Chữa liệt tay bằng dây thần kinh lấy từ chân

  •   3,52
  • 2.414

Bị trượt chân, vai đập xuống thềm nhà, chị Thu, ngụ ở Chợ Mới, An Giang, tưởng không nghiêm trọng nên chỉ dùng thuốc xoa. Nhưng 3 ngày sau, cánh tay của chị hoàn toàn tê cứng và liệt hẳn. Nhưng giờ đây, tay chị đã cử động được, nhờ một kỹ thuật mới.

Một nhánh dây thần kinh ở chân chị Thu đã được các bác sĩ Khoa vi phẫu tạo hình, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP HCM bóc tách và nối vào phần thần kinh bị tổn thương trên cánh tay. Đến 20/8, một tháng sau mổ, tay chị Thu đã có lại cảm giác. Cử động của chân sau khi bị lấy nhánh thần kinh vẫn bình thường.

Kiểm ta cảm giác sau phẫu thuật ghép dây thần kinh. (Ảnh: Thiên Chương)

Tương tự chị Thu, cú đập vai vào dãy phân cách trên quốc lộ trong một tai nạn giao thông đầu năm 2006 khiến cánh tay phải của anh Lê Kim Sơn, 22 tuổi, nhà ở Bà Rịa - Vũng Tàu, trở thành "vật thừa". 

Anh Sơn kể: "Lúc trước, tôi không tài nào nhúc nhích được cánh tay, nhưng 1 tháng sau phẫu thuật cắt nối dây thần kinh, kết hợp với vật lý trị liệu, tôi đã có thể cầm được nhiều vật dụng".

Bác sĩ Võ Văn Châu - Trưởng Khoa Vi phẫu tạo hình, người tiên phong trong kỹ thuật cấy ghép thần kinh điều trị liệt cánh tay tại Việt Nam, cho biết, kể từ khi ra đời (năm 2000) đến nay, ngoài chị Thu, anh Sơn, Khoa Vi phẫu tạo hình, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP HCM đã điều trị cho gần 500 bệnh nhân khác với kết quả rất khả quan.

"Việc cắt nối có hiệu quả hay không còn tùy thuộc vào tình trạng tổn thương. Trường hợp chỉ tổn thương mà không đứt dây thần kinh, bệnh nhân có thể tự hồi phục sau 10 tuần, nhưng khi dây thần kinh bị kéo giãn hoặc đứt khỏi tủy sống, cách duy nhất để bệnh nhân có thể cầm nắm là ghép dây thần kinh", bác sĩ Châu, nói.

Do phải theo dõi trong thời gian dài và việc phẫu thuật chỉnh hình có thể thực hiện nhiều lần nên chi phí điều trị tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ của bệnh. Một lần phẫu thuật mất khoảng 2 triệu đồng.

Theo thống kê của Trung tâm chấn thương chỉnh hình thành phố, 95% người bị liệt tay là do ngã xe máy. Các chấn thương kèm theo thường là gãy xương đòn, xương vai, xương tay hoặc chấn thương cột sống cổ.

Hiện nay, ngoài Trung tâm Chấn thương chỉnh hình TP HCM, bệnh nhân có thể liên hệ với một số bệnh viện tỉnh như: Nha Trang, Lâm Đồng, Cần Thơ, Đăklăk để được chữa trị.

Thiên Chương

Theo Vnexpress
  • 3,52
  • 2.414