Cây cối cũng có “bảo kê”

  •   3,84
  • 2.075

Cây mù tạc đen đã “thuê” các chiến binh ong bắp cày tới bảo vệ nó trước sự xâm chiếm của một con bướm. Đây là minh chứng rõ ràng cho việc cây cối cũng có “bảo kê”, theo một nghiên cứu mới.

Theo trang Live Science, cây cối thường phát đi các tín hiệu hóa học cảnh báo nguy hiểm khi chúng bị bệnh dịch, vật gây hại và thậm chí cả máy xén cỏ tấn công.

Một con ong bắp cày ký sinh đang tấn công các trứng bướm đẻ trên cây mù tạc đen.
Một con ong bắp cày ký sinh đang tấn công các trứng
bướm đẻ trên cây mù tạc đen. (Ảnh: Live Science)

Cây mù tạc đen - một họ hàng của cây rau cải - luôn sản sinh ra các chất hóa học được gọi là “chất bốc hơi của cây” khi xuất hiện một con bướm có ý định cư trú trên các lá của nó. Một nhóm các nhà nghiên cứu châu Âu đã tìm hiểu về vai trò của những tín hiệu này trong việc xây dựng khả năng phòng vệ của cây.

Trong báo cáo kết quả nghiên cứu đăng tải trên số mới phát hành của tạp chí PLoS ONE, các tác giả cho biết, cây mù tạc đen tỏa ra một mùi đặc trưng khi các con bướm trắng lớn có tên khoa học Pieris brassicae đẻ trứng trên lá của nó. Mùi hương này vừa có tác dụng xua đuổi các con bướm mang thai khác đẻ thêm trứng lên cây, vừa giúp thu hút 2 loài ong bắp cày ký sinh Trichogramma brassicae Cotesia glomerata.

Theo nhóm nghiên cứu do chuyên gia Nina Fatouros đến từ Đại học Wageningen (Hà Lan) dẫn đầu, các con ong bắp cày nhào tới và tập kích trứng bướm cũng như sâu bướm nở ra từ đó. Cơ chế bảo vệ nào ngăn cản bầy sâu bướm ăn dần ăn mòn lá của cây mù tạc đen. Đổi lại, các con ong bắp cày ký sinh sẽ được vỗ béo bằng trứng và sâu bướm.

Nghiên cứu phát hiện, phản ứng trên của cây mù tạc chỉ đặc biệt dành riêng đối phó với các con bướm Pieris brassicae. Khi một sinh vật gây hại kém phổ biến hơn, nhậy rau cải (Mamestra brassicae), đẻ trứng trên cây, các nhà nghiên cứu không thấy loài thực vật này tỏa mùi kêu gọi “bảo kê” như vậy.

Theo Vietnamnet, Livescience
  • 3,84
  • 2.075