Các đại dương thời nguyên thủy có nhiệt độ rất nóng!

  •  
  • 755

Theo một nghiên cứu của Pháp được công bố trên tạp chí Nature xác nhận một giả thiết gây tranh cãi từ 30 năm nay: cách đây 2 đến 3,5 tỉ năm, nhiệt độ trung bình ở các đại dương có thể lên đến 80oC và đã giảm dần sau nhiều thiên niên kỷ nhằm cho phép sự sống phát triển và được đa dạng hóa.

(Ảnh minh họa: HTV)Nhờ phân tích thành phần đồng vị oxy và silic trong các loại đá trầm tích rất gần với đá lửa có từ 3,5 tỉ năm, hai nhà nghiên cứu Marc Chaussidon (Trung tâm Nghiên cứu thạch học và địa hóa học) và François Robert (Bảo tàng lịch sử thiên nhiên quốc gia) đã đo được nhiệt độ của các đại dương thời tiền Cambri.

Các nghiên cứu đầu tiên được thực hiện trong những năm 70 dựa vào các đồng vị oxy đã từng khẳng định vào thời ấy các đại dương rất nóng. Nhưng các kết quả này đã không được tán thành. Người ta biết rằng cách đây 4 tỉ năm, Mặt Trời không sáng bằng hiện nay, khiến Trái Đất có thể bị rét.

Hai nhà nghiên cứu Pháp đã so sánh các đồng vị oxy và silic trong các loại đá trầm tích cổ. Các kết quả xác nhận đại dương đã từng rất nóng cách đây 3,5 tỉ năm và đã lạnh dần còn 30oC cách đây 800 triệu năm.

Hiện tượng lạnh dần này rất thuận lợi cho các sinh vật sống bắt đầu sinh sôi nảy nở ở các đại dương. Nhiệt độ càng cao, khí oxy càng ít tan trong nước. Các sinh vật đa bào phức tạp được biết là rất cần khí oxy để phát triển.

V.N

Theo Sciences & Avenir, Đài TH Tp. Hồ Chí Minh
  • 755