Cách xử lý khi bị "người lạ" đâm kim nhiễm HIV

  •   44
  • 9.508

Khi bất ngờ bị "người lạ mặt" đâm kim tiêm nghi dính máu có HIV, chúng ta không được nặn máu mà phải thật bình tĩnh rửa vết thương dưới nước sạch rồi đến cơ sở y tế gần nhất để được sự trợ giúp của bác sĩ.

Phơi nhiễm HIV rất dễ gặp phải trong cuộc sống

Virus hiv
Tình trạng phơi nhiễm HIV rất dễ gặp phải trong cuộc sống.

Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y Tế): Phơi nhiễm với HIV (exposure) là tình huống có tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc các dịch cơ thể của người nhiễm HIV hoặc nghi ngờ nhiễm HIV dẫn đến nguy cơ lây nhiễm HIV.

Tình trạng phơi nhiễm HIV rất dễ gặp phải trong cuộc sống, điển hình như các trường hợp sau:

  • Bị đâm vào kim tiêm, các vật nhọn, mảnh chai, mảnh sành... dính máu hoặc dịch không rõ nguồn gốc, có khả năng là dính máu và dịch của người nhiễm HIV.
  • Sử dụng chung bơm kim tiêm với người có mắc HIV mà không hay biết.
  • Có vùng da bị thương tiếp xúc với máu hoặc dịch của người nhiễm HIV qua tiếp xúc tay, chân hoặc cơ thể, do dùng chung đồ dùng sinh hoạt.
  • Tổn thương qua da do các ống đựng máu hoặc chất dịch của người nhiễm HIV bị vỡ đâm vào.

Sơ cứu khi bị đâm kim tiêm như thế nào?

Tham vấn viên Bảo Kiếm (tên thường gọi Tuấn "mẹc") thuộc Ủy ban phòng chống HIV/AIDS TP.HCM cho biết khi bị vật nhọn gì đâm mọi người thường hay hoảng loạn và lấy tay nặn, thực tế thì chúng ta không nên làm vậy.

Theo ông Kiếm, trước hết người bị đâm kim tiêm phải thật bình tĩnh và lấy những vật gây tổn thương ra khỏi cơ thể. Đặc biệt lưu ý không nên lấy tay nặn máu vì dễ làm cho niêm mạc, mạch máu bị vỡ và virus sẽ dễ xâm nhập hơn. Tốt nhất là để vết thương dưới vòi nước sạch ít nhất 5 phút để phần máu và dịch lây nhiễm sẽ trôi đi. Sau đó dùng băng gạc để cầm máu.

Khi bị "người lạ mặt" đâm kim tiêm dính máu phải thật bình tĩnh để tìm cách xử trí.
Khi bị "người lạ mặt" đâm kim tiêm dính máu phải thật bình tĩnh để tìm cách xử trí. (Ảnh minh họa: SHUTTERSTOCK).

Trường hợp bị dịch tiết hoặc máu của người nghi nhiễm HIV bắn vào mắt, mũi, miệng thì phải rửa hoặc súc miệng liên tục bằng nước sạch hoặc nước muối sinh ký 0,9% trong 5 phút.

Ông Kiếm nhấn mạnh: "Ngay sau các bước sơ cứu trên hãy đến ngay các cơ sở y tế để xét nghiệm và điều trị phơi nhiễm trong vòng 72 giờ để đạt hiệu quả tốt nhất. Trong quá trình điều trị chưa xác định được có nhiễm HIV hay không nên cần phải chủ động làm các biện pháp phòng tránh cho mọi người xung quanh".

Khi đến cơ sở y tế, trong trường hợp bị kim tiêm đâm, người bệnh hãy mang theo mẫu kim đến để xét nghiệm. Đồng thời bác sĩ sẽ đánh giá nguy cơ lây nhiễm và chỉ định điều trị dự phòng thông qua tình huống phơi nhiễm.

