Cho con vào tủ lạnh vì... nói nhịu

  •  
  • 2.910

Có lần, Hà nhờ chồng bế con đặt vào nôi cho bé ngủ thì cô lại nói: “Anh ơi, đặt con vào tủ lạnh cho nó ngủ giúp em với” khiến chồng Hà mắt chữ A, miệng chữ O vì không hiểu vợ nói gì.

Bi hài chị em nói nhịu sau sinh

Sau khi sinh con, nhiều phụ nữ dù trước đó ăn nói rất lưu loát, chuẩn xác bỗng mắc tật nói nhịu. Nhiều khi định diễn đạt một đằng thì miệng lại phát ngôn ra một nẻo.

Đủ kiểu… nhịu

Sinh con đầu lòng, sau kỳ nghỉ thai sản bốn tháng, Hà (Thanh Trì, Hà Nội) trở lại với công việc là nhân viên chăm sóc khách hàng của một mạng điện thoại di động. Công việc của Hà là phải thường xuyên tiếp xúc, giải đáp mọi thắc mắc của khách hàng nên phải nói liên tục. Trước đây, điều này không có gì là khó khăn với Hà bởi cô là một người khá “hoạt ngôn”, ăn nói lưu loát. Thế nhưng sau một tuần đi làm lại, Hà khiến khách hàng nhiều phen há hốc miệng vì những phát ngôn “không ai có thể hiểu” của mình. Hà rất hay dùng từ “tủ lạnh” trong câu nói mà có khi chả liên quan gì. Có lần khách hàng vào hỏi về chương trình khuyến mại, lẽ ra Hà phải bảo họ là sang bàn bên cạnh có nhân viên phụ trách mảng đó giải đáp thì cô lại hướng dẫn khách “sang cái tủ lạnh bên cạnh” khiến vị khách đứng ngẩn ra không hiểu mình phải đi đâu.

Cho con vào tủ lạnh vì... nói nhịu
Phụ nữ thường bị stress trong thời kỳ nuôi con nhỏ. (Ảnh minh họa)

Trong thời gian nghỉ sinh ở nhà, Hà đã thấy mình thỉnh thoảng bị nhịu như vậy nhưng cô không để ý lắm. Như có lần, Hà nhờ chồng bế con đặt vào nôi cho bé ngủ thì cô lại nói: “Anh ơi, đặt con vào tủ lạnh cho nó ngủ giúp em với”. Chồng Hà phải hỏi lại mấy lần thì Hà mới nhận ra là mình nói nhịu. Rút kinh nghiệm, sau đó khi nào Hà để ý, nói chậm thì có đỡ “nhịu” hơn nhưng cứ nói nhanh là y rằng sẽ ra ngay… cái tủ lạnh!

Hiện tượng nói nhịu này cũng có rất nhiều kiểu. Có người thì giống như Hà, thường xuyên dùng một từ để nói trong mọi trường hợp khiến người nghe không hiểu gì. Có người gọi tên đồ vật lại nhầm thứ nọ sang thứ kia, gọi tên một người thì phải gọi đủ hết những người có mặt rồi mới gọi đúng được tên người cần gọi. Có người lại nói ngược kiểu xưng “mẹ” gọi mẹ chồng là “con” như chị Thủy 30 tuổi (Gia Lâm, Hà Nội). Sau khi sinh con, Thủy thường tự “phong chức” cho mình thành “mẹ” và “giáng” mẹ chồng xuống thành “con”. Mỗi khi nói chuyện với mẹ chồng, Thủy toàn gọi bà bằng con còn mình xưng là mẹ. Ngược lại khi nói với con thì Thủy lại gọi con là “mẹ” còn mình xưng là “con”. “Nhiều lúc cứ xưng hô ngon lành như thế mà không hề biết mình nói sai, mãi đến khi mọi người phát hiện và nhắc mình mới ngớ người ra”, Thủy cho biết.

Các bà, các bác đã lớn tuổi thì cho rằng nói nhịu là do lúc vừa sinh con xong không chịu kiêng cữ, ngồi trong màn nói với ra ngoài hoặc nói quá nhiều, nói to nên sau đó sẽ bị nói nhịu. Bà Phi, quê ở Trực Ninh, Nam Định, mẹ chồng Thủy cũng cho biết chính bà ngày trước cũng bị nói nhịu sau khi sinh mà lại toàn nói những từ rất… tục khiến không chỉ người nói xấu hổ mà người nghe cũng phải đỏ mặt.

