Các công nghệ bảo vệ môi trường "made in VN"

  •  
  • 3.393

Hiện nay VN có tốc độ đô thị hóa khá nhanh. Việc nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới giúp bảo vệ môi trường đang trở thành một yêu cầu cấp bách.

Lắp đặt máy xử lý rác thải nilông thành vật liệu xây dựng do TS Mai Ngọc Tâm và các cộng sự nghiên cứu, chế tạo

Lắp đặt máy xử lý rác thải nilông thành vật liệu xây dựng do TS Mai Ngọc Tâm và các cộng sự nghiên cứu, chế tạo (Nguồn: vacne.org.vn)

Dự kiến đến năm 2010 cả nước sẽ có 1.226 đô thị, với tổng số dân 30,4 triệu người (chiếm 33% dân số toàn quốc) và đến năm 2020 sẽ có 1.953 đô thị, với tổng số dân 46,0 triệu người (chiếm 45% dân số toàn quốc).

Bên cạnh những lợi ích về kinh tế, xã hội, tốc độ đô thị hóa nhanh cũng sẽ làm gia tăng lượng chất thải bao gồm khí thải giao thông, nước thải và rác thải sinh hoạt.

Ô nhiễm do bụi và tiếng ồn tại hầu hết các đô thị đang là vấn đề cấp bách. Tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, đã có những khu vực bị ô nhiễm do khí CO, chất hữu cơ bay hơi (VOC). Nguyên nhân chính là do gia tăng quá mức lượng ô-tô và xe máy do chất lượng đường sá yếu kém và do tỷ lệ xe cũ cao (số lượng xe có 10-20 năm sử dụng chiếm 73%).

Ngoài những biện pháp quản lý, cải thiện chất lượng đường sá, mở rộng đường, tăng tỷ lệ người đi xe buýt công cộng, thay xăng pha chì... hiện nay đã có một số nghiên cứu công nghệ trong nước và nghiên cứu ứng dụng công nghệ nước ngoài nhằm giảm thiểu ô nhiễm do khí thải giao thông.

Trường ÐH Bách khoa TP.HCM đã nghiên cứu phương án thay thế nhiên liệu xăng bằng khí hóa lỏng LPG để chạy thử xe ta-xi, xe máy Wave 110 cc nhằm giảm ô nhiễm. Phân viện Vật liệu tại TP.HCM đã chế tạo và thử nghiệm chất xúc tác Cu, Co, Ni, La trên chất mang là ô-xýt nhôm hoặc Bentonit để chuyển hóa CO sinh ra từ xe máy. Viện Khoa học vật liệu đã nghiên cứu chế tạo và thử nghiệm chất xúc tác chứa đất hiếm để chuyển hóa CO, các chất hữu cơ bay hơi (VOC) sinh ra từ xe Mazda... Ngoài ra, trong thời gian qua đã có một số công ty nước ngoài (Nga, Mỹ...) đến thử  nghiệm công nghệ giảm thiểu ô nhiễm do khí thải giao thông tại TP.HCM.

Nhiều công nghệ thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt tại tất cả các đô thị cũng đang được triển khai. Hiện nay, tại một số thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, TP Ðà Nẵng... đang thực hiện các dự án cải tạo kênh rạch trong nội thị, di dời nhà ổ chuột, kè bờ sông, giải tỏa hai bờ sông, xây đường nhựa có thảm cỏ ngăn cách với bờ sông... ở giai đoạn tiếp theo nước thải sinh hoạt tại Hà Nội và TP.HCM sẽ được bơm về một số hồ tự nhiên hoặc khu vực đất trũng để xử lý bằng phương pháp sinh học.

Tại các đô thị khác, vấn đề quy hoạch hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt đã được phê duyệt. Hiện nay, công nghệ xử lý nước thải sinh hoạt và nước ao hồ, kênh rạch ô nhiễm tại các đô thị mới được triển khai ở quy mô Pilot. Công ty HAECON (Bỉ) đã nghiên cứu công nghệ bể lọc đệm sinh học cố định để xử lý nước thải sinh hoạt cho các cụm dân cư nhỏ khoảng vài trăm đến vài nghìn người. Công nghệ này có ưu điểm nổi bật là vật liệu đơn giản, tốn ít mặt bằng nên đã được triển khai tại nhiều nước trên thế giới.

Nhiều biện pháp cấp bách trong quản lý chất thải rắn ở các đô thị và khu công nghiệp cũng đã được ứng dụng, triển khai. Các địa phương đã tiến hành quy hoạch hệ thống bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt cũng đã được các địa phương nghiên cứu, ứng dụng. Hiện nay đã có 32 đô thị có quy hoạch xây dựng bãi chôn lấp rác hợp vệ sinh, trong đó có 13 đô thị đang xây dựng. Các địa phương đã triển khai công nghệ xử lý rác phù hợp với tình hình địa bàn như áp dụng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh (Hà Nội, Ðà Nẵng, Long An...), công nghệ  ủ yếm khí kết hợp sản xuất phân bón hữu cơ (TP Biên Hòa, tỉnh Ðồng Nai), Ninh Thuận...

Một số địa phương khác lại áp dụng công nghệ ủ hiếu khí kết hợp sản xuất phân bón hữu cơ là Nhà máy xử lý phân rác Cầu Diễn (Hà Nội), Nhà máy phân rác Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Nhà máy phân rác Buôn Ma Thuột (tỉnh Ðác Lắc). 

Ngoài ra, hiện nay có một số công nghệ đang được triển khai nhằm giảm thiểu ô nhiễm gây ra từ các bãi rác như: Xử lý rác thải bằng giun được nhập từ Philippines về (Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật thực hiện); xử lý rác thải bằng ruồi đen (do Trường ÐH Nông lâm TTP.HCM thực hiện); xử lý mùi hôi sinh ra từ bãi rác bằng chế phẩm EM, chế tạo các thiết bị xử lý rác công suất 50-1.000 tấn rác/ngày theo phương pháp sinh học (do Công ty Cổ phần An Sinh thực hiện).

Theo Nhân dân, Tuổi trẻ
  • 3.393