Chớ lạm dụng nước súc miệng

  •  
  • 1.245

Nước súc miệng phần lớn đều chứa hoạt chất tẩy, nếu sử dụng quá liều lượng hay sử dụng không đúng cách (ngậm quá lâu, sử dụng quá nhiều lần) sẽ gây ảnh hưởng đến màng da mỏng bên trong miệng.

Mốt thời thượng

Không nên dùng quá liều lượng hay sử dụng không đúng cách nước súc miệng
Không nên dùng quá liều lượng hay sử dụng không đúng cách nước súc miệng (Ảnh: octusa)
Lần đầu tiên xuất hiện và được nhiều người biết đến bởi sự quảng cáo rầm rộ là "đại gia" L. (Thái Lan) "đẩy" sản phẩm vệ sinh răng miệng loại thứ yếu này thành mốt "thời thượng" trong giới trẻ với ba màu xanh ngọc, vàng óng ánh và xanh bạc hà.

Tiếp theo đó là hàng loạt các nhãn hiệu được sản xuất từ nhiều quốc gia "ồ ạt" tham gia thị trường VN như: O. (Anh), A S, L. (Mỹ), T. (Đức), F. (Nhật), A. (Hàn Quốc) v.v... với chai lọ có dung tích từ 250ml đến 950ml gồm đủ mùi vị cay, the và được giới thiệu chiết xuất từ hương liệu bạc hà, chanh, vani, hương hoa và cả loại không mùi.

Giá bán loại sản phẩm này cũng rất cao (chẳng hạn loại L. USA 950 ml tới 175.000 đồng/chai; L. giá từ 42.000- 95.000 đồng/chai, tùy theo dung tích, O. giá 32.000 đồng/chai loại 300ml; A S giá 132.000 đồng/chai750ml...).

Chị Lê Hoàng Minh Anh, chủ quầy tạp hóa B36 ở chợ An Đông (Q.5- TPHCM), tiết lộ: "Mặt hàng nước súc miệng hiện nay bán khá chạy. Hàng "bổ" đi các tỉnh có số lượng đáng kể". Nhiều khách hàng đã sử dụng cho biết, loại sản phẩm này nếu đã "lỡ" xài mà không dùng tiếp sẽ cảm thấy "khó chịu".

Sự thật

Theo các nhà chuyên môn thành phần chính trong nước súc miệng gồm các chất: Fluor, sorbitoc, ethlanol, block copolimer, sodium, hương liệu và phẩm màu...

Công dụng được ghi trên bao bì của hầu hết các nhãn hiệu là khử trùng miệng, chống viêm nướu, giảm vi khuẩn gây hôi miệng và các mảng bám trên răng, chống sâu răng và làm cho răng chắc khỏe, tạo hơi thở thơm tho...

Tuy nhiên, TS-BS Phạm Xuân Sáng, giảng viên Trường Đại học Y Dược TPHCM, cho biết các loại mùi trong nước súc miệng chủ yếu chỉ làm cho vị giác cảm thấy thích thú, thực ra chúng không có tác dụng làm trắng răng.

Phần lớn đều chứa hoạt chất tẩy, nếu sử dụng quá liều lượng hay sử dụng không đúng cách (ngậm quá lâu, sử dụng quá nhiều lần) sẽ gây ảnh hưởng đến màng da mỏng bên trong miệng.

Bên cạnh đó, một số sản phẩm có nồng độ fluor "hơi nhiều", nếu dùng lâu ngày sẽ dẫn đến tình trạng nhiễm fluor trên răng, có thể tạo ra các đốm đen hoặc vàng trên răng, thậm chí làm giảm sức đề kháng của răng.

Cũng theo TS-BS Phạm Xuân Sáng, nước súc miệng không thể làm trắng răng mà chỉ có tác dụng làm sạch các vết bẩn bám trên răng, vì vậy nếu là người bị chứng bệnh hôi miệng do bệnh lý gây nên, có dùng nước súc miệng sau khi ăn cũng chỉ là để "đối phó" tạm thời trong thời gian ngắn. Nếu cố ý dùng nhiều sẽ gây khô miệng do trong sản phẩm có nồng độ cồn khá cao.

Cách tốt nhất là nên đi khám chuyên khoa răng-hàm-mặt để được bác sĩ hướng dẫn điều trị cụ thể.

Đặc biệt, loại sản phẩm này rất "kỵ" trẻ em. Nếu trẻ nhỏ lỡ nuốt phải trong lúc súc miệng có thể gây rối loạn tiêu hóa hoặc ảnh hưởng đến não bởi chất fluor có khá nhiều trong thành phần tạo phẩm... 

Theo Người Lao động, VTV
  • 1.245