Về chuyện “nhịu bậy” này thì ngày nay vẫn có người “không may” mắc phải chứ không chỉ các cụ ngày xưa. Như tâm sự của một bà mẹ trẻ trên một diễn đàn mạng. Chị kể có lần chồng ngồi gọt bưởi, gọt xong bảo chị mời mẹ đang ở phòng trong ra ăn. Thế là chị liền gọi với rõ to vào trong phòng: “Bà ơi, bà ăn b… không? Ngon lắm ạ!”. Rồi tự dưng chị thấy anh chồng nằm lăn ra nhà ôm bụng cười rũ đến gần 10 phút, nuớc mắt nuớc mũi dàn dụa. Chị vẫn ngơ ngác không hiểu chuyện gì. Lúc sau, chồng chị mới kéo vợ ra trước gương chỉ: “Nhìn cái mặt vợ tử tế thế này mà dám mời người lớn ăn b... ! Chịu vợ quá”. Lúc ấy, chị mới ngã ngửa người ra và mang máng nhớ lại, hình như mình vừa phát ngôn cái gì đó không được “hay ho” cho lắm. Chị bảo: “May mà hôm đó là mời bà ngoại chứ nếu là mẹ chồng thì có khi lại bị bà cho rằng con dâu cố tình chơi xỏ!”.

Không phải do không kiêng cữ

Theo bác sĩ Lê Minh Công, phó trưởng khoa tâm lý lâm sàng, Bệnh viện tâm thần trung ương 2, chuyên gia tư vấn của trung tâm tham vấn tâm lý Hoàng Nhân (Hà Nội), hiện tượng các chị em phụ nữ có biểu hiện hay quên hoặc nói nhịu như trên có thể là một dấu hiệu của trầm cảm. Theo số liệu nghiên cứu mà bác sĩ Công cung cấp, tại TP HCM hiện nay, tỷ lệ phụ nữ bị trầm cảm sau sinh chiếm khoảng 5- 8%. Với nhiều dạng biểu hiện khác nhau như lo âu, stress, thậm chí cả rối loạn tâm thần…

Cho con vào tủ lạnh vì... nói nhịu

Nói nhịu, hay chính là nói lầm, nói lẫn, không chuẩn các từ ngữ như bản thân muốn diễn đạt của các trường hợp trên đây không phải là do không kiêng, nói nhiều, nói to trong thời kỳ ở cữ như một số người vẫn nói mà có thể là một tình trạng stress sau sinh.

Trên thực tế, việc nói nhịu này không ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe nên mọi người cũng không có nhu cầu phải đến gặp bác sĩ nhờ giúp đỡ. Bác sĩ Công cho biết, bản thân ông chưa gặp bệnh nhân nào đến khám với biểu hiện như thế và do vậy cũng rất khó để đưa ra chuẩn đoán chính xác. “Đây mới chỉ là một triệu chứng mà để xác định được có phải là bệnh hay không và mức độ như thế nào thì cần phải xem xét kỹ càng hơn kết hợp với nhiều yếu tố khác nữa”, bác sĩ Công cho biết.

Bước đầu có thể cho rằng các biểu hiện này là do yếu tố tâm lý gây nên. Phụ nữ sau khi sinh con thường phải trải qua những biến động nhất định về tinh thần, đặc biệt là với những phụ nữ sinh con lần đầu. Lúc này cơ thể có sự đổi khác, sự xáo trộn về sinh hoạt như mất ngủ, những lo lắng cho em bé, lo lắng về tài chính, ưu phiền về ngoại hình, tâm trạng bất an, quan hệ tình dục vợ chồng sau sinh nhiều trường hợp cũng không tốt như trước… những yếu tố đó dễ tác động khiến người phụ nữ rơi vào tình trạng stress.

Nói nhịu là biểu hiện của rối loạn hành vi ngôn ngữ, do suy nhược thần kinh nên mất kiểm soát hoặc kiểm soát không chuẩn lời nói ra mặc dù ý thức vẫn bình thường. Tương tự, chứng hay quên sau sinh của phụ nữ cũng là một biểu hiện của stress, nhiều bà mẹ bỗng trở nên lơ đãng, mất tập trung và thường mắc những lỗi như quên khóa cửa nhà khi đi ra ngoài, quên điện thoại, quên ví khi đi chợ, quên cài cúc áo, kéo khóa quần…

Tuy nhiên những biểu hiện ban đầu như thế này chưa thể khẳng định được là bệnh lý. Nếu thấy bất tiện và ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống hàng ngày, các bà mẹ nên đến các cơ quan tham vấn tâm lý để được tư vấn, sàng lọc, nếu thực sự có bệnh thì sẽ được các bác sĩ chuyên khoa chỉ định phương pháp điều trị.

Những rối loạn sau sinh kiểu này theo bác sĩ Công khuyên là nên phòng ngừa từ trước. Các bà mẹ đừng quá lo lắng, suy nghĩ nhiều mà hãy sắp xếp công việc và thời gian nghỉ ngơi hợp lý để luôn đảm bảo sức khỏe thể chất và tinh thần được tốt nhất. Còn nếu có tình trạng này rồi thì không chỉ riêng người phụ nữ cần cố gắng vượt qua mà rất cần sự hỗ trợ, giúp đỡ của người thân trong gia đình, đặc biệt là người chồng nên quan tâm chăm sóc và chia sẻ công việc với người vợ, tạo cho họ có được sự thoải mái nhất định về tâm lý thì sẽ hạn chế được tình trạng trên.

Theo Đất Việt
  • 2.910