Các ca mổ thời tiền sử

  •  
  • 627

Giới khảo cổ phát hiện rằng các ca phẫu thuật đã được con người thực hiện ngay từ thời kỳ đồ đá. Họ đã dùng dụng cụ bằng đá để khoan răng, thậm chí thực hiện cả việc khoan sọ.

Phẫu thuật thần kinh là loại ca mổ phức tạp nhất trong y học. Điều đáng ngạc nhiên là cách đây 7.000 năm, con người đã bạo dạn thực hiện những ca phẫu thuật như vậy bằng cách khoan lỗ trên sọ. Có thể giả định rằng ở thời đại đồ đá, số binh sĩ và thợ chuyên săn loài thú lớn bị chấn thương sọ não, kể cả giập xương sọ, không phải là hiếm. Do đó, rất có thể việc khoan xương sọ - tức mổ hộp sọ - đã trở thành một trong những thủ thuật lâu đời nhất mà các thày thuốc thời cổ đại tiến hành đối với những người cùng bộ tộc.

Phẫu thuật này được thực hiện một cách thường xuyên hơn là chúng ta tưởng. Có lẽ công việc bắt đầu bằng việc loại bỏ những ngoại vật, chẳng hạn mũi tên xuyên vào xương sọ. Chuyện gì chờ đợi người được mổ? Không hiếm trường hợp bệnh nhân vẫn sống. Những vật tìm thấy thuộc thời đại đồ đá mới đã xác nhận điều ấy.

Chẳng hạn, trên chiếc sọ 6.500 tuổi được tìm thấy ở vùng Ichtingen (Đức), người ta đã thấy rõ mô xương mới được mọc lên dọc theo rìa vùng được khoan. Điều đó nói lên rằng bệnh nhân đã chịu được sự can thiệp bằng phẫu thuật và vết thương do thầy thuốc tạo ra đã liền sẹo.

Những dấu vết của việc liền sẹo cũng được thấy trên chiếc sọ người sống cách đây 7.000 năm, thời kỳ mà dân chúng ở Trung Âu vừa mới chuyển sang lối sống định cư. Trên chiếc sọ của “con bệnh ở Elzac”, các nhà khảo cổ thấy rõ hai lỗ khoan rất lớn có đường kính 6 và 9 cm. Theo nhận định của các giám định viên, sau ca phẫu thuật, người đó còn sống thêm được vài năm nữa.

Hiện các nhà khoa học có trong tay hàng trăm cái sọ thuộc thời đại đồ đá, và trong 70-80% trường hợp có vết khoan, các bệnh nhân vẫn còn sống sau khi điều trị một cách triệt để như vậy.

Căn cứ vào những vật tìm thấy, các nhà khoa học đã phục hồi trình tự cuộc mổ. Phẫu thuật viên thời đại đồ đá đã thận trọng nạo sạch xương hết lớp này đến lớp khác. Việc này được tiến hành bằng những thanh đá lửa ghép lại. Chúng không chỉ có cạnh sắc như dao cạo mà còn vô trùng tương đối. Cách nạo xương được y khoa ngày nay đánh giá là tốt hơn đục thủng đầu bệnh nhân - một thao tác có thể gây thương tổn màng não vốn nằm ngay dưới xương sọ. Màng não bảo vệ đại não khỏi bị nhiễm trùng. Nếu trong khe hở nhỏ tí giữa vòm sọ và màng não có sự chảy máu loang ra hoặc hình thành u lành tính thì đại não sẽ phải chịu áp lực lớn. Trong trường hợp này, để hỗ trợ cho bệnh nhân, cần đục một lỗ thủng trên sọ, song không được gây tổn thương cho não.

