy trong nước hồ luôn được điều hòa. Tôi có thể khẳng định tính đến nay, đây là cách hữu hiệu nhất, khả thi nhất mà lại không tốn kém. Nhưng không hiểu sao, tôi đã đề xuất phương án này nhiều năm mà chưa thấy có động tĩnh xây dựng gì.

Nhưng theo tôi, đây chỉ là hiện tượng tự nhiên, sự can thiệp của con người là chưa cần thiết. Cho đến nay, chúng ta chưa có giải pháp nào khả thi cho việc này. Trong ngày 24, cá chết nổi lên khá nhiều. Nồng độ DO trong nước ngày hôm đó xuống mức thấp nhất. Tuy nhiên, qua cơn mưa ngày hôm sau, lượng DO chúng tôi đo được lại trở về mức cho phép. Và mấy ngày nay, qua đo đạc, chúng tôi chưa thấy có hiện tượng nồng độ DO tụt thấp nữa. Như vậy, đây là hoạt động theo quy luật của tự nhiên. Theo tôi, tốt nhất hãy để tự nhiên tự điều chỉnh. Con người đôi khi không nên can thiệp quá nhiều đến thiên nhiên.

- Xin cám ơn GS!

Theo VietNamNet
  • 1.975