Cha đẻ của thụ tinh ống nghiệm nhận giải Nobel Y học

  •  
  • 1.461

TS Robert G. Edwards, cha đẻ của phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, đã vinh dự là chủ nhân của giải Nobel Y học năm nay. Kết quả giải thưởng vừa được công bố lúc 16g30 ngày 4-10 (giờ VN).

Ông Robert G. Edwards (phải), cha đẻ của phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, chủ nhân của giải Nobel Y học 2010.

Theo Ủy ban giải Nobel, ông Edwards (Anh) được vinh danh nhờ đã đem đến niềm vui làm cha mẹ cho khoảng 4 triệu người trên thế giới.

TS Robert G. Edwards sinh ngày 27-9-1925 ở Leeds, là nhà sinh lý học người Anh tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu khả năng sinh sản ở người, đặc biệt là sinh sản bằng thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).

Cùng với bác sĩ phẫu thuật Patrick Steptoe, ông Edwards đã đưa đến sự ra đời của em bé thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên trên thế giới là Louise Joy Brown vào ngày 25-7-1978.

Sau khi tốt nghiệp trường Manchester Central High School, ông Edwards đã phục vụ trong Quân đội Anh, sau đó theo học tại khoa nông nghiệp Trường ĐH Wales, Bangor.

Tiếp đó, ông theo học tại Viện di truyền học động vật, ĐH Edinburgh. Ông lấy bằng TS năm 1955. Năm 1963, ông làm việc cho ĐH Cambridge.

Đây là kết quả gây bất ngờ bởi trước đó, nhiều chuyên gia dự đoán giáo sư Shinya Yamanaka của Nhật sẽ “rinh” giải này. Giáo sư Shinya Yamanaka - công tác tại ĐH Kyoto - là người đã khám phá ra cách tạo tế bào mầm từ tế bào da thông thường thay vì từ phôi thai người.

Phát hiện này đã gây chấn động giới khoa học khi nó được công bố vào năm 2007 vì giúp tránh được những tranh cãi đạo đức bởi trước đó, các nhà khoa học phải sử dụng trứng người để tạo phôi, sau đó phá hủy phôi để chiết xuất tế bào mầm.

Năm 2009, giáo sư Yamanaka đã được trao giải Lasker Award nhờ phát hiện trên. Lasker Award là giải thưởng uy tín của Mỹ trong lĩnh vực nghiên cứu y học cơ bản, thường được gọi là “Giải Nobel của nước Mỹ” và được coi là một “giải tiên báo” cho giải Nobel Y học. Trong lịch sử, nhiều người đoạt giải Lasker Award đã được trao giải Nobel Y học sau đó.

Trước đó AP cũng dự đoán cùng với giáo sư Yamanaka, Giải Nobel Y học năm nay rất có thể sẽ được chia cho các nhà nghiên cứu người Canada là Ernest McCulloch và James Till nhờ công nhận dạng ra tế bào mầm; hoặc nhà tiên phong trong sinh sản vô tính John Gurdon (Anh).

Những cái tên khác cũng được cho là nhiều khả năng được trao giải Nobel Y học là nhà khoa học Ralph Steinman (Mỹ) với công trình nghiên cứu khám phá ra các tế bào có khả năng điều chỉnh phản ứng miễn dịch; bộ ba nhà khoa học Ronald Evans - Elwood Jensen - Pierre Chambon (Pháp, Mỹ) với công trình nghiên cứu các thụ quan hormone hạt nhân; hai nhà khoa học Douglas Coleman - Jeffrey Friedman (Mỹ) với phát hiện hormone gây thèm ăn, mở ra bước đột phá trong nghiên cứu bệnh béo phì…

Cũng như mọi năm, chủ nhân giải Nobel Y học năm nay sẽ được nhận 1,5 triệu USD, giấy chứng nhận và một huy chương vàng.

Theo Tuổi trẻ
  • 1.461