Cá nhà táng hợp tác với nhau để trông con

  •  
  • 1.455

Đối với các bà mẹ, tìm kiếm ai đó đáng tin cậy để chăm sóc con trong lúc đi làm là thách thức lớn. Vì thế hẳn chúng ta hiểu được nỗi lo của cá nhà táng, bởi con của chúng nặng xấp xỉ một tấn và uống chừng 200 lít sữa mỗi ngày. 

Một con cá nhà táng bơi cạnh mẹ trong đàn. Con non này mới chào đời một giờ trước khi bức ảnh được chụp. Ảnh: AP.


Cá nhà táng là một trong những loài cá voi sống ở độ sâu lớn nhất trên trái đất. Chúng có thể lặn xuống độ sâu hơn 600 mét và tung hoành dưới nước trong một tiếng đồng hồ để tìm kiếm thức ăn. Tuy nhiên, những con non không thể lặn sâu và phải chờ mẹ trên mặt nước. Trong lúc chờ đợi, chúng sẽ trở thành mồi ngon của cá voi sát thủ và cá mập - những động vật luôn bám theo cá nhà táng để bắt con non.

Các nhà sinh vật học của Đại học St Andrews (Scotland), Đại học Durham (Anh) và Đại học Dalhousie (Canada) phát hiện ra rằng một số cá nhà táng mẹ nhận trách nhiệm trông nom lũ cá con trong khi những con khác lặn xuống sâu để kiếm mồi.

Nhóm nghiên cứu theo dõi 23 cá nhà táng sơ sinh và gia đình chúng trên biển Sargasso (phía bắc Đại Tây Dương) trong suốt 2 năm bằng tàu ngầm nghiên cứu. Họ nhận thấy trong mọi thời điểm chỉ có vài cá mẹ nổi lên mặt nước để chăm sóc tất cả con non trong đàn. Sau đó chúng lặn xuống để kiếm mồi khi những con khác ngoi lên để thay thế. Nhóm nghiên cứu còn nhìn thấy một cá mẹ cho những con non trong đàn bú, dù trong đó chỉ có một con do nó sinh ra.

“Cá nhà táng có tốc độ sinh sản chậm. Hai lần đẻ liên tiếp của chúng cách nhau tới 5 năm. Vì thế, mỗi đứa con là tài sản cực lớn đối với cá nhà táng mẹ. Trong những đàn nhỏ, trách nhiệm chăm sóc lũ cá con được giao cho một con duy nhất. Nhưng trong nhóm lớn, các con mẹ thay phiên nhau trông con non. Hành vi đó được thực hiện theo kiểu có qua có lại”,
tiến sĩ Luke Rendell, chuyên gia sinh vật học hải dương của Đại học St Andrews, nói.

Shane Gero, một nhà sinh vật học hải dương của Đại học Dalhousie, cho biết, cá nhà táng là loài có bộ não lớn nhất so với mọi loài trên quả đất. Chúng cũng là loài có tính xã hội cao. Nhiều nghiên cứu gần đây chứng minh rằng cá nhà táng thường “ca hát” khi chúng làm quen với nhau. Mặc dù cá cái hợp tác với nhau khi chăm sóc con, cá đực lại có xu hướng sống đơn độc. Chúng chỉ cặp đôi với con cái trong mùa sinh sản.

Theo VnExpress (Telegraph)
  • 1.455