Cần khuyến khích tư nhân đầu tư năng lượng tái tạo

  •  
  • 296

Tối 12/6, Tổ chức Hợp tác Kỹ thuật Đức (GTZ) đã có một buổi thuyết trình với chủ đề “Các khả năng phát triển năng lượng tái tạo ở Đông Nam Á” . Một trong những nguồn năng lượng tái tạo chưa được chú ý khai thác triệt để ở Việt Nam.

Theo báo cáo của Viện Năng lượng, cho đến nay Việt Nam mới khai thác được 25% nguồn năng lượng tái tạo còn lại 75 % vẫn chưa được khai thác.

Roman Ritter, một chuyên gia về năng lượng đã thẳng thắn nhận xét, Việt Nam có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo nhưng chưa tận dụng, đặc biệt là năng lượng gió.

Để phát triển các loại năng lượng tái tạo (năng lượng mặt trời, năng lượng gió, nhiên liệu sinh học...), theo ông Roman Ritter cần phải có sự tham gia của thành phần kinh tế tư nhân.

Mô hình các tháp điện bằng sức gió của Nhà Máy phong điện Phương Mai 1 tại Xã Cát Tiến, Huyện Phù Cát, Tỉnh Bình Định. Ảnh Website Tỉnh Bình Định.

Theo ông Roman Ritter, nhiều nước ở Đông Nam Á và Trung Quốc đã thực hiện nhiều giải pháp khai thác nguồn năng lượng tái tạo như xây dưng các nhà máy thuỷ điện nhỏ ở vùng nông thôn cũng như khai thác tiềm năng nguồn năng lượng gió.

Hiện nay, Việt Nam đã điện khí hoá đạt tới khoảng 80% toàn quốc. Còn 20% còn lại là các vùng sâu, vùng xa. Thế nhưng việc xây dựng nhà máy thuỷ điện lớn, nhà máy điện nguyên tử nhằm phủ kín lưới điện đến các nơi này cần phải mất 10 năm nữa với nhiều chi phí rất tốn kém. Đó là chưa tính việc xây dựng các trạm tải về các vùng kéo theo nhiều hao tổn trong truyền tải điện cũng như chi phí đầu tư xây dựng các trạm.

Vấn đề trên có thể giải quyết bằng cách khác như xây dựng các nhà máy thuỷ điện nhỏ và các nhà máy phong điện (điện từ sức gió) tại vùng cần điện khí hoá. Ban ngày, người nông dân đi làm có thể bán lại nguồn năng lượng không sử dụng đó cho nhà nước. Tối về, họ sẽ sử dụng nguồn năng lượng vừa sản xuất ra.

Như vậy, với mô hình này vừa tạo được thu nhập cho người dân, cung cấp được một nguồn năng lượng thiếu hụt cho nhà nước và nhà nước dần dần sẽ không phải trợ giá cho nguồn năng lượng với chi phí ít tốn kém. Kỹ thuật về phong điện có thể tiếp cận nhanh, dễ sử dụng và tránh được nhiều rủi do, đặc biệt là nhanh chóng thu hồi vốn đầu tư.Mô hình đã được áp dụng ở các nước Đông Nam Á như Indonesia, Trung Quốc

Kinh nghiệm ở Đức cho thấy, họ đã tiến hành xây dựng các nhà máy sản xuất điện từ gió với công xuất 5MW với giá 1 triệu Euro. Mỗi một trạm có từ 2-3 hệ thống, trong vòng từ 5-7 năm học có thể hoàn vốn đầu tư. Ngoài ra, người dân đã thu được lợi nhuận rất nhiều từ việc bán điện cho nhà nước, khi mua qua nhà nước giá điện sẽ là 10 - 15 cent/kwh, nhưng giá điện của người dân bán lại cho nhà nước sẽ là 40-50cent/kwh.

Theo ông Roman Ritter, năng lượng tái tạo sẽ tạo ra rất nhiều lợi nhuận nếu thị trường hoá vấn đề này đến các doanh nghiệp tư nhân và để cho tư nhân đầu tư .

Sau bài thuyết trình trên của ông Roman Ritter, ngày 14/6, tại Viện Goeth, Hà Nội, sẽ diễn ra một buổi hội thảo với chủ đề "Phát triển năng lượng bền vững ở Việt Nam" do giới chuyên gia năng lượng của Việt Nam và Đức tổ chức.

Nội dung của hội thảo sẽ đem lại những giải pháp, kinh nghiệm và hiểu biết về sự phát triển các dạng năng lượng tái tạo không gây ảnh hưởng đến môi trường, không cần nhập khẩu nhiên liệu và có thể sử dụng lâu dài ở Việt Nam.

Ngọc Huyền

Theo VietNamNet
  • 296