Chim cổ đại bay bằng 4 cánh

  •  
  • 1.727

Loài chim cổ nhất mà con người biết tới có những chiếc lông ở chân, cho phép nó sử dụng đôi chân này như một đôi cánh phụ, một nghiên cứu mới đây tiết lộ điều đó.

Phát hiện, công bố trên tạp chí Paleobiology, ủng hộ giả thuyết rằng những loài chim cổ đại học cách lượn và 'nhảy dù' từ trên cây xuống trước khi thực hiện các chuyến bay thực thụ.

Một nghiên cứu mới tìm thấy archaeopteryx có những chiếc lông bay ở chi sau, đóng vai trò quan trọng cho hành vi bay

Một nghiên cứu mới tìm thấy archaeopteryx có những chiếc lông bay ở chi sau, đóng vai trò quan trọng cho hành vi bay. (Ảnh: LiveScience)

"Bài báo đã nêu ra một vài bằng chứng mạnh mẽ nhất rằng chim là hậu duệ của những kẻ biết lượn và liệng từ trên cây xuống, tương tự như những con sóc biết bay", tác giả nghiên cứu Nick Longrich, một nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Đại học Calgary ở Canada cho biết.

Archaeopteryx là một sinh vật cỡ con quạ, sống khoảng 150 triệu năm trước và có vẻ ngoài như là sự chuyển tiếp giữa chim và khủng long. Nó vừa có cánh và xương đòn giống như chim nhưng lại mang đặc điểm của bò sát như cái đuôi dài có xương, vuốt và răng.

Khi hoá thạch Archaeopteryx đầu tiên được tìm thấy năm 1861, nó gây ra xôn xao trong giới khoa học vì đây là một dạng động vật chuyển tiếp mà nhà tự nhiên học người Anh Charles Darwin chỉ ra trong học thuyết tiến hoá của ông chỉ vài năm trước đó.

Năm 1877, mẫu vật Archaeopteryx thứ hai được tìm thấy ở Đức, cho thấy một đặc điểm kỳ lạ: những sợi lông dài trên chân sau của nó. Trong một thế kỷ sau đó, những chiếc lông này bị hầu hết các nhà khoa học bỏ qua, chỉ xem nó như là lông "viền" - loại lông không có vai trò gì trong sự bay của con vật.


Một hóa thạch chim Archaeopteryx (Ảnh: LiveScience)

Nhưng khi đào bới năm 2002, các nhà khảo cổ bắt đầu tìm thấy những con khủng long 4 cánh ở Trung Quốc với lông trên chân sau đóng vai trò quan trọng cho việc lượn, thậm chí cả bay. Trước những phát hiện mới này, Longrich quyết định đã đến lúc xem xét lại Archaeopteryx.

Longrich đã kiểm tra những chiếc lông trên chân sau của 5 mẫu hoá thạch Archaeopteryx và phát hiện thấy những chiếc lông này có đặc điểm của những chiếc lông bay điển hình ở chim hiện đại, như các cuống cong, kiểu chồng lên nhau tự ổn định và tính không đối xứng (với những hàng lông tơ song song khiến cho một nửa của sợi lông trông dài hơn nửa bên kia).

Tiếp đó, Longrich sử dụng các mô hình toán học tiêu chuẩn cho hành động bay để tính toán xem một đôi cánh phụ sẽ ảnh hưởng thế nào đến việc bay của Archaeopteryx. Ông tìm thấy rằng lông trên chân sau cho phép Archaeopteryx bay chậm lại và đổi hướng đột ngột hơn.

Khả năng đổi hướng mạnh này sẽ nâng cao hiệu quả của con vật khi đuổi theo con mồi, khi trốn kẻ thù hoặc bay qua các nhánh cây rậm rạp. Trong khi đó, khả năng bay chậm lại đồng nghĩa với việc Archaeopteryx có thêm thời gian để tránh vật cản và thực hiện những cú hạ cánh an toàn hơn.

Longrich phỏng đoán rằng lông chân sau có thể đã đóng vai trò khác bổ sung cho hoạt động bay. Giống như ở chim bồ câu, mòng biển xira và kền kền hiện đại, lông chân sau của Archaeopteryx có thể là chiếc phanh, là bộ phận ổn định, bề mặt kiểm soát hoặc vỗ cánh.

T. An

Theo LiveScience, Vnexpress
  • 1.727