Cách xử trí khi có cơn đau thắt ngực

  •   3,98
  • 79.003

Đau thắt ngực là bệnh lý thường gặp do thiếu máu cục bộ nhất thời ở cơ tim. Tuy đây là dạng bệnh nhẹ nhưng nếu không được điều trị kịp thời bệnh sẽ chuyển biến xấu dẫn tới nhồi máu cơ tim. Vậy khi bất ngờ lên cơn đau thắt ngực bạn phải làm gì?

Đau thắt ngực (thắt tim) là bệnh gì?

Đau thắt ngực là tình trạng đau ngực do động mạch vành bị hẹp vì tắc nghẽn hoặc co thắt gây ra. Lượng máu để nuôi tim không đủ, dẫn đến tình trạng tim bị thiếu oxy để bơm máu. Cơn đau thắt ngực có thể là dấu hiệu của một căn bệnh về tim nghiêm trọng nào đó cần được lưu ý ngay lập tức.

Điểm nhồi máu
Điểm nhồi máu (Ảnh: TTO)

Biểu hiện lâm sàng của cơn đau thắt ngực

Vị trí đau thường sau xương ức, đột ngột làm bệnh nhân đang gắng sức phải ngừng lại ngay. Bệnh nhân có cảm giác tức ngực như có gì bóp, có gì đè chẹn sau xương ức hoặc phía bên quả tim. Hoặc đau lan lên hai vai, lên hai bên quai hàm dưới ra phía trong tay trái, lên cổ. Trường hợp không điển hình, cơn đau xuất hiện bên phải, ở vùng thượng vị mà có khi nhầm là cơn đau dạ dày cấp. Cũng có khi đau ở bả vai, cổ tay và cổ.

Tính chất đau có khi như dao đâm hoặc trái lại không đau mà chỉ có cảm giác tức ngực, khó thở, nghẹn thở, có vật gì chèn ép ở cổ, bỏng rát ở trước tim, hướng lan cũng khác, có khi xuống thượng vị hoặc ra sau lưng. Người bệnh bồn chồn, hốt hoảng, lo sợ có cảm giác sắp chết đến nơi không dám cử động vì sợ cơn đau dữ dội thêm. Thời gian đau kéo dài từ vài giây đến 10, 15 phút.

Nếu cơn đau kéo dài hơn nửa giờ phải coi chừng có thể bị nhồi máu cơ tim. Cơn đau khỏi rất nhanh, bệnh nhân có thể đi lại được bình thường nhưng nếu bệnh nhân gắng sức nữa cơn đau lại tái phát.

Cơn đau có thể xuất hiện thưa hay mau, nhưng càng mau càng kéo dài thì tiên lượng càng xấu đi.

Trong thời gian có cơn đau như trên, đôi khi nghe tiếng tim bình thường, huyết áp bình thường, không khó thở, không đánh trống ngực, duy chỉ có điện tim là thay đổi trên một số sóng như sóng T dẹt hay âm (ở 50% trường hợp).

Ngoài ra, triệu chứng của bệnh còn tùy thuộc vào loại đau thắt ngực mà bạn mắc phải. Có 3 loại đau thắt ngực kèm theo các triệu chứng như sau:

Đau thắt ngực ổn định

  • Xảy ra khi người bệnh vận động quá sức dẫn đến tim đập nhanh hơn bình thường
  • Cơn đau thường có thể cảm nhận trước được và diễn ra trong thời gian ngắn (khoảng 5 phút)
  • Cảm giác ợ nóng hoặc khó tiêu
  • Cơn đau ngực có thể lan tỏa đến tay, lưng hoặc các bộ phận khác của cơ thể.

Đau thắt ngực không ổn định

  • Cơn đau thường xuất hiện lúc nửa đêm khi bạn đang ngủ hoặc khi bạn đang nghỉ ngơi
  • Cơn đau thường đến một cách đột ngột
  • Thường cơn đau sẽ kéo dài đến 30 phút
  • Theo thời gian, nếu không được chữa trị, cơn đau sẽ trở nên nghiêm trọng hơn và có thể là dấu hiệu của bệnh tim mạch.

Đau thắt ngực mao mạch (Đau thắt ngực vi mạch)

  • Cơn đau thường trầm trọng và kéo dài hơn các cơn đau thắt ngực khác
  • Thường kèm theo những triệu chứng thở gấp, khó ngủ, mệt mỏi
  • Cơn đau thường xuyên xảy ra trong các hoạt động thường ngày và khi bạn cảm thấy căng thẳng.

Cơn đau thắt ngực

Khi nào xuất hiện cơn đau?

