Cách xử trí khi trẻ sơ sinh bị trớ

  •  
  • 3.520

Trẻ sơ sinh được tính từ khi trẻ ra đời đến 30 ngày tuổi. Ở tuổi này trẻ hay có hiện tượng “tràn sữa sinh lý”, khi trẻ lớn dần thì hiện tượng này cũng sẽ giảm, đến lúc 7,8 tháng tuổi hiện tượng này mới dừng hẳn.

(Ảnh: jasonandshannon)

Trẻ sơ sinh hay trớ (sữa được đẩy ra dễ dàng) làm cha mẹ lo lắng nhưng không có vấn đề gì trầm trọng. Trẻ bú sữa qua miệng vào ống thực quản rồi xuống dạ dày, ở đây được dạ dày co bóp trộn lẫn dịch vị để tiêu hóa một phần, còn xuống ruột non sẽ được tiêu hóa hoàn toàn.

Tâm vị là một van ở ngay cửa vào dạ dày tiếp giáp với thực quản, còn môn vị là cái van ở ngay cửa ra của dạ dày tiếp giáp với ruột non. Ở trẻ nhỏ, tư thế nằm là chính nên dạ dày nằm ngang, lại ở cao, khi biết đi dạ dày mới đứng dọc, hệ thần kinh lại chưa hoàn chỉnh, các cơ của van dạ dày còn yếu, lại hoạt động không nhịp nhàng đặc biệt là van tâm vị. Các cơ ở van môn vị phát triển hơn lại hay đóng chặt do bị kích thích sau bữa ăn nên trẻ hay bị trớ.

Mặt khác, cũng do lớp cơ chưa phát triển nhiều nên dạ dày trẻ dễ bị biến dạng sau ăn hoặc phình lên khi nuốt phải hơi. Bình thường dung tích dạ dày trẻ sơ sinh là 30-35ml, lúc 3 tháng là 100ml, lúc một tuổi là 250ml, do vậy mỗi lần trẻ bú chỉ nên với mức vừa phải (thời gian cho bú khoảng 15 phút/bữa). Trường hợp bà mẹ nhiều sữa thì thời gian cho con bú ngắn hơn vì trẻ bú no quá cũng dễ bị trớ.

Theo Sức khỏe & đời sống, Tuổi trẻ
  • 3.520