Chuẩn bị cho ca ghép mặt đầu tiên trên thế giới

  •  
  • 1.251

Không lâu nữa các bác sĩ phẫu thuật tại Bệnh viện Cleveland sẽ thực hiện một ca giải phẫu quan trọng. Trong vài tuần tới, 5 người đàn ông và 7 phụ nữ sẽ bí mật đến bệnh viện Cleveland để được phỏng vấn cho một ca phẫu thuật quan trọng chưa bao giờ được thực hiện ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Đó là giải phẫn ghép da mặt. Họ sẽ cười, sẽ nhướng mày, nhắm mắt, mở miệng. Bác sĩ Maria Siemionow sẽ nghiên cứu xương má, môi và mũi của họ. Bà sẽ hỏi họ hy vọng có được điều gì và lo sợ điều gì nhất. Sau đó bà sẽ hỏi: "Anh/chị có sợ là mình sẽ trông giống một người khác không?" Bởi vì cho dù bà chọn ai thì người đó cũng sẽ phải chịu cơn khủng hoảng nhân dạng này mãi mãi.

Đây không phải là một màn trình diễn trên truyền hình. Đây là một biên giới y học đang được một bác sĩ khám phá và bà muốn công chúng hiểu được những việc bà đang cố gắng làm. Việc đó là: đem đến cho những người bị biến dạng gương mặt kinh khủng do bị phỏng, do tai nạn hay những bi kịch khác một cơ hội có một cuộc sống mới. Những phương pháp điều trị tốt nhất ngày nay vẫn để lại cho nhiều người trong họ những mô sẹo, những dấu vết quằn quại trông không giống hoặc không thể cử động như một lớp da bình thường. Những người này vốn đã đánh mất cảm giác nhận dạng có liên quan đến gương mặt; việc cấy ghép chỉ "cởi bỏ lớp bao da bên ngoài" và lấy đi nhân dạng bên trong của họ mà thôi, theo Siemionow.

Những người ủng hộ biện luận trên kinh nghiệm của bà, sự hoạch định cẩn thận, nhóm chuyên gia được tập trung để giúp bà, và những thử nghiệm thành công trên các loài vật và hàng chục tử thi để hoàn hảo kỹ thuật này.

Nhưng những người chỉ trích thì nói rằng cuộc giải phẫu này có quá nhiều rủi ro so với một vấn đề không phải chuyện sống còn của con người như những cuộc cấy ghép các cơ quan khác. Họ vẽ ra một hình ảnh quái dị đáng sợ về một tình huống tệ nhất: một gương mặt cấy ghép bị phản ứng loại bỏ của cơ thể, khi đó tình hình bệnh nhân sẽ còn tệ hơn trước. Những mối lo ngại như vậy đã bào mòn các dự án cấy ghép mặt ở Anh và Pháp gần đây. Nói cho cùng, để làm thử việc này cần có một bệnh viện, một bác sĩ và một bệnh nhân sẵn sàng. Bệnh viện và bác sĩ đã có rồi, còn bệnh nhân thì hy vọng không lâu nữa sẽ có.

Một kết hợp của hai gương mặt?

Biểu mẫu "đồng ý phẫu thuật" nói rằng cuộc phẫu thuật này quá mới và những rủi ro của nó không thể lường hết được, vì vậy nên các bác sĩ cho rằng nội dung đồng ý để thông báo cho bệnh nhân không thể xác định được. Dưới đây là những gì biểu mẫu này nói với những người bệnh tương lai:

-Gương mặt của bạn sẽ được tách ra và thay thế bằng một gương mặt được hiến tặng của một người đã chết có cùng loại mô, độ tuổi, giới tính và màu da. Thời gian phẫu thuật từ 8 đến 10 tiếng; thời gian ở tại bệnh viện từ 10 đến 14 ngày.

-Các biến chứng có thể bao gồm nhiễm trùng khiến gương mặt mới của bạn bị đen sạm và cần phẫu thuật lần thứ hai hoặc cần tái tạo bằng cách ghép mô. Các loại thuốc ngăn phản ứng loại bỏ của cơ thể có thể phải dùng suốt đời, và chúng sẽ làm tăng nguy cơ tổn thương thận và ung thư.

-Sau cuộc phẫu thuật bạn có thể cảm thấy hối hận, thất vọng, đau buồn hoặc cảm giác tội lỗi với người hiến tặng. Bệnh viện sẽ cố gắng bảo vệ nhân dạng của bạn, nhưng rất có thể báo chí sẽ phát hiện ra.

