Chuyên gia “ngửi” bom mìn

  •  
  • 338

Sau 1 thập niên phát triển công nghệ “đánh hơi” giúp dọn sạch bom mìn trong đất, giáo sư Mỹ Timothy Swager, 45 tuổi, trưởng khoa hóa học Viện Công nghệ Massachusetts mới đây đã được vinh danh bằng giải thưởng Lemelson-MIT trị giá 500.000 USD.

Timothy Swager và thiết bị dò bom mìn.

Timothy Swager và thiết bị dò bom mìn. (Ảnh: Lemelson-MIT)

Theo Merton Flemings, Giám đốc Chương trình Lemelson-MIT, tính độc đáo, thực tiễn và hợp thời của phát minh đã đưa Swager trở thành ứng cử viên sáng giá. Hiện nay, binh lính Mỹ ở Iraq sử dụng thiết bị cầm tay của Swager để lần tìm dấu vết bom hoặc chất nổ được cất giấu trong người hoặc xe cộ.

Xuất phát từ ý tưởng tạo ra dụng cụ tìm kiếm mìn giúp các binh sĩ tự vệ trên chiến trường, Swager cùng đồng sự đã sáng chế chất liệu tổng hợp có khả năng “hấp dẫn” các hóa chất như TNT trong chất nổ. Phát minh này có thể phát hiện dấu vết chất nổ với nồng độ hóa chất cực thấp. Năm 2001, Swager chuyển giao công nghệ cho công ty Nomadics trực thuộc tập đoàn ICx Technologies, để ứng dụng vào thiết bị dò chất nổ Fido. Swager cho biết Fido có thể “ngửi” bom mìn điêu luyện như chó nghiệp vụ.

Năm 2005, Fido giành được giải thưởng phát minh vĩ đại nhất của Bộ Quốc phòng Mỹ. Theo Tướng Paul J. Kern, nguyên cố vấn quân sự cấp cao của quân đội Mỹ, nhờ phát minh của Swager, hàng trăm người đã tránh được nguy cơ sát thương do bom mìn. Công nghệ này có thể được trang bị trong các mẫu robot dò tìm chất nổ ở những khu vực nguy hiểm và khó tiếp cận. Ngoài phát hiện chất nổ, công nghệ của Swager còn có nhiều ứng dụng khác như dò tìm chất ô nhiễm môi trường hoặc tế bào ung thư giai đoạn đầu.

THÁI AN (Theo AP)

Được sáng lập năm 1994, Lemelson-MIT là một trong những giải thưởng khoa học uy tín nhất của Mỹ nhằm tôn vinh những phát minh góp phần làm thay đổi thế giới. Năm nay, Chương trình Lemelson-MIT cũng trao giải thưởng 100.000 USD cho Lee Lynd, giáo sư cơ khí thuộc Đại học Dartmouth cho công trình nghiên cứu biến các chất liệu như cỏ, gỗ, lúa mì và rơm thành nhiên liệu ethanol. Phát minh này được đánh giá có tiềm năng cải thiện chất lượng cuộc sống toàn cầu và bảo vệ môi trường.

Theo Báo Cần Thơ
  • 338