Cần ứng dụng phần mềm nguồn mở nhiều hơn

  •  
  • 192

Trong nỗ lực giữ đúng lời hứa về sở hữu trí tuệ với WTO, các nhà lãnh đạo ngành công nghệ thông tin VN từng kêu gọi mọi người ứng dụng phần mềm nguồn mở.

Tuổi Trẻ đã trò chuyện với giáo sư Ngô Thanh Nhàn ở Đại học New York (Mỹ) vấn đề này. Ông là chuyên gia xử lý ngôn ngữ tự nhiên ngành y tế Mỹ; một trong những người đầu tiên tham gia đưa chữ Nôm vào bộ font chữ đa ngôn ngữ (Unicode) và từng được eCHIP trao giải Hiệp sĩ công nghệ thông tin vì cống hiến này.

* Xin ông giải thích khái niệm phần mềm nguồn mở?

- Khả năng chính của máy tính là làm những thao tác thường xuyên và tuần tự nhanh hơn và có độ tin cậy cao hơn thao tác bằng tay. Nguồn (source) là văn bản lập trình mà con người đọc và sửa được; phần mềm là bản cài đặt (mã binary) được dịch ra từ mã nguồn. Nó không sửa và gần với phần cứng và hệ điều hành của một máy tính. Tác giả phần mềm nguồn mở OSS (Open Source Software) cho người khác sử dụng nguồn của mình. Ta phân biệt FLOSS (Free/Libre Open Source Software) là phần mềm nguồn mở miễn phí.

Ta phân biệt phần mềm phổ cập và phần mềm chuyên dụng. Thường thì người sử dụng phải tự cài đặt các FLOSS trên máy của công ty hay máy cá nhân. Các công ty cần các phần mềm chuyên dụng như xử lý văn bản bệnh viện, các hệ xử lý, cơ sở dữ liệu cao cấp. Các phần mềm này không miễn phí, nhưng người sử dụng cần có nguồn để phát triển dữ liệu cho riêng mình để có thể tự thay đổi (hay mướn dịch vụ thay đổi) cho hợp với điều kiện vật chất, kỹ thuật của công ty.

* Ông từng sử dụng các phần mềm nguồn mở thông dụng nào, thưa GS?

- Một số phần mềm thuộc nguồn mở có thể kể đến hệ điều hành Unix/Linux, OpenOffice (có phần xử lý văn bản tiếng Việt OpenOffice Writer), Java, PHP, Pascal, mySQL. Phần mềm đánh dấu tiếng Việt Unikey cũng là một phần mềm nguồn mở cho ba hệ điều hành thông dụng... Phần mềm nguồn mở có mặt trong nhiều phần mềm của nhiều loại máy tính và hệ điều hành khác nhau. Nhóm xử lý ngôn ngữ tự nhiên chúng tôi hiện đang đặt công trình Medical Language Processing của mình lên trang web phần mềm nguồn mở Sourceforge (http://www.sourceforge.net)

* Một số người vẫn quan niệm rằng OSS là phần mềm miễn phí, nhưng thực tế có một số phần mềm OSS lại được bán chứ không phải cho không.

Giáo sư Ngô Thanh Nhàn. Ảnh: TL

- OSS không nói các phần mềm nguồn mở là miễn phí, chỉ nói các phần mềm ấy có nguồn (phần lập trình đọc được, sửa được) mở cho người sử dụng hay phát huy.

Thông thường, trong tư bản, cho nguồn đắt hơn vì thường chỉ bán được một lần, người sử dụng tự do được quyền làm thêm hay làm lại. Phần mềm nguồn mở có khi hơn, có khi thua phần mềm thương mại có cùng chức năng. Phần mềm nguồn mở thường bị cho là thua, vì nó thiếu phần quảng cáo, tranh giành thị trường.

* Vậy một phần mềm nguồn mở và một phần mềm thương mại có cùng chức năng sẽ khác nhau như thế nào?

- Nếu nói về chất lượng thì Microsoft tắc trách, khá nhất là Microsoft Word, nhưng Excel, PowerPoint, Access vẫn còn nhiều lỗi, chưa đồng bộ với Word. Khác nhau ở đây là cách chiếm lĩnh thị trường của Microsoft làm cho người mua nghĩ rằng máy PC và Microsoft Windows là một hay nghĩ Microsoft là công ty sáng tác ra Internet.