Trong ngành khảo cổ học từ lâu đã có ý kiến cho rằng việc khoan sọ chỉ nhằm mục đích nghi lễ, mang tính chất ma thuật. Bằng chứng là sự tồn tại những lá bùa dưới dạng đĩa khoan bằng xương, giống như hình các lỗ được đục trên sọ. Mặt khác, sọ được khoan thường là của đàn ông, mà dường như chỉ có đàn ông mới tham gia vào những nghi lễ mang tính chất ma thuật ấy.

Tuy nhiên, việc khảo sát những chiếc sọ được tìm thấy bằng phương pháp định khu vi tính đã làm cho các nhà khoa học tin rằng, nguyên nhân dẫn tới việc khoan xương sọ thường mang tính chất y học thuần túy. Đó chính là cách điều trị cho bệnh nhân. Đặc biệt, các thày thuốc thường can thiệp để loại trừ hậu quả của sự tụ máu do va đập mạnh vào đầu gây nên, chẳng hạn do móng súc vật hoặc do con người. Muốn làm cho máu bị ứ đọng thoát ra ngoài, người ta thường mổ sọ bệnh nhân. Việc khoan cũng được tiến hành để lấy những mảnh xương sọ giập vụn nếu như đầu bệnh nhân bị vỡ, và để loại bỏ (hoặc để chỉnh lại) chỗ xương bị lõm do va đập.

Việc sọ phụ nữ ít có vết khoan có thể giải thích là phụ nữ nữ ít tham gia săn bắn hoặc giao chiến, bởi thế khả năng bị chấn thương nặng vào đầu ít hơn nhiều so với nam giới.

Nha sĩ cổ đại

Ở 11 cái răng có tuổi thọ từ 7.500 đến 9.000 tuổi tìm thấy ở thị trấn Mehrgar thuộc lãnh thổ Pakistan ngày nay, nhà nhân chủng học Roberto Makirelli đã phát hiện ra những lỗ nhỏ có đường kính 1,3- 3,2 mm và chiều sâu 0,5-3,5 mm.

Những lỗ thủng này có hình dáng khác thường - hình nón hoặc hình trụ - và được thực hiện một cách rất kỹ lưỡng. Nhà khoa học giả định rằng có lẽ chúng được khoan bằng mũi khoan đá lửa. Trong một trường hợp khác, nha sĩ cổ đại đã tìm cách khoan răng từ phía trong.

Thật khó mà hình dung nổi là phương pháp đó đã diễn ra như thế nào. Có lẽ các thày thuốc thời xưa đã dùng chiếc khoan có lắp thiết bị đá lửa rất nhỏ. Puatie Makiarelli cùng các đồng sự đã chế tạo được một cái khoan nhỏ xíu bằng đá lửa và cho thấy rằng với sự hỗ trợ của thứ thiết bị nhọn như vậy, họ có thể khoan một lỗ thủng trên răng trong khoảng thời gian dưới 1 phút, hệt như các thầy thuốc thời tiền sử đã làm.

Ở mép lỗ thủng còn thấy rõ những thương tổn vốn xuất hiện khi người ta nhai thức ăn. Điều đó chứng tỏ răng được khoan khi bệnh nhân còn sống và anh ta đã nhiều lần nhờ đến tài điều trị của các bác sĩ thời tiền sử. Cách điều trị bằng việc khoan men răng và ngà răng gây đau đớn nhiều trong khi thời đó không có bất kỳ một loại thuốc gây mê nào. Có thể bệnh nhân được uống một thứ dược liệu nào đó làm cho đầu óc đê mê.

Những lỗ khoan trên răng, theo sự khảo sát của các nhà khoa học, được trám bằng một chất dính như nhựa đường, có lẽ là chất hàn răng, có điều di tích của nó không lưu giữ được.

Gần 5.500 năm trước Công nguyên, những bí quyết của việc khoan răng có lẽ đã bị mai một. Trong các ngôi mộ ở những thời kỳ sau, các nhà khoa học không tìm thấy dấu vết của những cuộc phẫu thuật tương tự.

Theo Sức Khỏe & Đời Sống, Vnexpress
  • 627