-Bệnh viện sẽ thanh toán mọi chi phí cho bệnh nhân đầu tiên; chi phí cho các bệnh nhân khác chưa được quyết định.

Một biểu mẫu khác nói với gia đình của người hiến tặng gương mặt rằng người được nhận gương mặt sẽ không giống người thân đã mất của họ. Người nhận có thể trông giống như gương mặt mình trước khi bị thương bởi vì lớp da mới được phủ lên xương và mô cơ hiện tại, là những yếu tố định hình gương mặt.

Tất cả những yếu tố nhỏ nhất làm nên các biểu hiện mặt - những kiểu cách như nháy mắt khi đang kể chuyện cười hoặc đỏ mặt khi được khen tặng - có liên quan đến bộ não và tính cách chứ không được bao gồm trong lớp da. Một số nghiên cứu cho thấy kết quả cuối cùng sẽ là sự kết hợp của hai gương mặt. Các bác sĩ phẫu thuật sẽ ghép da để che lại gương mặt của người hiến tặng, những người này sẽ được hỏa táng.

Một giải pháp tốt hơn cho các vết thương

Phải mất hơn một năm mới có được sự chấp thuận của 13 thành viên trong ban kiểm tra xem xét của bệnh viện, người giám sát các hoạt động nghiên cứu. Siemionow đã tập trung các bác sĩ phẫu thuật, các chuyên gia tâm lý, các nhà hoạt động xã hội, các nhà trị liệu, y tá và những bệnh nhân ủng hộ, đồng thời làm việc với LifeBanc, tổ chức thu thập các cơ quan của cơ thể mà bà hy vọng sẽ giúp bà tìm kiếm một gương mặt.

Lúc đầu, không ai về phe với bà cả, phó chủ tịch ban, bác sĩ Alan Lichtin, thừa nhận. Sau nhiều tháng tranh luận, Siemionow đưa ra những bức ảnh của các bệnh nhân. Nhìn những bức ảnh méo mó này, Lichtin nói ông giật mình trước "thất bại của nghệ thuật hiện tại trong việc giúp đỡ những người này". Ông quyết định rằng ông không muốn tước đoạt một cơ hội của vị bác sĩ này và các bệnh nhân. Quyết định của ban không cần phải có sự thống nhất. Và cuối cùng thì tất cả đều đồng ý với nhau.

Các bác sĩ đều ước gì họ có thể làm một phẫu thuật sáu năm về trước, khi một bé trai 2 tuổi bị một con chó pit bull tấn công được đưa đến Đại học Texas ở Dallas nơi bác sĩ Karol Gutowski đang được đào tạo. Các bác sĩ khác đã cố gắng nối lại phần mặt tơi tả của em bé nhưng không thành công. Các bác sĩ phẫu thuật Texas đã phải làm 5 cuộc giải phẫu ghép da trong một cuộc phẫu thuật đẫm máu kéo dài 28 giờ. Cơ đùi em bé được cắt ra đắp lên quanh miệng. Một phần bụng của em được ghép vào phần dưới mặt. Hai cẳng tay trở thành môi và miệng.

"Cậu bé sẽ không bao giờ bình thường lại được", bác sĩ Gutowski, giờ là một bác sĩ phẫu thuật tạo hình ở Đại học Wisconsin-Madison, cho biết.

Sống sót sau những vết thương như thế có thể là một "cuộc sống với 1.000 vết cắt". Bệnh nhân phải chịu hàng tá cuộc phẫu thuật để lấy da từng inch một từ các phần lưng, tay, mông và chân. Mỗi lúc họ chỉ lấy được một miếng nhỏ vì khi cắt như vậy máu chảy nhiều.

Bệnh nhân thường phải trở lại bệnh viện sau mỗi vài tuần, mở lại vết thương cũ để đắp thêm da. Nhiều năm sau, nhiều bệnh nhân vẫn còn phải chịu phẫu thuật. Một phẫu thuật cấy ghép mặt - ghép nguyên một tấm da trong một cuộc phẫu thuật - có thể là một giải pháp tốt hơn.

Dù vậy, nó vẫn cần nhiều cuộc tiểu giải phẫu. Một hoặc hai phần tĩnh mạch và động mạch ở một trong hai bên gương mặt sẽ được nối từ mô mặt của người hiến tặng đến bệnh nhân. Khoảng 20 đầu dây thần kinh cần được khâu lại để cố gắng phục hồi cảm giác và cử động. Những mũi khâu nhỏ xíu sẽ neo chặt mô mặt mới với da đầu và cổ bệnh nhân, cũng như khu vực xung quanh mắt, mũi và miệng.

