Chữa bệnh lở mồm long móng gia súc bằng Anolit

  •  
  • 1.282

Hơn 2.000 bò, 4.600 lợn tại 37 xã thuộc Lâm Đồng đang mắc bệnh lở mồm long móng, theo số liệu của Sở Nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh. Hàng nghìn hộ nông dân phải đối mặt với tình trạng gia súc chết vì bệnh. Nhiều người đã sử dụng nước muối điện Anolit để chữa bệnh cho gia súc khá hiệu quả.

Chuyên gia thú y chữa bệnh lở mồm long móng bằng Anolit

Chuyên gia thú y chữa bệnh lở mồm long móng bằng Anolit (Ảnh: vietnamgateway)

Chuyến khảo sát trưa 8/5 của Đoàn gồm Sở Khoa học công nghệ, Nông nghiệp phát triển nông thôn, Chi cục thú y tỉnh cùng đại diện Trung tâm tư vấn đèn tiết kiệm điện năng và dung dịch hoạt hóa, điện hóa Hà Nội, đến các trang trại chăn nuôi có gia súc mắc bệnh trên địa bàn cho thấy, nhiều trại sử dụng Anolit để chữa bệnh, sát trùng môi trường... đã ngăn được bệnh lở mồm long móng tiến triển.

Thậm chí có trại 7 ngày qua không còn phát sinh trường hợp nhiễm bệnh mới, trong khi bò bị nhiễm bệnh hầu hết đã lành nhờ dùng Anolit. 15 trong tổng số đàn bò 67 con của gia đình anh Phạm Hồng Sơn ở phường 7, thành phố Đà Lạt đã bị nhiễm bệnh lở mồm long móng. Trong đó, 7 con gần đến giai đoạn bỏ ăn hoàn toàn. Ngày 4/5, anh Sơn phun và cho bò uống Anolit buổi sáng. Buổi chiều, anh thông báo, bò bệnh đã ăn trở lại.

Tương tự, 2 con bò nhiễm bệnh trong đàn gia súc của anh Vương Đình Chu ở thôn Đa Nghịt, huyện Lạc Dương, cũng cho hiệu quả tương tự.

Nước muối điện Anolit

Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải, Giám đốc Trung tâm tư vấn đèn tiết kiệm điện năng và dung dịch hoạt hóa, điện hóa Hà Nội, cho biết, Anolit có thành phần gồm nhiều chất oxy hóa mạnh, chủ yếu là axit Hypochlorous và các chất gốc Clo, oxy. Dung dịch được điều chế bằng phương pháp điện hóa từ muối ăn sạch.

Ông Khải cũng khẳng định, Anolit có thể diệt được cả những chủng virus, vi khuẩn có sức đề kháng mạnh sau thời gian tiếp xúc ngắn, không độc hại môi trường, không ảnh hưởng tới sức khỏe người sử dụng vì có lượng Clo hoạt tính rất nhỏ.

Trước Lâm Đồng, nhiều tỉnh thành đã sử dụng Anolit để chữa bệnh cho gia súc một cách hiệu quả. Đầu năm nay, đàn lợn tại tỉnh Bình Dương mắc bệnh tiêu chảy đã qua cơn nguy kịch nhờ uống Anolit. Trước đó, năm 2003, phương pháp sử dụng Anolit đã được áp dụng cho những trang trại bò quy mô đến hàng nghìn con tại Quảng Ngãi, Phú Yên. Tình trạng bò cũng bị nhiễm bệnh lở mồm long móng. 3 ngày sau, dịch bệnh đã bị chặn đứng.

Dung dịch này có thể được dùng để phun xử lý chuồng trại hoặc cho gia súc uống, trộn chung với thức ăn. Vì Anolit có vị mặn, không mùi nên gia súc rất thích, dễ cho ăn.

Ông Khải cho rằng, ngoài ưu điểm hiệu quả chữa bệnh cao, quan trọng là chi phí đầu tư cho dung dịch này khá thấp. Giá bán bình quân hiện nay là 70 đồng/lít Anolit, nếu tính cả khấu hao máy móc thì chỉ đạt mức 250 đồng/lít.

Tháng 1 năm nay, châu Âu đã cho phép sử dụng Anolit để khử trùng thịt gia cầm. Trong khi Mỹ đã dùng dung dịch này từ năm 2000 với mục đích tương tự.

Nhiều trang trại đầu tư máy sản xuất Anolit

Theo ông Khải, chi phí đầu tư trang bị máy sản xuất Anolit theo dây chuyền ECAWA hiện nay khoảng 25-50 triệu đồng/chiếc tùy theo công suất. Mới đây, tỉnh Lâm Đồng quyết định lắp ráp máy sản xuất dung dịch Anolit để cung ứng cho nhu cầu người chăn nuôi trên địa bàn. Nhiều chủ trang trại lớn cũng bắt tay trang bị máy để chế biến Anolit.

Tại Bình Thuận, hiện nông dân trồng trái cây cũng sử dụng Anolit để bảo quản thanh long xuất khẩu và phòng, chữa bệnh lở mồm long móng cho gia súc. Tỉnh đã có 31 máy sản xuất dung dịch này.

Phó viện trưởng Viện Vệ sinh y tế công cộng Nguyễn Xuân Mai khẳng định, bệnh lở mồm long móng ở gia súc do Aphto virus gây ra, hiện không có thuốc chữa. Phương pháp điều trị hiệu quả nhất là sử dụng các loại dung dịch sát trùng chuồng trại và làm vệ sinh thân thể, vết thương của gia súc nhiễm bệnh.

Đối với dung dịch Anolit, ông Mai cho rằng đây là một ứng dụng mới khi sử dụng để điều trị bệnh cho gia súc. "Về mặt lý thuyết, có thể các nhà khoa học sẽ có ý kiến khác nhau về loại dung dịch này, tuy nhiên hiệu quả ứng dụng vào thực tế như thế nào sẽ là thước đo giá trị của sản phẩm", ông Mai nhấn mạnh.

Song, ông này cũng nhắc rằng, trên thực tế, nhiều trường hợp những loại thuốc đã sử dụng thường có tác dụng trong một thời gian ngắn, sau đó gia súc có thể tái phát bệnh. Do đó, cần phải theo dõi kỹ hơn tác dụng của Anolit trong một thời gian dài, trước khi ứng dụng rộng rãi.

Theo VnExpress, KHKT nông nghiệp
  • 1.282