'Tình người online' của cư dân mạng

  •  
  • 118

Đầu tháng 11, hơn 2.000 em nhỏ vùng cao Hà Giang được nhận món quà từ chương trình Áo ấm mùa đông. Website Kết nối yêu thương cũng quyên góp gần 40 triệu đồng cho đồng bào miền Trung. Internet đang là cửa ngõ cho các bạn trẻ giàu lòng nhân ái khởi dựng ước mơ hoạt động xã hội của mình.

Những bộ quần áo ấm cũ còn lành lặn mà bạn không dùng nữa hoặc ít vận đến sẽ góp phần mang lại một mùa đông ấm áp hơn cho trẻ em dân tộc nơi địa đầu của Tổ quốc, Cổng trời - Hà Giang”. Lời kêu gọi của Áo ấm mùa đông được phát đi từ blog 360 Yahoo của Nguyễn Văn Tuấn nhanh chóng được “nhân bản” sang nhiều trang khác. Chương trình do Mạng Thanh niên tình nguyện phát động nhanh chóng thu hút không chỉ giới cộng đồng blogger mà cả những cơ quan, tổ chức hoạt động xã hội. Sau khi được tổ chức Caritas (Thụy Sĩ) làm nhà tài trợ chính, chương trình của Tuấn chuyển sang giai đoạn mới. 

Lời kêu gọi ủng hộ quần áo trẻ em cũ trên blog của Nguyễn Văn Tuấn. Ảnh chụp màn hình.

Có những lúc tụi em lo chương trình bị vỡ. Mọi chuyến hàng cứu trợ và cả tình nguyện viên của nhóm đều là chia sẻ với đồng bào miền Trung sau cơn bão Xangsane. Nếu không theo được kế hoạch thì quần áo sẽ không đến được với các em bé vùng cao trước mùa rét”, Tuấn tâm sự.

Khởi điểm trên mạng, chương trình của Tuấn được nhiều người biết đến, nhưng cũng không ít người ngần ngại vì “không biết thực hư thế nào”. Ngày 30/10, đoàn xe chở 2 tấn quần áo trẻ em cũ khởi hành đến với các em bé tại 3 xã Lùng Tám, Thanh Vân, Quyết Tiến thuộc huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang. Số ngày thực hiện bị rút ngắn xuống còn 10 ngày, chỉ bằng một nửa so với dự kiến ban đầu vì cơn bão quái ác. Hiện chương trình đang bước vào giai đoạn 2 hướng đến 5 xã Lũng Cú, Má Lé, Lũng Táo (huyện Đồng Văn), Xí Mần (Ngán Chiên) và Hoàng Xu Phì (Chiến Phố). Một số tổ chức xã hội, Sở Văn hóa Thông tin và Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh Hà Giang đã lên tiếng nhận lời giúp đỡ các bạn trẻ nên việc xúc tiến thuận lợi hơn đợt 1. Chuyến hàng cứu trợ đợt mới đang được phân loại và dự kiến sẽ khởi hành vào ngày 8/12.

Cũng vì mục đích nhân đạo, các quản trị viên diễn đàn là thành viên của CLB Admin Hà Nội lập chung website ketnoiyeuthuong.info với mong muốn “đây sẽ là nơi kết nối các diễn đàn, website và chương trình tình nguyện online”. Ý tưởng được bắt nguồn sau một chuyến tham gia tình nguyện tại miền Trung cuối tháng 9. Sau hơn một tháng vận động trên mạng, các “cư dân mạng” đã thu được số tiền 21,5 triệu đồng. Hoạt động offline đầu tiên của nhóm được ghi nhận là đêm nhạc gây quỹ ngày 5/11 để ủng hộ nạn nhân của cơn bão Xangsane. Nhạc sĩ Đỗ Bảo, ca sĩ Trọng Tấn, Tấn Minh, Lưu Hương Giang cùng nhiều giọng ca đến từ Sao Mai Điểm hẹn cùng tham gia chương trình. Ngày 24/11, đại diện của nhóm với sự giúp đỡ của báo Tuổi trẻ Thủ đô đã lên đường trao món quà tình nghĩa 38,8 triệu đồng, kết quả của cả 2 lần quyên góp online và offline, đến với đồng bào miền Trung.

Đêm nhạc Kết nối yêu thương do CLB Admin tổ chức. Ảnh: Thế Hà.

Theo anh Trần Anh Huy, người đại diện website Kết nối yêu thương, môi trường kết nối trên Internet cũng có những mặt tích cực của nó, giúp các bạn trẻ lại gần nhau, dễ dàng trao đổi kiến thức và học hỏi. 

Cộng đồng cư dân mạng không phải chỉ chat chít, chơi game vô độ hay đột nhập, phá phách”, anh Huy nói. “Giờ đây, thế giới mạng còn là nơi các bạn trẻ thể hiện tinh thần tương thân tương ái, thể hiện tình người online”. Quản trị viên này còn dẫn chứng hàng loạt website chứa đựng “tình người online”. Web Trẻ thơ, một diễn đàn của các bà mẹ trẻ, thường xuyên quyên góp quần áo, đồ đạc cũ, tổ chức hội chợ để quyên tiền thực hiện phẫu thuật cho các em nhỏ bị bệnh, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Ngay cả những diễn đàn chuyên về công nghệ thông tin, bảo mật cũng luôn có những chủ đề nhân đạo, đặc biệt mỗi khi có thiên tai xảy ra.

Theo lời của những người trong cuộc, phong trào hoạt động xã hội trên Internet hiện nay vẫn ở giai đoạn đầu, chứa đựng nhiều trở ngại. “Thông tin trên Internet ngày nay tràn lan, bất cứ ai cũng có thể lập ra 1 website. Vì thế sức thuyết phục của những lời kêu gọi chỉ có tác dụng với cộng đồng online. Những người ít lên mạng, cơ quan, tổ chức… tỏ ra nghi ngờ. Việc vận động thường dựa vào quan hệ cá nhân của các thành viên”, người phụ trách chương trình Áo ấm mùa đông nói. Để khắc phục, nhóm đã công bố rộng rãi hình ảnh hoạt động cụ thể tại Hà Giang. Mặt khác, thành viên tham gia phong trào đều trẻ, hầu hết là sinh viên. Dù nhiệt huyết rất nhiều nhưng kinh nghiệm tổ chức, lên kế hoạch hoạt động không có nhiều, đa phần là tự phát kiểu “thấy gì làm nấy” nên khó duy trì lâu. Thời gian vừa qua cũng đã bắt đầu có những tiếp xúc giữa các nhóm với mong muốn kết hợp làm những chương trình lớn hơn.

Hưng Hải

Theo VnExpress
  • 118