"Trong 10 năm tới, điều này có thể thực hiện được", theo bác sĩ John Barker, giám đốc nghiên cứu giải phẫu thẩm mỹ ở Đại học Louisville, nơi diễn ra cuộc phẫu thuật ghép tay đầu tiên ở Mỹ vào năm 1999.

Vài năm trước, các bác sĩ ở đây đã thông báo về dự định tiến hành phẫu thuật ghép mặt nhưng không một bệnh viện nào đồng ý cả. Họ cũng làm việc với các bác sĩ ở Hoà Lan nhưng không có tiến triển.

Tuy nhiên, trong thời gian đó Siemionow đã bắt tay thực hiện các thí nghiệm căn bản. Bà đã có các sinh vật tương tự như những con gấu trúc bị đổi mặt - những con chuột trắng với cái mặt lông sẫm - sau nhiều năm thí nghiệm cấy ghép mặt. Bà đã phát triển một dự án và có được sự chấp thuận của bệnh viện trước khi đưa ra công chúng, và bà khẳng định rằng mình không hề cạnh tranh để tiến hành ca ghép mặt đầu tiên. "Tôi hy vọng không ai quá phù phiếm hay làm mọi chuyện chỉ để nổi tiếng. Chúng ta cần phải rất thận trọng", bà nói.

Siemionow, 55 tuổi, học y khoa ở Ba Lan, được đào tạo ở Châu Âu và Mỹ, bà đã làm hàng ngàn cuộc phẫu thuật trong gần 30 năm. Lần này có thành công hay không tùy thuộc vào việc lựa chọn bệnh nhân có phù hợp hay không.

'Một cơn ác mộng không bao giờ chấm dứt'

Bà muốn có một ca bệnh đầu tiên hoàn hảo. Không chọn trẻ em vì rủi ro có thể rất lớn. Không chọn các bệnh nhân ung thư vì thuốc chống phản ứng loại bỏ làm gia tăng nguy cơ tái phát bệnh.

"Bạn muốn chọn những bệnh nhân bị biến dạng thật sự chứ không phải một người chỉ có một vết sẹo nhỏ" nhưng người này phải có một làn da mạnh khỏe đủ để thực hiện phương pháp ghép da truyền thống nếu chẳng may phẫu thuật ghép mặt thất bại, bà nói. Người này phải có một sự ràng buộc với nhóm cấy ghép, nhất là với Siemionow. Bà muốn biết rõ đến mức nào về người này? "Mọi thứ đều có thể. Đây là một sự cam kết với cả hai bên", bà nói.

Bác sĩ Joseph Locala sẽ quyết định liệu các ứng viên có phù hợp về mặt tâm lý hay không. Mối quan tâm duy nhất của ông là phải bảo đảm họ nhận thức được những rủi ro của mình. "Họ cần phải hiểu tường tận gần như các bác sĩ phẫu thuật", ông nói.

Là một nhà tâm lý từng làm việc với các bệnh nhân cấy ghép hơn 11 năm, Locala biết họ thường được hướng dẫn nên nói gì để được chọn lựa. Ông phản đối những ứng viên nghiện rượu hay ma túy, vì có thể họ sẽ không làm theo các quy định y khoa.

Ông cũng phản đối những người đã từng thử hoặc từng đe dọa tự sát, hoặc những người được quá ít người thân hay bạn bè ủng hộ. "Tôi tìm kiếm một con người mạnh mẽ về mặt tâm lý. Chúng tôi cần những người có thể vượt qua mọi khó khăn", ông giải thích.

Bác sĩ James Zins, chủ tịch hội phẫu thuật thẩm mỹ, ước tính sẽ có khoảng 10 đến 12 bác sĩ tham gia ca cấy ghép này và ông đang xem xét các bệnh nhân. "Chúng tôi nhận được nhiều cuộc gọi khá lạ lùng của những người không thật sự là bệnh nhân", ông nói. Nếu một người được chọn thì "họ phải được sự chấp thuận của mọi thành viên trong nhóm".

Có vẻ như Matthew Teffeteller là một ứng viên lý tưởng. Chuyện râu cằm khiến anh muốn phát điên. Những sợi râu không thể mọc xuyên qua lớp đệm ghép da mà các bác sĩ ở Đại học Vanderbilt đã khâu đắp vào mặt anh khi anh bị cháy quắt một phần mặt trong một tai nạn xe hơi. Bị kẹt dưới lớp vỏ này, những sợi râu mưng mủ và thối rữa khiến anh bị nhiễm trùng khuẩn cầu, làm đau đớn, và những cuộc phẫu thuật tiếp tục.