*LƯU Ý QUAN TRỌNG: Việc xử lý sau khi phơi nhiễm HIV cần diễn ra nhanh chóng bởi càng để lâu thì hậu quả sẽ càng nghiêm trọng, nguy cơ mắc bệnh sẽ cao hơn gấp nhiều lần.

Khi nào thì có khả năng bị nhiễm HIV?

Ông Kiếm cho biết, không phải tất cả các trường hợp tiếp xúc với dịch, máu của người nhiễm HIV đều có nguy cơ lây nhiễm và không phải các trường hợp phơi nhiễm đều bị bệnh. Tùy theo trường hợp cụ thể mà xác định xem bị "người lạ mặt" đâm kim tiêm vào người có bị nhiễm hay không.

"Khi thấy đối tượng cầm kim tiêm mà trong ống xi lanh thấy còn máu tươi đâm vào mình dưới dạng bơm máu trong xi lanh thì khả năng bị nhiễm HIV rất cao. Còn nếu dùng đầu kim đâm và giật ra liền thì khả năng nhiễm HIV thấp vì máu dính ở đầu kim ra môi trường sẽ khô ngay nên khả năng nhiễm HIV sẽ thấp hơn rất nhiều", ông Kiếm nói.

Đường máu là con đường lây truyền HIV nhanh nhất.
Đường máu là con đường lây truyền HIV nhanh nhất. (Ảnh minh họa: REUTERS).

Có hai con đường bị phơi nhiễm phổ biến là đường máu và quan hệ tình dục. Đường máu là khi đạp phải kim tiêm, vật nhọn có dính máu tươi của người nhiễm HIV hoặc bị bắn dịch tiết hoặc máu tươi của người HIV vào niêm mạc mắt. Đường tình dục là khi quan hệ với người nhiễm HIV không sử dụng bao cao su, hay có dùng nhưng bao bị rách, tuột dẫn đến phơi nhiễm.

Những lưu ý nhất định phải biết khi điều trị chống phơi nhiễm HIV

Để việc điều trị chống phơi nhiễm HIV đạt hiệu quả, chúng ta cần lưu ý những điều sau:

  • Chỉ điều trị chống phơi nhiễm bằng ARV khi có chỉ định của bác sĩ (sau khi đã được tư vấn), không tự ý mua và áp dụng.
  • Việc điều trị dự phòng sau phơi nhiễm cần được bắt đầu càng sớm càng tốt, tốt nhất là trong vòng 24 giờ sau khi bị phơi nhiễm, không nên để quá 72 giờ.
  • Sử dụng phác đồ ba thuốc uống hàng ngày và điều trị dự phòng 28 ngày cho tất cả các trường hợp có nguy cơ phơi nhiễm. Sau khi xác định nguồn phơi nhiễm âm tính với HIV thì ngưng sử dụng thuốc.
  • Sau khi điều trị bằng ARV cần theo dõi sát sao để xử lý kịp thời các tác dụng phụ. Bệnh nhân cũng cần được tư vấn và hỗ trợ tâm lý cũng như xét nghiệm lại HIV sau 3 tháng...
  • Không điều trị dự phòng bằng ARV sau phơi nhiễm trong các trường hợp:

Người bị phơi nhiễm đã nhiễm HIV.

Nguồn gây phơi nhiễm đã được khẳng định là âm tính với HIV.

Phơi nhiễm với các dịch cơ thể không có nguy cơ lây nhiễm đáng kể như nước mắt, dịch nước bọt không dính máu, nước tiểu và mồ hôi...

Không điều trị ARV với người phơi nhiễm liên tục với HIV như: quan hệ tình dục thường xuyên với người nhiễm HIV hoặc gái mại dâm nhưng hiếm khi sử dụng bao cao su, người nghiện ma tuý thường xuyên sử dụng chung bơm kim tiêm...

Cập nhật: 07/05/2019 Theo Thanh Niên/kenh14
  • 44
  • 9.508