Châu Âu phóng vệ tinh Galileo đầu tiên

  •  
  • 189

Giove-A được phóng đi trên một tên lửa Soyuz

Một kỷ nguyên mới trong hệ thống vệ tinh định vị đã được bắt đầu khi vệ tinh thử nghiệm đầu tiên Giove-A thuộc hệ thống vệ tinh Galileo được phóng vào quỹ đạo vào sáng 28-12.

Vệ tinh Giove-A nặng 600 kg được phóng vào quỹ đạo trên một tên lửa Soyuz từ sân bay vũ trụ Baikonur, Kazakhstan vào lúc 11 giờ 19 phút giờ địa phương (05 giờ 19 phút giờ quốc tế).

Giove-A sẽ chứng minh các công nghệ quan trọng cần cho Galileo, hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu của châu Âu trị giá 3,4 tỷ euro (4 tỷ USD) mà châu Âu hy vọng sẽ triển khai vào năm 2010.

Một khi đã được triển khai đầy đủ, Galileo sẽ là một cuộc cách mạng trong phương pháp định vị: sử dụng các tín hiệu thời gian và không gian chính xác từ vũ trụ. 

Chúng tôi đang nhắm tới cung cấp khả năng định vị chính xác với khoảng cách 1m ở bất cứ điểm nào trên trái đất qua hệ thống dịch vụ Galileo “mở”, chứ không chỉ như hiện nay - định vị theo địa phương hay khu vực”, Javier Benedicto, giám đốc dự án Galileo cho biết.

Với việc sử dụng ba tín hiệu, chúng tôi sẽ giúp định vị chính xác đến từng centimet, hơn hẳn những dịch vụ hiện nay, và ngành công nghiệp châu Âu đang tiếp tục nghiên cứu để phát triển các ứng dụng này”, Javier nói thêm. 

Trong khoảng thời gian vài năm nữa, một con chip Galileo nhỏ sẽ được gắn vào điện thoại di động, cho phép người dùng có thể xác định vị trí các nhà hàng, khách sạn, rạp hát, bệnh viện hay các bãi đỗ xe.

Mô hình hoạt động của hệ thống vệ tinh định vị

Một con chip Galileo nhỏ sẽ được gắn vào điện thoại di động, cho phép người dùng có thể xác định vị trí các nhà hàng, khách sạn, rạp hát, bệnh viện hay các bãi đỗ xe

Hệ thống này cũng sẽ cung cấp các công cụ hiệu quả cho chính phủ các nước cần giám sát đường sá; củng cố thêm hệ thống kiểm soát giao thông hàng không của châu Âu, giúp các máy bay giữ khoảng cách an toàn và cho phép phi công bay đúng lộ trình và đúng độ cao.

Được châu Âu phóng đi vào năm 1999, dự án Galileo có mục tiêu giảm sự phụ thuộc của Liên minh châu Âu đối với hệ thống định vị toàn cầu (GPS) của Mỹ và Glonass của Nga vì những lý do về chiến lược và kinh tế. Các ứng dụng trong dự án này rất đa dạng như đặt máy tính trong các loại xe hơi đặc biệt, theo dõi những người phạm tội mang vòng điện tử, thăm dò dầu khí hay quy hoạch đường sá…

Theo các chuyên gia, các thiết bị đo đạc của Galileo được cải tiến, sẽ chính xác hơn 10 lần so với các thiết bị hiện có. Trong tương lai, Galileo cũng có thể được sử dụng kết hợp với 29 vệ tinh trong GPS. Các nhà khoa học cũng hy vọng ứng dụng Galileo trong các lĩnh vực nghiên cứu về kiến tạo địa tầng và khí tượng học.

Sắp tới, một số nước như Trung Quốc, Ukraine và Brazil sẽ tài trợ cho hệ thống này.

TƯỜNG VY

Theo Tuổi Trẻ
  • 189