Microsoft đặt tên là Internet Explorer và cài sẵn trên mỗi máy PC bán ra, có lúc Microsoft Windows cấm người sử dụng cài Netscape và Microsoft bị thua kiện. Liên minh châu Âu đã kiện Microsoft và chính phủ Mỹ vẫn theo dõi Microsoft về vi phạm luật chống độc quyền.

Vấn đề thương mại và niềm tin và cảm nhận (có thể sai) của người sử dụng.  Ví dụ, người VN sính xe Honda. Loại xe Honda đã dừng sản xuất từ năm 1975 nhưng vì người tiêu thụ ở VN nghĩ Honda tốt nên hãng này cho sản xuất lại ở VN vào cuối những năm 1980.

Ai cũng biết Microsoft ít bảo mật hơn, dễ bị virus, nhưng ở VN người sử dụng chỉ biết Microsoft - thị trường và cảm nhận bị méo mó, khó chữa. Người ta bảo Microsoft Word hay nhất, nhưng với tiếng Việt thì còn nhiều vấn đề, chẳng hạn như người sử dụng phải cài thêm phần mềm nguồn mở miễn phí để thao tác tiếng Việt theo chuẩn Unicode.  Các hệ nguồn mở miễn phí, như Linux, Unikey, có ít lỗi hơn, nhưng ít ai biết. Đây là do quảng cáo và cách chiếm lĩnh thị trường, ít liên quan đến hay dở kỹ thuật.

* Xin ông cho biết ngoài giá cả, phần mềm nguồn mở còn giúp được gì cho Việt Nam?

- Về cơ bản, công nghệ thông tin là một công nghệ chiến lược của mỗi nước, ngang với chiến lược thực phẩm, văn hoá. Mỗi nước phải tự xây dựng công nghệ thông tin (cơ sở dữ liệu, cơ sở tri thức, bản đồ, thổ nhưỡng, địa chất, khí tượng, kinh tế, dân số, giáo dục, y tế, v.v.) theo nhu cầu sống còn riêng của mình trong xu thế toàn cầu hoá kỹ thuật, một điều mà không máy tính cá nhân nào riêng lẻ làm nổi.

Sử dụng những phần mềm nguồn đóng sẽ biến cả nước thành thị trường tiêu thụ và không còn chỗ để tự phát triển, nhưng phần mềm nguồn mở tạo môi trường để phát huy tiềm năng này.

* Giả sử chính phủ VN trao 100 giải cho các công ty phần mềm trong nước trong 5 năm liền viết hệ văn phòng theo quy định của chính phủ và chuẩn quốc tế trên nền hệ điều hành Linux miễn phí. Vậy ta được gì?

- Người dân sẽ có một hệ văn phòng hoàn chỉnh miễn phí còn VN được một loạt các công ty phần mềm hiểu rõ chuẩn quốc tế (hiện nay tôi cho là còn yếu), có khả năng đáp ứng các nhu cầu CNTT trong nước, và bắt đầu có khả năng cạnh tranh với nước ngoài. Lý do vẫn là nguồn mở cho phép VN xây dựng kỹ nghệ phần mềm cho mình, chấm dứt tình trạng cả nước là thị trường tiêu thụ, thụ động.

Tôi cho rằng VN rất đúng khi tiến hành hai chương trình chiến lược công nghệ thông tin đầu năm 1990 và chương trình chiến lược phần mềm năm 2000. Nhờ chúng ta vào kịp chuẩn đa ngữ Unicode, phát triển mạng internet, phát triển các công ty dịch vụ phần mềm. Nhờ đó, mức sử dụng và phát triển CNTT trong nước tăng rất nhanh.

Tôi cho rằng ta cần ít nhất vài chương trình chiến lược như thế chủ vào thúc đẩy kỹ nghệ thông tin, đầu tiên là làm vững mạnh định chế, hành chính, cơ sở dữ liệu dân dụng...

Minh Huy

Theo TTO
  • 192