Cặp 'vũ công' xoay nhanh nhất vũ trụ

  •   3,34
  • 1.790

Các nhà thiên văn vừa tìm thấy một cặp sao lùn trắng chỉ mất 5,4 phút để xoay một vòng quanh nhau. Đây là cặp sao đôi xoay nhanh nhất mà giới khoa học từng biết.

Hình minh họa một cặp sao đôi siêu nặng xoay quanh nhau. Ảnh: theregister.co.uk.

Theo Space, một nhóm chuyên gia thiên văn quốc tế phát hiện cặp sao nhờ kính thiên văn Keck I trên đỉnh núi Mauna Kea, quần đảo Hawaii, Mỹ.

Sự tồn tại của cặp sao – được đặt tên là HM Cancri hoặc RX J0806.3+1527 – đặt ra một thách thức lớn đối với giới khoa học trong việc giải thích quá trình hình thành của chúng. Nhưng chúng cũng mở ra một cơ hội lớn cho những nhà thiên văn muốn tìm hiểu sóng trọng trường.

Danny Steeghs – một nhà vật lý thiên văn của Đại học Warwick tại Anh - nói rằng cặp sao HM Cancri rất gần nhau. Khoảng cách của chúng bằng khoảng 1/4 khoảng cách giữa trái đất và mặt trăng. Nếu gần hơn chút nữa, chúng có thể lao vào nhau và cùng bị hủy diệt.

Sao lùn trắng là phần lõi còn lại của những ngôi sao có khối lượng thấp và trung bình sau khi chúng “chết” (tiêu thụ hết nhiên liệu phản ứng hạt nhân trong sao). Chúng có niên đại lớn hơn mặt trời vài tỉ năm. Một điều nghịch lý là sao lùn trắng càng nhỏ thì khối lượng của chúng càng lớn do mật độ vật chất siêu đặc.

Trong trường hợp của HM Cancri, ngôi sao nhỏ hơn (và nặng hơn khoảng hai lần "đối tác") hút vật chất từ ngôi sao kia bằng lực hấp dẫn.

“Ngôi sao nặng hơn đang bóp méo hình dạng của ngôi sao nhẹ hơn, khiến hình dạng của nó giống như quả lê hoặc giọt mưa”, Arne Rau, nhà vật lý thiên văn của Viện nghiên cứu vật lý ngoài trái đất tại Đức, nhận xét.

Vật chất từ ngôi sao nhẹ hơn va vào ngôi sao nặng hơn. Sự va chạm này tạo ra những chùm sáng và năng lượng – những thứ khiến các nhà thiên văn chú ý tới HM Cancri từ hơn 10 năm trước.

Ngoài HM Cancri, nhóm chuyên gia thiên văn còn phát hiện một cặp sao xoay quanh nhau trong 9,6 phút. Đây là cặp sao có tốc độ xoay nhanh thứ hai sau HM Cancri.

Theo VnExpress
  • 3,34
  • 1.790