'Cha đẻ' bom nhiệt hạch của Liên Xô qua đời

  •   45
  • 9.662

Vitaly Ginzburg, nhà vật lý lý thuyết vĩ đại người Nga, một trong những nhà khoa học phát triển bom nhiệt hạch (Bom H), đã qua đời sau một thời gian lâm bệnh ở tuổi 93.

Ginzburg sinh tại Moscow ngày 4/10/1916 trong một gia đình Do Thái. Ông chỉ học phổ thông trong vòng bốn năm rồi đi làm kỹ thuật viên cho một phòng thí nghiệm tia X tại một học viện kỹ thuật giáo dục trung học ở địa phương.

Từ đó, ông bắt đầu cảm thấy yêu thích bộ môn vật lý và năm 1933, quyết định vào ĐH Moscow. Chỉ trong vòng 9 năm, Ginzburg đã lấy bằng tiến sĩ khoa học và được gia nhập Viện Vật lý Lebedev thuộc Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô năm 1942.

Chân dung Vitaly Ginzburg, khi còn là trưởng khoa lý thuyết tại viện Vật lý Lebedev, Moscow.

Sau Thế chiến thứ 2, Ginzburg trở lại Lebedev làm việc trong khoa lý thuyết của viện. Năm 1948, ông trở thành thành viên của nhóm phát triển bom nhiệt hạch của Liên Xô.

Đóng góp chủ yếu của Ginzburg là đề xuất sử dụng Liti-6 làm nhiên liệu hạt nhân, một ý tưởng mang lại khả năng chế tạo bom nhiệt hạch trong thực tế. Việc chế tạo bom nhiệt hạch đã giúp Liên Xô có đủ sức mạnh trở thành đối trọng kiềm chế Mỹ trong thời kỳ chiến tranh lạnh.

Vụ nổ trái bom nhiệt hạch “thực” đầu tiên của Liên Xô trong cuộc thử nghiệm RDS-37. Ginzburg đã đóng góp một phần không nhỏ trong thành công này.

Mặc dù Ginzburg khởi đầu với tư cách một nhà vật lý thực nghiệm trong lĩnh việc quang học, nhưng ông nhanh chóng nhận ra thế mạnh của mình là vật lý lý thuyết và đã tham gia vào nhiều lĩnh vực vật lý thiên văn khác nhau.

Trong cuộc đời, ông có nhiều nghiên cứu về các lĩnh vực vật lý như lý thuyết siêu dẫn, cách thức sóng điện từ truyền qua vật chất plasma, nguồn gốc bức xạ vũ trụ và đặc tính triệt tiêu sức căng bề mặt (siêu chất lưu) của Heli lỏng.

Ginzburg được bổ nhiệm làm trưởng khoa lý thuyết tại Viện Lebedev từ năm 1971 đến 1988, khi ông về hưu. Tuy vậy, thời gian sau đó, ông tiếp tục có những buổi seminar nổi tiếng hàng tuần mà ông đã duy trì từ những năm 1950.

Năm 1998, Ginzburg đảm đương vai trò Tổng biên tập của tập san khoa học Uspekhi Fizicheskikh Nauk cho đến cuối đời.

Là một người trung thành với chủ nghĩa vô thần, ông đặc biệt phản đối việc đẩy mạnh thuyết sáng tạo (một học thuyết thần học) là nền tảng của khoa học. Trong một bài phỏng vấn với physicsworld.com, ông cho biết: “Tôi bị thuyết phục rằng tương lai của loài người liên quan đến sự tiến bộ khoa học và tôi tin chắc chắn rằng, một ngày nào đó các tôn giáo sẽ chuyển sang giai đoạn không cao hơn địa vị của thuật chiêm tinh”. Ông cũng để lại một câu nói nổi tiếng: “Giả sử tôi có tin vào Chúa thì mỗi sáng thức dậy tôi sẽ cầu nguyện: Cảm ơn Người đã sinh ra con là một nhà vật lý lý thuyết”.

Vitaly Ginzburg nhận giải Nobel Vật lý năm 2003.

Với những nghiên cứu của mình, Ginzburg đã đạt rất nhiều giải thưởng như giải thưởng Liên Xô năm 1953, Huân chương Lenin năm 1966, Giải vàng Lomonosov năm 1995 và đặc biệt là giải Nobel năm 2003, nhận chung với hai nhà khoa học Alexei Abrikosov và Anthony James Leggett trong một công trình về siêu dẫn và siêu chất lưu.

Theo Báo Đất Việt
  • 45
  • 9.662