Đau thắt ngực xuất hiện sau một hoạt động gắng sức như làm việc nặng, chạy, leo dốc, leo cầu thang, quan hệ tình dục... Nếu cơn đau xuất hiện khi nghỉ ngơi, thư giãn, ngủ... thường không phải là đau thắt ngực.

Yếu tố tâm lý như, xúc động mạnh, bực tức, cáu giận, lo sợ... cũng có thể là nguyên nhân xuất hiện cơn đau.

Ngưỡng đau là mức độ gắng sức của người bệnh để xuất hiện cơn đau. Ví dụ như đau xuất hiện sau mỗi lần đi bộ được đúng 1km. Động mạch vành càng hẹp thì ngưỡng đau càng thấp, có những bệnh nhân chỉ vận động tăng lên một chút là đã xuất hiện cơn đau.

Đa số bệnh nhân có ngưỡng đau ổn định hay còn gọi là cơn đau thắt ngực ổn định. Ví dụ như khi leo cầu thang lên đến tầng 3 là xuất hiện cơn đau, sáng chạy thể dục đến đúng một địa điểm là thấy đau, xách đến xô nước thứ 2 là thấy đau.

Một số bệnh nhân có cơn đau thắt ngực không ổn định. Đó là biểu hiện của bệnh càng ngày càng nặng lên, các cơn đau xuất hiện dày lên, đau dữ dội hơn. Đau thắt ngực không ổn định rất nguy hiểm vì khó phân biệt với nhồi máu cơ tim.

Nên làm gì khi có cơn đau thắt ngực?

Khi đang đau, bệnh nhân cần phải đứng im, ngừng mọi cử động, nếu đang ở nhà hoặc không phải trong bệnh viện thì cần nằm yên, hoặc theo tư thế nửa nằm nửa ngồi, tránh di chuyển, thường chỉ nghỉ ngơi như vậy cũng có thể hết đau, nhưng nếu đau nặng lên thì cần phải dùng thuốc và đi bệnh viện ngay.

Thuốc điều trị mỗi lần đau có thể ngậm nitroglycerin dưới lưỡi hoặc amyl nitrit (loại ống 1ml chứa 3 giọt), khi lên cơn chỉ việc bẻ một ống cho bọc vào miếng gạc để ngửi. Thuốc tác dụng nhanh nhưng hiệu lực cũng rất ngắn. Hiện nay có một số thuốc cũng tác dụng nhanh được đựng trong bình xịt, hoặc loại dán như dán cao vào vùng tim. Cơ chế tác dụng của chúng là giãn động mạch vành, nhưng cũng hạ huyết áp ngoại biên nên giảm công của tim và cũng làm giảm nhu cầu ôxy ở tim.

Điều trị lâu dài bằng các loại thuốc giãn mạch khác như: lenitral, isosorbit, tildiem, vasterel... hoặc bằng phẫu thuật động mạch vành, khoét mảng xơ vữa động mạch, bắc cầu nối, nong động mạch vành.

Những người có nguy cơ đau thắt ngực

  • Nam giới chiếm 80%, xuất hiện ở tuổi trên 40. Nữ giới xuất hiện ở tuổi trên 45.
  • Người mắc các bệnh béo phì, tăng huyết áp, đái tháo đường.
  • Chế độ ăn quá nhiều chất béo.
  • Có thói quen hút thuốc lá, ít vận động, hay phải lo nghĩ nhiều.
  • Gia đình có người bị đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não.

Phòng tránh cơn đau thắt ngực

Lời khuyên dành cho người bệnh đau thắt ngực

Người đau thắt ngực không cần nghỉ ngơi tuyệt đối nhưng cần hạn chế lao động chân tay và trí óc, tránh gắng sức, nhất là gắng sức đột ngột, đi bộ nhanh, lên dốc, lên cầu thang, ngược gió..., tránh lạnh, tránh gió lùa, không được tắm đêm, sống điều độ, có giờ giấc nghỉ ngơi, tránh làm việc ngay sau bữa ăn. Tập thể dục nhẹ, đi bộ ngắn và chậm nhưng không chơi thể thao nặng như tập tạ, karate, tennis, chú trọng giải trí, nghe nhạc...

Không hút thuốc lá vì thuốc lá là nguyên nhân xuất hiện cơn đau, hạn chế cà phê đặc và nước chè đặc vì nó gây mất ngủ. Không nên ăn những bữa quá thịnh soạn, không uống rượu. Ăn hạn chế chất có nhiều lipid và cholesterol như mỡ động vật, bơ, lòng đỏ trứng, óc, gan, thận và nên dùng dầu thực vật thay mỡ động vật.

Cập nhật: 03/03/2020 Tổng hợp
  • 3,98
  • 79.003