Cảnh giác với bệnh sốt xuất huyết

  •  
  • 980

Cũng như một số dịch bệnh khác tại thời điêm này, bệnh sốt xuất huyết bắt đầu vào mùa.

>>> Chống lại bệnh sốt xuất huyết đang "rình rập"

Mặc dù so cùng kỳ năm 2013, số ca mắc sốt xuất huyết trên thế giới không tăng nhưng tại một số địa phương, bệnh có xu hướng phát triển nhanh. Và theo dự báo thời gian tới số ca mắc sẽ tiếp tục tăng. Chính vì vậy, người dân cần chủ động phòng chống bệnh sốt xuất huyết ngay từ bây giờ.

Nguy cơ bùng phát trong thời gian tới

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, khu vực Tây Thái Bình Dương, tình hình dịch sốt xuất huyết đầu năm 2014 có diễn biến phức tạp, trong khi số mắc sốt xuất huyết so với cùng kỳ năm 2013 giảm ở một số nước nhưng lại tăng cao ở một số nước khác nhau như Malaixia (tăng 3,9 lần)…

Tại Việt Nam, theo thông báo của Bộ Y tế, trong 4 tháng đầu năm 2014 số mắc giảm so với cùng kì 2013 ở ba khu vực miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam nhưng có số mắc xu hướng gia tăng trong các tuần gần đây tại khu vực miền Nam và tăng 13% so với cùng kì năm 2013 ở khu vực miền Bắc.

Số mắc tại khu vực miền Bắc chủ yếu tập trung ở Hà Nội (52%) và Thái Bình (34%). Tính đến 05/5/2014 Hà Nội ghi nhận 37 ca bệnh, không có tử vong với 2 ổ dịch. Số ca mắc bệnh giảm 43% so với cùng kì năm 2013 (2013 với 56 ca và 6 ổ dịch). Bệnh nhân xuất hiện tại 47% quận huyện và 5% xã phường.

Ở Hà Nội, mặc dù 4 tháng đầu năm số ca mắc tại các quận huyện và xã phường có bệnh nhân giảm so với cùng kỳ năm 2013 nhưng dự báo năm 2014, là năm thứ 5 tính từ năm 2009, năm bùng phát dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội chưa giải quyết được triệt để do nhiều nguyên nhân như thiếu nước sạch, tình trạng tích trữ nước, các công trường xây dựng dang dở. Nếu không quyết liệt phòng chống dịch bệnh thì nguy cơ bùng phát dịch là rất lớn.

Cảnh giác với bệnh sốt xuất huyết
Bệnh sốt xuất huyết có nguy cơ bùng phát trong thời gian tới. (Ảnh minh họa)

Đứng trước tình hình nhiều dịch bệnh cùng xuất hiện trong một lúc, ngày 6/5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tập trung việc cấp cứu, điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết tại các cơ sở y tế nhằm hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong, phân loại cách ly nhằm ngăn ngừa lây chéo trong bệnh viện. Bảo đảm đủ trang thiết bị y tế, thuốc để cấp cứu điều trị bệnh nhân và chế độ đối với người làm công tác phòng, chống dịch.

Để chủ động ứng phó với dịch chân tay miệng và sốt xuất huyết năm 2014 Bộ Y tế thành lập 8 Đoàn kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống dịch tại các tỉnh thành phố với nội dụng về việc triển khai thực hiện Kê hoạch và các hoạt động đáp ứng phòng chống dịch bệnh tại địa phương; công tác giám sát, thu dung điều trị, chuẩn bị hậu cần; công tác phối hợp liên ngành và công tác truyền thông phòng chống dịch bệnh.

Dấu hiệu nhận biết bệnh sốt xuất huyết

Theo bác sĩ Đặng Văn Nguyên, Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính gây dịch do virus Dengue. Bệnh truyền từ người bệnh sang người lành qua muỗi vằn Aedes Aegypti. Hiện tại bệnh chưa có thuốc điều trị đặc biệt và chưa có vaccine phòng bệnh. Bệnh thường gây ra dịch lớn làm nhiều người mắc cùng lúc, gây khó khăn cho việc chăm sóc và chữa trị, có thể gây tử vong cao, đặc biệt là ở đối tượng trẻ em.

Bệnh sốt xuất huyết ở thể nhẹ thường có triệu chứng sốt cao đột ngột 39-40 độ C kéo dài trong 2-7 ngày, khó hạ sốt, đau đầu dữ dội vùng trán, đau sau nhãn cầu, có thể có dấu hiệu phát ban, không kèm theo ho, sổ mũi. Khi bệnh có cấp độ nặng hơn kèm theo dấu hiệu xuất huyết như chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm chỗ tiêm, nôn ra máu, đi ngoài phân đen, đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, vật vã, hốt hoảng.

Nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết không được điều trị đúng cách hoặc điều trị muộn có thể gặp phải biến chứng tràn dịch màng phổi, rối loạn nguyên tố đông máu như chảy máu cam dữ dội, rong kinh, chỗ chích bị bầm tím, xuất huyết đường tiêu hóa, xuất huyết nội tạng (não, phổi)... Nhiều ca sốt xuất huyết dẫn tới những biến chứng nặng nguy hiểm đến tính mạng và có thể để lại những hậu quả nặng nề sau này hoặc dẫn đến nguy cơ tử vong cao.

Cảnh giác với bệnh sốt xuất huyết
Làm sạch môi trường là một biện pháp phòng ngừa sốt xuất huyết. (Ảnh minh họa)

Người dân cần chủ động phòng bệnh

Khi người bệnh bị sốt xuất huyết nếu ở trường hợp nhẹ có thể chăm sóc tại nhà: nghỉ ngơi tại nhà, cho uống nhiều nước, uống dung dịch oresol, nước trái cây càng tốt. Cho ăn nhẹ: cháo, súp, sữa. Hạ sốt với Paracetamol, lau mát khi sốt cao. Theo dõi nếu có bất kỳ dấu hiệu xuất huyết nào hoặc diễn biến nặng hơn (li bì, bứt rứt, vật vã, chân tay lạnh, đau bụng, nôn nhiều) cần đưa đến bệnh viện ngay.

Tuy nhiên người nhà cần đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế gần nhất để phân tuyến và hạn chế lên tuyến trên để tránh tình trạng lây nhiễm chéo.

Phòng bệnh sốt xuất huyết cần diệt muỗi và bọ gậy (loăng quăng). Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt bọ gậy/loăng quăng. Thả cá bảy màu vào tất cả các vật chứa nước trong nhà (bể, giếng, chum vại, lu khạp) để diệt bọ gậy (loăng quăng). Thu gom, hủy đồ phế thải ở xung quanh nhà như chai lọ vỡ, ống bơ, vỏ dừa... Thay nước, thau cọ chum vại hàng tuần. Bỏ muối vào bát kê chân chạn (bẫy kiến), cho cát ẩm vào lọ hoa.

Mọi người đều có thể tự bảo vệ mình tránh bị muỗi đốt bằng cách: mặc áo quần dài tay, ngủ trong màn ban ngày, dùng hương muỗi, bình xịt diệt muỗi. Cho bệnh nhân nằm màn, tránh muỗi đốt. Dùng rèm che, mành tẩm hóa chất diệt muỗi che cửa để hạn chế và diệt muỗi.

Chúng ta có thể phòng tránh muỗi đốt bằng cách xoa lên da các loại kem chống muỗi và dùng các vượt muỗi được bán trên thị trường để tiêu diệt muỗi.

Theo Trí Thức Trẻ
  • 980