"Đó là một cơn ác mộng không bao giờ chấm dứt", anh nói, "Bị thiêu sống là điều tệ nhất có thể xảy ra với bạn. Tôi hầu như chắc chắn điều đó".

Teffeteller, 26 tuổi, sống ở miền nam Knoxville, tại những chân núi của dải Great Smoky Mountains ở Công viên Quốc gia, nơi anh làm lính cứu hỏa. Một ngày sau Lễ Valentine năm 2002, anh đưa cô vợ đang mang thai đi mua một cái nón cowboy và đi khiêu vũ nhân kỷ niệm một năm ngày cưới.

"Chuyện tiếp theo mà tôi còn nhớ là tất cả bỗng vỡ tan... một vụ đụng xe nghiêm trọng. Tôi nhớ mình đã thấy xăng phụt vào kính chắn gió", anh kể. Bị một chiếc xe vận tải đâm vào phía sau, chiếc xe của anh tung lên và bốc cháy. Vợ anh chết. Anh thì bị bỏng nặng trong lúc cố gắng tìm cách cứu vợ mình. "Họ nói mặt tôi đen như than", anh nói.

Anh không buồn nhìn lại gương mặt mình trong suốt hai tháng, cho đến một ngày anh liếc thấy mình trong gương trên đường đi trị liệu. "Trời ạ", anh kể, "Tôi còn nhớ khi nhìn thấy cặp mắt mình lồi ra. Hai tai tôi cháy trụi, còn môi dưới của tôi thì trễ xuống". Ba năm sau đó, gương mặt anh vẫn khiến bọn trẻ khiếp sợ. Nhưng anh vẫn không muốn thử cấy ghép. "Mang gương mặt của một người khác... điều đó thật không đúng đắn. Khi nhìn vào gương, tôi có thể hoảng sợ nhưng tôi vẫn biết đó chính là mình", anh nói.

"Tôi cũng sợ một điều gì đó có thể sai lầm. Bạn sẽ làm gì nếu bạn không có một gương mặt? Bạn có thể sống được không?"

Nhà y đức học Carson Strong ở Đại học Tennessee cũng băn khoăn với câu hỏi này. "Bệnh nhân sẽ bị một vết thương mặt lớn hơn với những hậu quả nghiêm trọng tiềm tàng về mặt thể chất và tâm lý", ông viết trong Tạp chí Y đức Mỹ mùa hè năm ngoái.

Những câu hỏi đạo đức

Những mối lo ngại như thế đã khiến Đại học Phẫu thuật Hoàng gia Anh và Ủy ban Cố vấn Đạo đức Quốc gia Pháp quyết định không nên thử. Bất cứ một bác sĩ nào nghĩ đến chuyện đó cũng cần phải xem lại lương tâm mình, Strong viết.

Trớ trêu là những người bị tổn thương tình cảm nhất do bị biến dạng mặt lại chính là những người muốn được cấy ghép nhất và khó có thể đương đầu với những kết quả không bảo đảm cũng như sự chú ý của các phương tiện truyền thông và sự mất riêng tư nhất, theo các nhà đạo đức Anh viết trong cùng tạp chí này.

Một nỗi lo khác là gia đình người hiến tặng có thể sẽ trông đợi được nhìn thấy người thân của mình "sống lại" trong cơ thể một người khác, hoặc người nhận có thể muốn được xem và lựa chọn gương mặt "tiềm năng" của mình.

Điều đó không thể được, Siemionow nói. "Đây không phải là một cái siêu thị. Họ cần phải dựa vào sự xem xét của chúng ta. Nếu họ bắt đầu muốn lựa chọn thì họ không phải là những ứng viên tốt", bà nói.

Siemionow cho biết các nhà phê bình phải thừa nhận rằng giữa nguy cơ và nhu cầu cấy ghép còn nhiều điều bàn cãi. "Thật sự, ai có quyền quyết định về chất lượng cuộc sống của bệnh nhân?", bà hỏi, "Một điều rất quan trọng là họ sẽ không khiến xã hội sợ hãi... Chúng ta cần cố gắng hết sức để giúp đỡ người bệnh".

Nếu tất cả bệnh nhân đều rút lui thì "cũng không sao. Như thế có nghĩa là chúng ta chưa sẵn sàng", bà nói.

Nhưng nếu phẫu thuật ghép mặt thành công thì sẽ rất có ích cho nhiều người đang sống trong cảnh khốn khổ, theo Gutowski, một bác sĩ phẫu thuật ở Wisconsin. "Ai đó phải làm gì đó", ông nói, "Khi nhìn lại, chúng ta sẽ biết liệu có nên làm hay không".

  • 1.251